CK 024A (NAM) - NHÂN QUẢ THÂN HÀNH - GIỮ ĐỘC CƯ ĐỂ NHIẾP TÂM - BÌNH ĐẲNG - THỌ TRAI
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Người nghe: Tu sinh (nam)
Thời gian: 25/11/2005
Thời lượng: [57:56]
(00:00) Trưởng lão: Con ngồi xích lên trên này, bàn trên này rất nhiều mấy con; để ở phía sau đó… Tu sĩ thì chúng ta ngồi 1 bên, còn cư sĩ để ngồi 1 bên; để không đó - tu sĩ với cư sĩ lộn xộn, nó không có ngăn nắp mấy con! Tu sĩ mấy con xếp qua 1 bên con, còn cư sĩ qua 1 bên, vậy nó mới có chỗ. Dồn qua 1 bên mấy con, tu sĩ mình dồn qua 1 bên đi!
Còn cư sĩ, mấy con lên trên này! Mấy cụ, mấy người lớn tuổi lên trên đi con! Dồn lên trên hết con, cư sĩ lên trên hết, để cái dãy bàn ở dưới cho nó rộng con. Cư sĩ lên trên này, mấy cụ lên trên này đi, lên sát trên này đi, để ở sau cho nó rộng.
Mấy con dồn lên, còn ở phía sau còn thừa để Phật tử người ta đến dự thính, người ta ngồi người ta nghe được. Tu sĩ 1 bên, cư sĩ 1 bên - coi như vậy nó có ngăn nắp đó! Chứ để không là cư sĩ người ngồi trên, tu sĩ người ngồi dưới coi nó không có ngăn nắp. Hôm nay, sau này thì chúng ta sắp xếp vậy, cư sĩ cứ ngồi bên đây đi, tu sĩ ngồi bên kia; cứ như vậy, nam cũng vậy, nữ cũng vậy.
(03:00) Hôm nay, chúng ta tiếp tục học về cái bài Nhân Quả Thân Hành của chúng ta. Thì có những người viết bài cũng rất khá, rất hay! Nhưng có những điểm còn sót, chưa hết cho nên chúng ta cố gắng.
Thí dụ như viết cái bài luận về Nhân Quả Thân Hành: thì lúc bây giờ, khi mà luận về cái thân hành của chúng ta rồi thì chúng ta nói có cái phương pháp để chúng ta thực hành, áp dụng vào cái khi mà chúng ta luận về cái nhân quả của cái hành động của chúng ta; để chúng ta có cái cách thức để chúng ta tu tập, luyện tập như thế nào để áp dụng được những cái nhân quả thiện - ngăn chặn những cái nhân quả ác, thì như vậy mới biết cách áp dụng. Còn nếu chúng ta không nói ra được phương pháp, cách thức để áp dụng được cái nhân quả, thì đó là chúng ta luận suông.
Cho nên, vì vậy mà bây giờ chúng ta luận, đọc lên chúng ta có nhiều bài đọc lên rất là xúc động! Làm cho chúng ta có cảm động về cái nhân quả thiện - ác của mình. Và đồng thời thì chúng ta cố gắng nghĩ tưởng như thế nào - áp dụng vào những cái phương pháp mà Phật đã dạy, mà chúng ta đã học.
Cho nên cách thức của đức Phật dạy: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” hay hoặc là "Ngăn ác, Diệt ác - Sanh thiện, Tăng trưởng thiện". Chúng ta sẽ áp dụng như thế nào để mà chúng ta ngăn tất cả các hành động ác của chúng ta - nó thuộc về nhân quả ác.
Thì chúng ta khắc phục được mình như vậy sẽ đem lại sự hạnh phúc cho mình, cho người. Khắc phục được như vậy, áp dụng được pháp như vậy thì cái cuộc đời tu hành của chúng ta sẽ không làm khổ mình, khổ người. Đời sống của chúng ta sẽ không còn làm khổ ai nữa hết!
Bây giờ ở đây thì có những cái bài viết tạm được, cũng khá, áp dụng được vào cái đời sống nó có cụ thể. Vậy thì Thầy, cái bài này của Minh Nhân. Minh Nhân có đây không con? Minh Nhân không có hả?
Tu sinh: Minh Nhân bữa nay vắng mặt.
Trưởng lão: Vắng mặt hả? Phải có Thầy bắt đọc cái bài này. Bây giờ người nào đọc được, đọc giùm cái bài này. Minh Nhân đã viết cái bài này tạm ngắn gọn mà nói được cái ý của thân hành của mình. Chơn Tịnh đọc được không con?
Thấy đường không con, sợ tối quá!
(06:10) Chơn Tịnh: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca mẩu Ni Phật. Chơn Tịnh xin kính đọc bài Nhân Quả Thân Hành của Thầy Minh Nhân:
"Nhân Quả Thân Hành là gì?
- Nhân là hành động của thân, khẩu, ý.
- Quả là tác động tạo nên của thân, khẩu, ý.
- Tướng của nhân là hành động.
- Tướng của quả là sự tạo nên kết quả.
- Thân hành là từ hành động nhân của tâm.
Đặc tính thân hành có hai tướng thiện - ác:
- Thiện là cứu khổ - ban vui cho người, cho vật.
- Ác là đem đau khổ cho người, cho vật.
Thân hành ác như thế nào đối với người, động vật?
- Thân hành ác đối với người như: giết người, cướp của, sát sinh, gian tham, trộm cắp của người, đạo tặc, ỷ quyền, cậy thế, chiếm đoạt vợ người làm cho tan nát gia đình - mất chân hạnh phúc, tà dâm.
Sát sinh, đạo tặc, tà dâm - ba tướng này làm đau khổ biết bao nhiêu người quằn quại trong xã hội: 1 anh chạy xe honda ôm kiếm tiền để nuôi gia đình, vợ và đàn con 7 đứa. 1 hôm về, bất cẩn đậu xe đi mua thuốc hút. Khi anh trở lại thì bọn ác đã thủ tiêu xe đi mất. Anh thẫn thờ, lòng như chết điếng. Cả gia đình chỉ cậy vào anh và chiếc xe, thế mà… Anh gào lên đau khổ: “Trời ơi, trời ơi, làm sao đây, làm sao bây giờ?”. Thế là qua ngày hôm sau nghe tin anh treo cổ tự sát, để lại 1 vợ, 7 con.
(08:57) Các khổ đau bị mất trộm là như thế đấy! Sinh ra từng ăn trộm để gieo oán nghiệt, cắt đoạn đường tơ, làm cho con phải xa cha, vợ phải xa chồng. Nhân quả đều phải trả cho việc ăn trộm cắp, gieo chết chóc, đau thương cho người. Hãy làm ngược lại là thiện.
1 anh nông dân hỏi vợ: “Má nó ơi, con Nga bây giờ tối rồi mà nó chưa lùa bầy vịt về để rồi còn ăn cơm nữa chứ!”. Tiếng nói chị Lành từ trong bếp vọng ra: “Vậy ông chịu khó đi đến chỗ thả vịt kiếm nó về!”. Vợ chồng anh chị chẳng có con trai, chỉ có 1 cô con gái 16 tuổi. Tuy con gái chứ lao động phải gấp 2 lần trai. Anh Lành và chị Nga nuôi được 500 con vịt đẻ trứng, cha con thay phiên nhau chăm sóc. Tiếng hớt hãi của anh Lành: “Mẹ nó ơi, đến cứu con Nga!”. Chị Lành tưởng con cảm gió, nhưng không phải. Quần áo cô Nga không còn ở trên mình, chứng tỏ cô đã bị hiếp dâm. Anh Lành cõng từ ngoài đồng về thì cô đã chết từ bao giờ. Công an điều tra kết quả cho biết: kế gần nhà có 1 trung niên 36 tuổi, nông dân, đã có vợ và 2 con; đi đóng thuế lúa về ngang, gặp cô Nga thả vịt ở chỗ vắng, lại thấy trời sắp tối, anh động lòng tình dục - hiếp dâm cô Nga, sợ bại lộ nên bóp cổ cho cô đến chết. Vì sợ và quá vội vàng nên hung thủ làm rơi lại miếng giấy đóng thuế, nên công an đòi anh hỏi cung, anh tự thú về hành vi kia. Tòa tuyên án tử hình.
(11:57) Cốt truyện trên đây dành cho những ai có lòng tình dục, tà dâm, hãy lấy gương ấy mà soi. Đừng vì hành động nhất thời làm khổ mình, khổ người, khổ cả 2, khổ luôn cả 2 bên gia đình. Anh chị Lành mất con, vợ anh kia thì mất chồng, con thì mất cha. Đó chẳng phải thân hành ác mà gây ra nhiều tội lỗi: sát sinh, trộm cắp, tà dâm đó sao? Làm ngược lại, không làm theo như trên là thân hành thiện.
1 anh uống rượu say sưa, đập vợ, đánh con, phá phách nhà cửa, đập vỡ chén nồi chắc cũng là thân hành ác. Cờ bạc, thú vui số đề, cá độ đá banh, đá gà đến khi hết tiền - bán nhà, bán đất, vợ chồng ra tòa ly dị nhau cũng là thân hành ác. Ngược lại, đừng làm là thân hành thiện.
Mở quán nhậu bia ôm, chứa người mãi dâm, bia rượu, không kể trẻ già, mê dâm háo sắc, làm cho gia đình của họ mất đi hạnh phúc, lắm lúc phải lúc phải ly dị, xa nhau. Đó cũng là thân hành nghề ác. Còn nhiều nữa nhưng thôi, cho xin qua thân hành ác đối với loài động vật.
(14:03) - Thân hành ác đối với loài động vật như: Làm gà, vịt, dê ở chợ: Hễ ai mua gà thì họ cắt cổ, nhổ lông rồi tính tiền. Cá cũng vậy, mua xong cá bảo họ làm luôn tại chỗ, chỉ cần mang về chế ra tùy theo ý mình muốn. Đó cũng là thân hành ác. Làm ngược lại là đừng hành nghề ấy là thân hành thiện.
Lò heo quay trốn thuế, làm lậu, làm riêng: Họ sợ heo la, Nhà nước bắt họ, nên họ kẹp điện vào hai lỗ tai heo rồi kéo cầu dao xuống - con heo giãy tê tê, khỏi la. Chưa chết hẳn, họ lấy dao nghề của họ sắc bén - đâm cổ họng con heo, mẩu phọt ra lênh láng, lấy thau hứng tiết - thấy mà mắc ớn, tối tăm cả mặt mày. Nhưng những người hành nghề họ vẫn bình thản như không có gì. Đó là thân hành ác. Ngược lại, đừng làm là không có ác nghiệp.
1 quán nhậu cầy tơ - quán thịt chó: Họ mướn người đi mua hoặc họ xúi người đi bắt trộm. Đi mua không được, mỗi 1 ký/10 ngàn đồng. Còn những người không biết - đem đến thì họ mua mão, có nghĩa là nhắm chừng, không cân. Họ đập đầu thì sợ chó la - người ngoài đàm tiếu, họ cho vô bao, đem trấn nước chết; xong họ chế nước sôi nấu sẵn, cạo lông; rồi đem để lên lửa ngọn, thui da cho vàng, trở qua trở lại đều. Rồi đem xuống sông hoặc ao, hồ, thau nước; lấy lá cải chà rửa cho sạch; rồi mổ bụng lấy hết tim, gan, ruột, bao tử… nói chung là hết bộ đồ lòng. Đem lên thớt, thịt thì theo thịt, đồ lòng thì theo đồ lòng. Rồi ướp tương hột, ngũ vị hương, các món xào nấu khác, rồi đem ra bán. Đó là thân hành nghề ác. Làm ngược lại, không làm nghề trên là không ác.
(17:17) Quán nhậu đặc sản lươn lăn, ếch chiên giòn: Còn ếch - lấy ngón tay trỏ kéo bao tử ra, rửa sạch toàn thân con ếch, rồi nhét bao tử vô trở lại. Lấy con dao nhọn đâm cho lủng bao tử, rồi dồn thịt heo bằm sẵn có gia vị vào con ếch, bắt bỏ lên chảo chiên đến giòn là đem bán. Còn lươn thì cũng vậy - lươn làm rửa sạch, không mổ bụng, lấy chày dằm xung quanh thân con lươn cho thịt dập bể ra, rồi lấy xương ra hết, cũng trộn thịt bằm sẵn vào ruột lươn. Xong hết, khoanh tròn để vô nồi có rau ngỗ, rau cần tàu để sẵn trong nồi; đổ nước bột ngọt vào, hấp chín, chất ra dĩa bán. Đó là thân hành nghề ác. Ngược lại, không làm là không có ác. Nên lưu ý! Còn nhiều nghề nữa nhưng xin thôi, xin cho qua nghề đánh bắt chúng sanh.
Nghề đánh bắt: giăng lưới, bẫy chim - muôn thú là thân hành ác; giật điện bắt cá là thân hành ác; kéo lưới điện dưới sông là thân hành ác; chài, câu, giăng lưới ở đồng là thân hành ác… Nói chung, làm nghề đánh bắt loài động vật là thân hành ác. Làm ngược lại là thân hành thiện.
(19:33) Kết luận: Làm thiện là đem lại sự yên vui, hòa bình cho mọi người. Làm thiện, không giết hại lẫn nhau - người người, cũng như động vật là hành thiện. Đừng cắt cổ lẫn nhau, đừng chém giết nhau là thân hành thiện. Cái gì giết thì đừng giết, cái làm hại - đừng làm hại, cái gì làm đau khổ thì đừng làm đau khổ, cái gì làm buồn phiền thì đừng làm buồn phiền.
Tất nhiên, bằng 1 hành động ngược lại của thân hành ác đều là thiện cả. Trong cuộc đời từ bé đến trung niên, rồi già - biết bao thăng trầm, lăn lộn trong xã hội, là biết bao nhiêu sự gây tạo ác nghiệt nhưng chúng ta biết dừng lại, làm ngược lại. Nếu quả thiện được gieo trồng, biết lồng ghép đúng cách, đúng thời, đúng trường hợp thì quả tất nhiên chẳng có. Chẳng có thì tất nhiên ta chuyển đổi nhân quả được rồi đấy! (21:05)… ác trở thành thiện là lẽ đương nhiên. Cố lên quý bạn! Tiến lên, người và vật có tình thương lẫn nhau để sống bên nhau trên 1 hành tinh đầy tình thương thánh thiện.
Con, Minh Nhân.
Ghi chú: Bạch Thầy Trưởng lão, những mẩu chuyện được dựng lên trong bài này là sản phẩm tư tưởng con. Con có nói láo trong con, cốt để chỉ thẳng vào cái thiện - cái ác, với mục đích làm sáng tỏ giữa thiện và ác, chứ không có ý gì. Con xin chân thành sám hối với Thầy, mong Thầy từ bi chỉ giáo cho con! Con Minh Nhân".
(22:11) Trưởng lão: Các Thầy nghe qua cái bài này thì tuy nó chưa có đủ. Tại vì chưa có biết ghi chép được cái phương pháp áp dụng. Có nhắc nhở, có khuyên chúng ta nhưng nó chưa đủ. Chúng ta phải có cái phương pháp để chúng ta thực hiện trên cái nhân quả, làm cho tốt hơn.
Hằng ngày, chúng ta phải nhắc nhở cái tâm chúng ta như thế nào để cho nó thực hiện được cái nhân quả tốt. Tuy hiểu nó rồi, nhưng mà phải làm cho cái sự hiểu biết đó thấm nhuần bằng cái phương pháp tác ý hoặc là nó tự kỷ ám thị để giúp cho chúng ta có cái sự vững vàng để chúng ta thực hiện.
Cho nên bài viết này chưa đủ là vì còn thiếu phương pháp thực hành nhân quả thân hành trong cuộc sống của chúng ta. Tức là nhắc nhở cho nó giữ vững, để khi cuộc sống của chúng ta xảy ra những cái điều ác thì chúng ta làm chủ được, chúng ta không phạm phải những cái điều ác, cho nên cố gắng!
Sau này quý Thầy, quý cư sĩ mà làm bài thì nhớ, sau khi cái bài cuối cùng rồi thì chúng ta phải có cái lời - dùng phương pháp nào để áp dụng vào đời sống của chúng ta. Do đó nó sẽ thấm nhuần được, vừa hiểu biết cái nhân quả như thật, mà lại vừa biết cách áp dụng vào cái đời sống của chúng ta nữa; thì cái bài pháp của chúng ta, cái lời nói của chúng ta nó có 1 cái giá trị rất lớn, vì biết cách thức áp dụng.
Cho nên vì vậy, nếu mà chưa có biết cách viết về cái sự áp dụng thì quý Thầy phải hỏi lại Thầy, Thầy sẽ hướng dẫn cho cách thức để cho chúng viết, để chúng ta áp dụng cho được những cái gì mà chúng ta đã học. Chứ không khéo chúng ta học lý thuyết suông rồi đâu nó cũng vào đấy. Nói thì rất hay, mà khi áp dụng vào đời sống của chúng ta thì hoàn toàn chúng ta sống trong ác pháp chứ không có thiện pháp. Cho nên, nó còn phải ghi chép lại những cái hành động áp dụng vào cái đời sống của chúng ta qua cái phương pháp hẳn hòi, có phương pháp. Con hãy đọc tiếp!
(24:16) Chơn Tịnh: Con xin đọc bài của học trò lớp Chánh Kiến: Chơn Tịnh
Đường Đi Nhân Quả Con Người:
"Trên bàn thờ, đức Quan Công mặt đỏ gay, tay cầm thanh long đao dựng đứng; hai bên, vị tướng hầu mặt trắng bệch; và vị trước mặt đen râu dài dữ tợn. Tôi quỳ trước bàn thờ, hai tay nắm ống tre ngang - khấn, trông được nhận quẻ xăm, thầm khấn nguyện xin cho biết tương lai như thế nào. Sau khi khấn xong, bắt đầu xóc xóc mười mấy cái, thì 1 miếng tre mỏng trồi lên và rơi xuống nền. Đặt ống tre xuống, lượm quẻ xăm lên coi số mấy, rồi đến ngăn kệ tìm xem tờ giấy giải thích ý nghĩa của quẻ xăm với lòng hồi hộp. Quẻ xăm viết: “Năm 30 tuổi đủ con tằm…”. Bài kệ có cốt câu quá cô đọng, ngắn gọn, làm sao hiểu được rõ ràng đây? Còn những năm dài mới đến tuổi 30, thôi cũng hy vọng tới đó xem sao.
Xin nhắc lại những ngày ấy, sau trận bão lụt năm 1979 - người dân đói khổ; những khuôn mặt ngơ ngác, đăm chiêu, lo lắng ở ngày mai. Cái rét, bệnh tật, cái thiếu ăn, thiếu mặc thăm hỏi từng người. Từ trẻ thơ đến cụ già, ai cũng hy vọng - hy vọng ngày mai đỡ khổ hơn. Cùng chung số phận tâm tư, tôi tìm đến những lời tiên tri - buôn hạnh bói toán để mong tìm hiểu tương lai có sáng sủa hơn không. Càng tìm hiểu thấy Việt Nam có Trạng Trình hay quá, Trung Hoa có Trần Đoàn, Quảng Lộ, Khổng Minh trong Tam Quốc Chí - thần cơ tính trước như thần, tương lai các cung, sự việc sắp xảy ra v.v.. Định mệnh, số phận giấu kín ở tương lai mà quý Ngài vẫn phát hiện ra được!
(27:03) Gần 2 năm thao thức, duyên lành nghe nhân dân đồn có vị Thầy ở chùa Am, huyện Trảng Bàng - đời sống rất lạ; trẻ vào vườn chùa hái trộm trái điều - Ngài thấy, lẻn vào trong cốc đóng cửa lại, hành tung kỳ lạ khác người. Tìm đến đích Thầy, được nghe giảng, giải thích nghiệp và nhân quả: "Quả khổ chúng sanh hôm nay là do gieo nhân xấu, nhân ác trong quá khứ". Tôi giật mình bừng tỉnh, các nhà tiên tri ở Tây phương như Nostradamus, Trạng Trình, Khổng Minh, Quảng Lộ, Trần Đoàn, v.v.. cũng chỉ là những bậc có khả năng phát hiện ra cái quả, mà không hiểu nguyên nhân tại sao lại xảy ra như vậy. Không nghe các Ngài nói số phận, định mệnh đó do đâu mà thành.
Đến nghe đức Thầy giảng nhân quả, tôi bừng tỉnh. Lâu nay khắc khoải tìm hiểu thuyết định mệnh, số phận; Thượng Đế hay đấng tối cao đã ban cho mỗi con người 1 số phận.
Suy tư: Thượng Đế, đấng tối cao rất vô tư, công bằng đã ban cho mà sao kinh sách có người giàu - kẻ nghèo, kẻ quyền thế - người nô bộc, kẻ lành lặn - người tật nguyền từ lúc sinh ra? Người đẹp đẽ - kẻ thô xấu, kẻ thì nhỏ con ốm yếu - người thì mạnh khỏe to con, người thì chết yểu - kẻ thì sống lâu trăm tuổi, người thông minh - kẻ ngu muội, v.v.. Đó là khác nhau về hình dáng bên ngoài - mỗi người mỗi vẻ, không ai giống ai.
(29:24) Về phần tâm tánh thì mỗi con người có 1 sắc thái riêng, tâm tánh riêng. Ai đã ban cho mỗi con người có 1 cách ứng xử riêng, mà có thể liệt kê như sau:
10 hạng người:
- (1) Người thì hung dữ - sát nhân, hại vật: không kiêng nể con vật lớn - nhỏ nào cũng làm thịt cho vào chỗ không trời, không đất. Người thì hiền hậu, thương yêu vạn loài, hai tay rộng mở tình thương - nâng niu, săn sóc từng con vật; thả chim, thả cá; sống đạm bạc với muôn loài chim thú, côn trùng. Người thì trộm cắp, cướp giật, lừa gạt, lấn áp, chèn ép, mưu mô quỷ quyệt để bỏ vào túi mình những tài sản vật báu của người 1 cách khéo léo.
- (2) Người thì thành thật, vô tư, mua ngay bán thật; thấy của rơi không lượm, hoặc lượm thì tìm chủ nhân trả lại; 1 tài sản lớn - không tham khi không phải của mình.
- (3) Người thì năm thê bảy thiếp, bồ bịch lăng nhăng, chơi bời vô độ lẫy lừng; người thì chung thủy chính chuyên, bạn đời mất thì ở vậy nuôi con.
- (4) Có người miệng hay nói láo, có lợi cho mình thì có nói không - không nói có. Có người miệng lưỡi luôn nói thật, gan dạ; can đảm nói lên sự thật, không giấu giếm, xảo quyệt, che đậy.
(31:28) - (5) Có người mở miệng ra là nạt nộ, hung dữ, quát tháo, rủa xả, chửi thề; còn có người thì nói lời nhẹ nhàng, ý hòa hoãn vui tươi, đem lại cho người nghe an lành.
- (6) Có người thì hay tò mò tọc mạch, tìm hiểu được điều gì ở kẻ này thì đi kể với kẻ kia để gây chia rẽ, hận thù; thêm thêm, bớt bớt đủ điều và cho đó là thói quen. Còn có người thì vô tư, chuyện người - ít quan tâm; nếu tình cờ biết được điều gì, nếu kể ra có hại cho người đó thì vẫn không nói, bỏ qua, coi như không thấy, không nghe để người khỏi khổ.
- (7) Có người thì hay nói lật lọng - bây giờ nói có, lát nữa nói không, thay đổi liền liền; hứa cụi, hứa lèo, thề thốt lung tung, loạn cào cào - miễn là được việc cho mình mà thôi! Còn có người thì thành thật, giữ đúng lời hứa, can đảm không chối bỏ những gì mình đã nói ác.
- (8) Có người thì ý ham muốn rất mạnh, thấy ai có gì mình cũng muốn có, ước ao được có; thấy người có danh, mình cũng muốn có danh, thấy người có tài lợi mình cũng ước ao, thích như vậy.
- (9) Có người thì hay nổi sân - mặt đỏ phừng phừng, la hét; khi bị thiệt thòi đôi chút vật chất, bị nói xấu chê bai là khối cục sân nổi dậy ngay, gây nên không khí hãi hùng, làm cho những người chung quanh phải khiếp đảm. Sân cũng có nhiều cấp độ, có thể chia thành hai loại: sân nổi và sân điềm (không lộ ra ngoài), nhưng cũng đều gọi là sân cả.
- (10) Có người u tối không thấy điều hay lẽ phải, nói bậy, làm càn, ít khi nghĩ đến hậu quả của nó; còn có người thì khôn ngoan, biết phải - biết trái, biết điều này thiện - biết điều này ác, biết đúng - sai; luôn nghĩ lợi ích cho người, đem lại an vui cho người; không làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sanh.
(34:40) Được nghe đức Thầy giảng về nhân quả khổ - vui của con người thật là chí lý, thật là cụ thể, chính xác, rõ ràng; mà ta có thể suy luận, kiểm chứng trong cuộc đời qua những sự việc xảy ra trước mắt và trong mỗi chúng ta. Để rồi từ đây, không còn ai than trời trách đất, vác đơn đi kiện ông trời vì sao không công bằng, để cho tôi phải bất hạnh thế này thế kia.
Khi nghe đức Thầy giảng về nhân quả con người, nhân quả tái sanh; chưa đủ - đức Thầy còn dạy hành thập thiện để thay đổi số mệnh, định mệnh của con người. Số phận con người không cố định mà có thể chuyển đổi nhờ hành thập thiện. Con cháu dòng họ Thích sao mà có phước quá, được Ngài chỉ dạy con đường làm người, làm Thánh; tránh con đường làm quỷ, làm ma. Nhân nhân quả quả muôn trùng do chính thân, khẩu, ý của người đó tạo ra; số phận do chính họ. Từ việc to tát lớn lao đến việc nhỏ bằng đầu cây kim hạt, cải đều do nhân quả sắp đặt an bày. Con cháu dòng họ Thích được Ngài trao cho viên minh châu - đó là Pháp bảo, là lời chỉ dạy, là đường lối thực hành để đạt quả vui, đạt được được tâm thanh thản, an lạc, vô lo.
(36:35) Cảm xúc tuôn trào khi biết được số phận định mệnh là do thân, miệng, ý đã tạo trong quá khứ gần - xa. Lòng vui rộn ràng, viết lên vài hàng chữ nhẹ êm:
Con đường Thập Thiện thênh thang
Quả vui tướng đến theo liền một khi
Con đường Thập Ác buông lung
Khổ đau, tai nạn, tật nguyền ngu si
Ai ai chớ dại làm chi
Đừng mê tìm chốn đoạn trường mà đi
Nơi chùa Am, Gia Lộc, Trảng Bàng
Pháp thanh vang vọng mãi từ đây
Ra công ban phát cho đời
Đạo đức nhân bản sáng ngời trần gian
Dựng lại những gì toang ném bỏ
Gánh nặng muôn đời đã trả xong
Mười phần độ bảy, tu ba
Con đường giác ngộ mẩu mẩu tìm về.
Bờ kia đức Phật dang tay đón
Chờ mãi con đâu chẳng thấy về
Trần gian vui quá cha ơi
Thất tình, danh lợi ê hề đủ mâm
Ngài nhắc lại tâm tư, lời nói
Vô thường, vô tịnh chốn trần gian
Cha ơi con đã hiểu rồi
Con xin về gấp khỏi trông mỏi mòn.
(Chơn Như, ngày 22 tháng 10, Học trò lớp Chánh Kiến, Thích Chơn Tịnh)
(38:45) Nước ngũ dục ngập chìm con trẻ
Con kêu la, cầu cứu, khóc than
Bờ này, cha đứng lòng đau
Luật nhân vay - trả cứu làm sao đây?
Bờ bên kia, cha lòng đau xót
Nhìn con thơ lăn lộn chợ đời
Luân hồi tử tử sinh sinh
Sao con không chán mà quay trở về?
Cha ơi, con ngán ngẫm rồi
Quay về gặp khó cản đường cha ơi…
Từ đây gia phả dòng họ Thích
Ghi thêm tên tuổi Thích Tử Tôn
Hoằng dương chánh pháp rạng ngời
Để mai sau nữa có người nương theo
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
(40:14) Trưởng lão: Cái bài này, nãy giờ Thầy nghe được 2 cái bài, nó cũng còn có những cái lời nhắc nhở, khuyên ở trong đó. Nhưng cố gắng viết làm sao nó có được những cái pháp hành, để chúng ta áp dụng được cái nhân quả vào trong cái bản thân của chúng ta cho nó đạt được kết quả là từ đây về sau - chúng ta học được cái nhân quả, thông suốt được cái nhân quả và áp dụng vào đời sống chúng ta nhân quả tức là Ngăn ác, Diệt ác - Sanh thiện, Tăng trưởng thiện pháp.
Bây giờ Thầy xin nhắc nhở với quý Thầy, quý cư sĩ là chúng ta cố gắng bắt đầu từ đây về sau, sau 1 tháng tu học rồi thì chúng ta nhớ rằng là về vấn đề cố gắng giữ độc cư, đừng nói chuyện để chúng ta tiến tới sự tu tập Chánh Niệm Tĩnh Giác, vì nói chuyện thì nhiếp tâm không có được đâu! Cho nên, vì vậy mà chúng ta cố gắng khắc phục mình phải giữ độc cư cho trọn vẹn. Nếu không giữ trọn vẹn độc cư thì khó mà nhiếp tâm lắm, khó mà kéo dài thời gian ra. Thí dụ như có nhiếp tâm được 5 - 10 phút mà tiếp duyên nói chuyện thì 5 - 10 phút đó và có thể trở lui trở lại chứ không có… hoặc là có khi nhiếp được - có khi nhiếp không (được).
Do cái sự mà tiếp duyên - tâm ý phóng dật thì do đó nhiếp tâm rất khó. Cái Định Vô Lậu thì nó dễ vì chúng ta dùng cái tri kiến chúng ta quán xét, tư duy. Còn cái định Chánh Niệm Tĩnh Giác nó khó - do chúng ta nhiếp tâm mà không bị ức chế; mà nếu cứ tiếp duyên thì chúng ta sẽ bị ức chế, cố gắng mà nó không niệm khởi thì nó bị ức chế; còn chúng ta không tiếp duyên thì tự nó nó thanh tịnh cho nên chúng ta tăng dần lên với cái khả năng của chúng ta thì chúng ta đạt được 30 phút hay 1 giờ rất dễ dàng mà không có niệm.
Nhớ kỹ, đó là cái bí quyết thành công chúng ta tập định tỉnh! Nếu mà không có giữ độc cư mà tiếp duyên đó thì cái sức định tỉnh chúng ta không có, và do như vậy chúng ta bị ức chế tâm. Và đồng thời thì trong thất của chúng ta hôm nay chúng ta nên nhớ là đừng có mở máy cassette mà nghe to quá, chúng ta hãy nghe rất nhỏ bởi vì xung quanh chúng ta có nhiều cái thất đang tu, người ta đang tập nhiếp tâm - an tịnh, nhiếp tâm để mà an trú cho được; nếu mà mình động quá thì cái sự mới tu tập mà nghe cái tiếng bài nói pháp trong đó hoặc nghe tiếng ồn thì người ta rất khó tu, rất khó nhiếp tâm. Cho nên vì vậy muốn nghe đó, hầu như chúng ta có những cái ống nghe mà chúng ta nghe nó đỡ, nó không phát ra cái âm thanh hoặc là chúng ta mở rất nhỏ để vừa đủ nghe thôi, đừng mở lớn lắm.
Đó là cách thức mà chúng ta bước vào giai đoạn tu Chánh Niệm Tĩnh Giác. Do muốn tu Chánh Niệm Tĩnh Giác đạt được đó thì chúng ta bớt nghe. Cần thiết cái gì chúng ta làm bài không hiểu đó, chúng ta mở ra nghe trở lại coi Thầy giảng nói cái gì; nghe rất nhỏ, vừa đủ nghe mà thôi để xung quanh mình còn những người khác người ta tu hành.
(43:30) Còn về vấn đề vào lớp tu tập thì người lớn tuổi chúng ta ngồi trước, người trẻ tuổi chúng ta ngồi sau; sắp xếp cho nó có thứ tự để chúng ta có cái sự tôn kính lẫn nhau. Và đồng thời, tu sĩ ngồi 1 dãy, cư sĩ ngồi 1 dãy - chúng ta ngồi như thế này là nó rất bình đẳng. Còn nếu mà tu sĩ - cư sĩ chúng ta ngồi lộn xộn, xen kẽ nhau thì đối với chúng ta, hiện tại ở lớp chúng ta thì người cư sĩ cũng như người tu sĩ đều giữ giới như nhau, đều tu tập các pháp như nhau, nó rất là bình đẳng nhưng những người khác, chẳng hạn như có 1 vị thầy Đại thừa, họ đến lớp chúng ta mà họ thấy cư sĩ ngồi lộn xộn với tu sĩ thì họ chê bai chúng ta không có thứ tự. Cho nên chúng ta sắp xếp lại, thì như vậy thì không ai còn chê bai chúng ta - như họ có nhiều điều họ nói: "Tại sao cư sĩ lại ngồi ngang với tu sĩ?" Họ cũng dám chê chúng ta.
Nhưng ở đây, chúng ta đứng trên cương vị là bình đẳng - 4 giới đệ tử của Phật: trong đó có cư sĩ nam, cư sĩ nữ, Tăng và Ni; cho nên chúng ta sống trong cái sự bình đẳng; cho nên chúng ta tạo 2 cái dãy bàn ngồi ngang nhau, thì tu sĩ và cư sĩ chúng ta cũng ngồi ngang nhau chứ không có gì hơn kém.
1 người tu chứng xong rồi thì cũng vẫn là 1 con người chứ không phải nói là tu chứng xong rồi - mình là Phật thì mình ngồi trên cao như 1 nhà vua, 1 thiên tử thì nó không đúng cách của đạo Phật. Đạo Phật rất bình đẳng!
Cho nên đối với đức Phật ngày xưa, khi mà tu chứng rồi đó, Ngài đi dạy đạo, có những người thị giả hầu Ngài. Nhưng mà khi cái người thị giả đó muốn đi vào cái chỗ nào đó thì nói với đức Phật: "Con muốn đi vào cái đường này/ đi ngả này/ đi vào rừng xoài này…" - đức Phật nói: "Không được!" Nhưng mà cái người thị giả đó không có đồng ý cho nên mới để cái bình bát xuống, thì đức Phật tự mình ôm bình bát đi vào cái ngõ khác. Như vậy, đối với đạo Phật - đối với đệ tử của mình rất là bình đẳng. Khi mà người đệ tử mình muốn đi 1 ngả, mình muốn đi 1 ngả thì ai tự do nấy chứ không có ép buộc.
Do đó chúng ta cũng nên sống 1 cách bình đẳng - cư sĩ và tu sĩ như nhau. Thầy thì tu xong, Thầy biết cách Thầy dạy, thì Thầy cũng là 1 con người thôi, chứ không có gì hết.
Cho nên thường thường, cư sĩ hoặc tu sĩ ở đâu đến đây cũng vậy, Thầy mời ngồi ngang với Thầy. Hoặc là Thầy tiếp 1 người khác, đều là Thầy mặc áo để Thầy tiếp, chứ Thầy không có mặc cái áo ngắn mà tiếp - thì coi như mình tỏ mình là hơn người khác, như vậy là không hay, do cái sự bình đẳng như vậy.
Đó là những cái đức hạnh bình đẳng của đạo Phật mà hôm nay thì chúng ta nói đến những điều mà người khác có ý chỉ trích chúng ta - họ nói thế này, thế khác. Cho nên hôm nay, Thầy sắp xếp như vậy là đương nhiên là chúng ta sẽ có trật tự hẳn hòi, đàng hoàng mà không còn ai nói gì được nữa.
(46:48) Còn cái thời gian mà đi khất thực, thì bắt đầu chúng ta học xong rồi từ 10 giờ cho đến 11 giờ - cái khoảng thời gian đó chúng ta khất thực; về 11 giờ trở lên, bắt đầu chúng ta thọ trai và thọ trai đến 12 giờ hoặc 12 giờ rưỡi. Trong cái khoảng thời gian mà thọ trai đó thì chúng ta vừa ăn mà vừa tập tỉnh thức ở trong cái ăn; chứ không phải là ăn vội, ăn vàng. Rồi ăn uống rồi chúng ta còn rửa bát, rửa bát rồi đi nghỉ.
Trong khoảng đi nghỉ đó thì cái thời gian từ 10 giờ cho đến 12 giờ và cái khoảng thời gian đi khất thực thì từ 10 giờ đến 11 giờ. Để sau khi từ 11 giờ đến 12 giờ, trong khoảng thời gian đó, chúng ta ăn uống 1 cách chậm chạp để lắng nghe từng hành động, tập tỉnh thức từng hành động ăn uống, rồi khi mà thấy cái tâm mình nó khởi nó thích ăn cái gì, nó muốn ăn cái gì đó thì mình nên tác ý mình dừng lại cái ham thích đó, để chúng ta vừa ăn mà vừa tu tập để ly dục - ly cái dục ăn; mà nếu ly cái dục ăn được thì cũng vẫn có thể ly được cái dục ngủ, mà ly tất cả những các dục khác được. Cho nên tập ngay từ cái ăn của chúng ta để mà ly dục!
Nếu mà tập ăn chậm rãi như vậy thì chúng ta mới có đủ cái sức tư duy, mới có đủ cái sức tỉnh thức, mới xem lại cái tâm mình còn ham thích ăn ngon hoặc là chê những món ăn dở hay không; để mình xem xét cái tâm của mình; mình ngồi mình ăn, mình lắng nghe từng cái tâm niệm của mình như vậy cũng là 1 cái phương pháp tu tỉnh thức để mà ly dục - ly ác pháp.
(48:23) Đó là cách thức tu tập, vì vậy mà chúng ta khi 10 giờ thì chúng ta lần lượt chúng ta đến chúng ta khất thực, khoảng 11 giờ là kể như là mọi người đều phải về thất hết. Chứ nhiều khi Thầy thấy thậm chí như có người gần 12 giờ mới đi khất thực, nghĩa là nói rằng: "Tôi lo thiền định" - sự thật ra cái đức hạnh mình không có thì thiền định gì cũng là tà thiền mà thôi!
Cho nên cái người mà tu đạo Phật người ta căn cứ vào cái phạm hạnh - đức hạnh mà người ta thấy được cái sự giải thoát đó. Nó không phải là cái tướng, mà nó là cái nội tâm người ta thể hiện qua; còn cái tướng mà làm để cho mình làm giới luật đức hạnh - nó không giấu được người khác đâu! Nó sẽ không che đậy được, mà cái sự thật là chúng ta phải làm đúng!
Cho nên ví dụ chẳng hạn như chúng ta ở trong thất chúng ta tu tập thiền định - chúng ta nhiếp tâm; nhưng mà khi đi ra, cái oai nghi tế hạnh chúng ta không có thì đó là chúng ta cũng sai, không tu đúng pháp. Cho nên Thầy nhắc nhở, khi học tập tu lần lượt chúng ta giữ gìn oai nghi tế hạnh chúng ta nó tự nhiên, nó không phải gò bó - nó gò bó thì nó cũng sai, mà nó tự nhiên theo đặc tướng của mọi người nhưng oai nghi tế hạnh chúng ta vẫn có đầy đủ.
(49:37) Còn cái bài vừa rồi của Thầy Chơn Tịnh đọc thì ở trong đó nó nói cái đặc tướng, đặc tính, duyên hợp, duyên tan; nhưng mà chuyển hóa nhân quả áp dụng vào đời sống, thực hành các pháp để vào đời sống mình thì thiếu thôi; nhưng mà cái đặc tướng, đặc tính nói rõ ràng, cụ thể.
Cho nên khi mà mình nói về nhân quả của thảo mộc, thì mình cũng nói đặc tướng, rồi đặc tính rồi duyên hợp, duyên tan; có cái duyên nó mới hợp lại nó mới có cái hành động đó, còn nếu mà không có cái duyên thì nó không có cái hành động đó.
Còn phần nhiều thì bài làm của chúng ta, phần nhiều thì nó quên đi, có nhiều người nói được cái đặc tướng, có nhiều người nói được cái đặc tính, mà cái duyên hợp thì chúng ta nói mà chúng ta không nhắc khéo thì người ta cũng không biết cái duyên hợp như thế nào. Nó có cái duyên, rồi cái nhân duyên nó mới hợp nó mới thành ra cái thân hành đó, nó tạo thành cái ác; rồi cái duyên tan là nó đi đến cái hậu quả của nó bị tử hình hoặc bị giết.
Chúng ta nêu ra những mẩu chuyện rất xúc động nhưng mà khéo léo để chúng ta diễn tả được đặc tướng, đặc tính, duyên hợp, duyên tan nơi cái mẩu chuyện đó thì cái bài của chúng ta nó trở thành 1 cái bài học đạo đức và áp dụng phương pháp của Phật dạy ngăn ác, diệt ác vào đó.
Bài học đạo đức của chúng ta rất tuyệt vời! Vừa dạy cho mình học đạo đức mà vừa để sau này người khác đọc cũng là thành 1 cái bài học đạo đức cho người khác. Đạo đức không làm khổ mình khổ người, đó là cái đạo đức mà chúng ta đang tu tập là Định Vô Lậu chứ không có gì khác hơn hết.
Và Định Vô Lậu là 1 cái định rất tuyệt vời, triển khai cái sự hiểu biết của chúng ta, cái tri kiến của chúng ta, làm cho chúng ta làm chủ được tất cả mọi sự sống của chúng ta. Cho nên cố gắng mà học tập, nhớ những lời mà Thầy nói, đặc tướng, đặc tính, duyên hợp, duyên tan, chuyển hóa nhân quả, áp dụng vào phương pháp mà Phật đã dạy để chúng ta áp dụng được cái nhân quả vào bản thân của chúng ta mà chúng ta thực hiện được đạo đức không làm khổ mình, khổ người.
Đó là những điều cần thiết mà lớp học này nhắm vào cái Chánh Kiến mà triển khai phương pháp Định Vô Lậu; và đồng thời chúng ta áp dụng luôn Chánh Niệm Tĩnh Giác để chúng ta phá cái si, phá cái hôn trầm thùy miên, vì vậy mà cố gắng! Thầy nhắc lại, cố gắng giữ hạnh độc cư trọn vẹn; mở băng cassette rất vừa nghe thôi, không được mở lớn, vì mở lớn sẽ động những người khác xung quanh mình, họ đang tu tập.
(52:12) Và bắt đầu Thầy sẽ ghi nhận sự nhiếp tâm từ 1 phút cho đến 30 phút của các Thầy; và đồng thời Thầy sẽ theo dõi và tìm cách giúp cho quý Thầy, quý cư sĩ nhiếp tâm cho được, an trú cho được, phải đạt được. Nghĩa là giờ phút nào không tu thôi, mà đã tu thì nhất định là làm chủ cái khoảng thời gian đó - là nhiếp tâm và an trú tâm, ít nhất là phải 30 phút. Cái người dở nhất là phải nhiếp phục tâm mình là 30 phút - 30 phút vừa đủ sức để chúng ta đẩy lui các bệnh khổ nơi thân của chúng ta.
Cho nên buộc lòng cái khóa tu học này thì chúng ta phải làm chủ được bệnh, là vì chúng ta phải an trú và nhiếp tâm cho được. Do đó hiện giờ, phải tu tập cho có căn bản để nhiếp mới được. Và từ đó giới luật chúng ta càng lúc phải càng nghiêm chỉnh!
Trong cái khóa này mục đích là đào tạo để chúng ta chứng được Vô Lậu; mà nếu mà không có rèn luyện, huấn luyện kỹ thì nó sẽ không chứng. Và vì vậy, cái người nào mà thấy mình tu không nổi thì xin dự thính. Còn người nào mà quyết tâm sống chết - 1 là chết, thứ 2 là phải chứng được Vô Lậu thì cố gắng mà ở đây, Thầy hướng dẫn tận cùng.
Dù cái lớp học này còn 1 người - Thầy cũng dẫn dắt họ tới nơi tới chốn! Còn nếu thấy khó quá, cực khổ quá, không tu nổi thì xin Thầy ra dự thính để nghe cho biết thôi, rồi cố gắng giữ được đạo đức ở mức độ nào thì hay mức độ nấy.
Còn ở đây, 1 cái người tu mà theo Thầy khi mà hiểu được nhân quả mà không áp dụng được nhân quả vào bản thân của mình thì người đó không phải là cái người đệ tử của Thầy!
Khi mình đã hiểu biết nhân quả thiện ác như vậy rồi, và đồng thời có phương pháp mà không chịu áp dụng để mình chuyển biến những cái đau khổ, những cái tâm phiền não của mình thì không nên học cái lớp này.
Nghĩa là mình học để cho biết thôi đó thì nên dự thính mà thôi. Còn ở đây phải áp dụng triệt để - 1 là chết chứ không được để tâm mình phiền não, đau khổ; 1 là chết chứ không để thân mình phải chịu đau đớn qua những cơn bệnh. Tức là chúng ta phải nhiếp tâm cho được, đẩy lui được bệnh, chúng ta áp dụng nhân quả để làm chủ được tâm không phiền não, không đau khổ.
(54:34) Đó là cách thức hôm nay, nhớ! Thầy xin nhắc lại: khi viết bài, thì hiện giờ quý Thầy và các cư sĩ nên làm lại bài Nhân Quả Thân Hành; thì phải nhớ đặc tướng, đặc tính, duyên hợp, duyên tan, chuyển đổi nhân quả, áp dụng phương pháp Phật dạy.
Đó là những điều cần thiết, nhớ kỹ những lời mà Thầy gợi ý qua cái này để mà viết. Và đồng thời phải làm lại - có nhiều bài chỉ được ở góc độ này mà không được ở góc độ khác. Có nhiều bài đem mẩu chuyện rất nhiều, nhiều chuyện rất là xúc động nhưng không nói lên được đặc tướng, đặc tính, duyên hợp, duyên tan nó.
Cho nên chúng ta đưa ra 1 bài, 1 mẩu chuyện thôi, mà chúng ta vẽ đủ là cũng đủ cái thân hành nhân quả của chúng ta. Còn nếu mà chúng ta đưa nhiều quá thì nó cũng không hay, 1 cái thôi. Rồi kế tiếp, chúng ta làm 1 cái bài khác, chúng ta đưa ra 1 mẩu chuyện khác nữa.
Thí dụ như bây giờ về thân hành, về việc sát sanh, về giết hại chúng sanh, chúng ta đưa ra 1 mẩu chuyện súc tích, gây cảm xúc cho người đọc; và đồng thời chúng ta sẽ giải thích cho hiểu cái hành động đó là đặc tướng, đặc tính của hành động đó để cho người khác nhận xét được hành động đó như thế nào.
Đồng thời cái duyên hợp như thế nào để tạo thành cái nhân quả đó, rồi cái duyên tan là cái kết quả của nhân quả đó - nó đi đến những cái đau khổ như thế nào, nó tan rã như thế nào? Và cuối cùng thì cái phương pháp để chuyển hóa được cái nhân quả đó, chúng ta áp dụng luôn.
Vì vậy thì chỉ cần 1 mẩu chuyện thôi, nhưng mà tìm 1 mẩu chuyện rất súc tích; và cũng tìm 1 cái nghề nghiệp nào đó mà nó tạo thành cái ác, để rồi chúng ta xác định chuyển biến nó thành cái thiện. Do ghi chép như vậy thì cái bài của chúng ta đọc nó vừa ngắn gọn mà nó vừa gây cảm xúc cho người nghe. Từ đó người ta rất là hối hận, ăn năn mà người ta không còn phạm phải những lỗi lầm, những hành động ác đó nữa.
Nhớ những lời Thầy dạy thì các cư sĩ và các Thầy sẽ làm bài rất là tuyệt vời! Và cũng là cái bài đó để áp dụng cho bản thân của mình, làm tốt được những sự tu tập, mình đang hướng về sự giải thoát đó. Bây giờ Thầy xin trả lại những cái bài này cho các con. Đem phát lại giùm Thầy!
HẾT BĂNG