00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

CK 006A (NỮ) - TƯ DUY NHÂN QUẢ THẢO MỘC - NHẬN XÉT BÀI LÀM

CK 006A (NỮ) - TƯ DUY NHÂN QUẢ THẢO MỘC - NHẬN XÉT BÀI LÀM

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Tu sinh (nữ)

Thời gian: 11/2005

Thời lượng: [41:02]

1- NHÂN QUẢ DUYÊN SANH TRÙNG TRÙNG

(00:00) Trưởng lão: Nhân quả - một hạt nó sanh ra rất nhiều quả và 1 cái quả thì nó có nhiều cái hạt ở trong đó. Tức là ta biết một cái nhân, nó có nhiều cái quả; một cái quả, nó có nhiều cái nhân ở trong đó. Do đó, nó có cái tên gọi là Nhân Quả Duyên Sanh Trùng Trùng.

Nhưng mà tóm tắt lại, sự sanh diệt ở trên hành tinh của chúng ta - mọi vật sống từ cây cỏ cho đến loài động vật đều qua cái sự sanh diệt. Duyên sanh - hợp duyên đó mà nó sanh ra muôn trùng, cho nên (lúc) chúng ta viết 1 loạt nói về nhân quả duyên sanh.

Bây giờ, chúng ta chưa có nói về nhân quả duyên tan của nó. Duyên tan là nó tan hoại, nó làm cho mất mát do cái nhân quả đó (01:05) mà hễ sanh thì phải có diệt - mà hễ sanh nhiều thì diệt nhiều. Do như vậy mà ta nói là nhân quả duyên sanh để chúng ta thấy rằng một cái nhân không phải sanh ra chỉ một cái quả, mà sanh ra nhiều quả; mà một cái quả, nó không chỉ có một cái nhân mà có nhiều nhân. Do như vậy, chúng ta mới hiểu được nếu mà chúng ta không thấy nó trùng trùng duyên hợp - trùng trùng duyên tan và vì thế mà trùng trùng duyên khởi. Nghĩa là lúc nó khởi lên nhiều cái dạng.

(01:56) Cũng như bây giờ mấy con nói về nhân quả thì mấy con thấy cái hạt và cái trái. Nhưng mấy con thấy cái nhân của nó nhiều khi không phải là cái hạt: như cái lá - khi chúng ta bỏ nó xuống đất, nó cũng lên thành cái cây; rồi cái dây - chúng ta cũng có thể bỏ xuống ngâm, rồi cắt, chúng ta cắm xuống đất nó cũng lên thành cây, thì cái dây cũng là cái nhân; cái lá - lên thành cây, cho cái quả thì cũng là cái nhân; mình cắt một nhánh cây mà ghim nó xuống, rồi cái nhánh cây đó lên thành một cái cây rồi nó ra quả, thì cái nhánh cây chiết như vậy nó cũng là cái nhân.

Đó, các con thấy nhân quả nó trùng trùng chứ không phải riêng! Nhưng đầu tiên thì chúng ta nói nghĩa đen cho nó cụ thể: "nhân" là cái hạt, "quả" là cái trái; nhưng nhiều khi cái nhân nó không phải là cái hạt, mà là cái nhánh cây hoặc là một cái củ.

Từ trong cái củ nó có cái nhân, mà cũng là cái quả. Thí dụ như bây giờ chúng ta lấy một củ khoai lang, chúng ta đem bỏ xuống đất, thì cái củ đó sẽ lên một cái dây khoai lang; và đồng thời thì nó lại ra cái củ khoai lang khác. Do đó, từ ở trong cái củ, nó cũng đã có cái nhân và quả của nó trong đó.

Chúng ta thấy rõ, bởi vì nhân quả nó duyên hợp - duyên sanh trùng trùng, nó nhiều cách chứ không phải có một cách. Cho nên vì vậy mà vạn vật sanh ra, nó có nhiều cái cách để mà sanh ra, chứ không phải có một cách sanh ra như cách sanh ra từ cái hạt, mà nó trùng trùng - nhiều cách để sanh ra cái nhân quả.

(03:46) Cho nên khi mà viết bài nhân quả - để cho chúng ta thấy, để chúng ta có cái tầm mắt nhìn cái Vũ Trụ mà sanh ra vạn vật thì nó muôn vàn cái lối sống chứ không phải chỉ có (một cách).

Riêng đạo Phật cho chúng ta biết nó có 4 loại sanh:

Loại thứ nhất là Thấp Sanh - nơi ẩm ướt mà sanh ra;

Loại thứ hai là Noãn Sanh;

Loại thứ ba là Thai Sanh;

Loại thứ tư là Hóa Sanh.

Thì chúng ta thấy Vũ Trụ - đầu tiên không có loài vật, không có cây cỏ; nhưng cái thời tiết - cái sự hoạt động của nó, cái sự hoạt động của không gian của chúng ta nó có cái hành. Cái hành đó nó sẽ tạo thành cái duyên hợp - đúng cái lúc đó, cái giai đoạn đó, nó lại hóa sanh.

Thí dụ như cây rong, tự nó hợp, tự nó hoá sanh chứ không có cái nhân. Bây giờ thí dụ như chúng ta thấy cái xi-măng mình tráng cái nền nhà của mình, mình thấy nó hợp cái độ ẩm ướt, cái sự hoạt động của thời tiết, cái độ ẩm ướt thì đâu phải (từ cái nhân); nó hợp các duyên xung quanh, cho nên nó hoá sanh ra cây rong. Từ cây rong nó chết, nó mới để lại cái chất màu mỡ; cái chất màu mỡ là cái duyên của nó nữa.

Rồi từ cái rong đó nó sống, nó có cái sự hô hấp của nó - nó thở, nó sống đó; do đó, nó thải ra cái từ trường, nó làm cho môi trường sống có thêm nhiều duyên. Rồi từ cái nhiều duyên đó, cho nên nó mới hợp duyên nó sanh ra các loài thảo mộc - tức là cây cỏ. Rồi từ cây cỏ nó lại sanh ra nhiều duyên nữa để tạo ra thành cây thảo mộc. Rồi chừng đó chúng ta thấy, từ cái rong cho đến khi mà có con người xuất hiện thì chúng ta biết bao nhiêu cái trải qua thời gian, trải qua bao nhiêu sự duyên hợp để mà tạo ra tới con người.

Cho nên con người là một loài động vật rất là quý giá, rất là cao cấp. Từ đó chúng ta mới có đủ trí tuệ để chúng ta biết được cái thiện - cái ác - cái nhân - cái quả để chúng ta tu tập làm chủ lại cái nhân quả đó, không để nó chi phối chúng ra nữa thì chúng ta thấy rất là tuyệt vời!

2- ĐẠO PHẬT GIÚP CON NGƯỜI CHUYỂN HOÁ NHÂN QUẢ

(06:26) Trưởng lão: nhưng mà từ nhân quả sanh chúng ta ra, rồi chúng ta lại hiểu biết được nhân quả, rồi chúng ta lại biết được những pháp để chuyển đổi nhân quả hay chuyển hoá nhân quả. Thí dụ như một cái trái cam chua mà chúng ta lai ghép làm cho trái cam đó nó trở thành ngọt thì các con thấy đó là sự chuyển hoá của nhân quả.

Thì khi mà hiểu nhân quả được thì chúng ta không bao giờ ở trong những cái hành động ác, cho nên chúng ta chuyển từ hành động ác chúng ta chuyển thành từng hành động thiện để trở thành chúng ta toàn thiện. Mà khi toàn thiện thì nó không còn lậu hoặc; không còn lậu hoặc thì lúc bây giờ chúng ta đã ra khỏi quy luật của nhân quả.

Khi bài học này làm chúng ta thấu suốt, hiểu được cái lý nhân quả để chúng ta biết được con đường đi của chúng ta để chúng ta làm chủ được tất cả những quy luật của nhân quả - nhân quả không còn chi phối chúng ta được nữa và chúng ta ra khỏi cái môi trường của nhân quả.

Thầy thấy rằng duy nhất chỉ có đạo Phật mới giúp chúng ta; mới triển khai được cái tri kiến của chúng ta - cái đầu của chúng ta để chúng ta hiểu tất cả những lý lẽ chân thật đó của luật nhân quả, của sự sinh tồn của nhân quả, của sự sinh diệt của nhân quả. Do đó, chúng ta mới làm chủ được sự sống chết bản thân của chúng ta.

Cho nên phải cố gắng mà rèn luyện, tư duy, quán xét! Khi cái giờ tu Định Vô Lậu thì mấy con phải siêng năng, phải hết sức siêng năng để mà tập luyện tư duy, suy nghĩ những gì còn thiếu sót thì mấy con ghi chép trở lại, làm nhiều lần, nhiều bài. Và đồng thời, tiếp tục Thầy cho cái đề tài nào đó thì mấy con cố gắng làm đúng cái đề tài đó.

3- TƯ DUY NHÂN QUẢ THẢO MỘC

(08:30) Trưởng lão: Cũng như trong bài này thì Thầy khuyên như thế này: con nên viết lại bài này một lần nữa và nên thêm nhân quả cây, cành, lá, dây, củ - đều là nhân, là quả. Các con sẽ thêm cái phần nhân quả bằng cành, lá, cây nữa!

Trong bài mấy con viết, có nhiều bài, mới đầu mấy con viết thì nó mông lung, nó nhiều cái dạng của nhân quả - vừa là nhân quả duyên sanh, vừa là nhân quả chuyển biến, vừa là nhân quả Vũ Trụ - thời tiết, rồi vừa là nhân quả lành - nhân quả ác, nhân quả thiện - ác. Mấy con viết nó lung tung, nhiều, nhưng mà gồm lại thì coi như là cái hiểu của mấy con nó không xoáy vào cái đề tài mà mấy con đang làm.

Cho nên Thầy hướng dẫn lần để cho mấy con đi ngay vào nhân quả. Thì bắt đầu từ cái nhân nào, quả nào, rồi lần lượt mấy con đi đến từ cái nhân quả trừu tượng hơn như hạt rồi ra quả, rồi từ dây ra quả, rồi từ cây ra quả, rồi từ lá ra quả. Tất cả mọi cái nhân quả đó, các con đều phải viết để làm cho mình thông suốt hết cái nhân quả của nó.

Rồi sau đó thì mấy con sẽ học đến nhân quả chuyển đổi. Để chúng ta biết khi mà chúng ta sống 1 hành động ác - chúng ta chuyển cái hành động ác đó thành một cái hành động thiện, như là thay đổi.

Rồi chúng ta còn hiểu sâu hơn nữa, đó là nhân quả duyên sanh, duyên hợp, hoặc là nhân quả thành hoại. Thành là hợp nên, mà hoại là nó diệt, cho nên gọi là nhân quả thành hoại. Mà nhân quả thành hoại nó trùng trùng duyên hợp và trùng trùng duyên tan.

Cho nên, lúc bây giờ mấy con sẽ học để hiểu biết tại sao mà một con người chết đi mà lại sanh ra nhiều người và một con người đang sống mà lại có những cái người khác lại đang được sanh ra. Chúng ta đang sống - chưa chết mà cái nhân quả chúng ta làm thì chúng ta đã có những cái ảnh hưởng để mà sanh ra một con người khác hoặc là những con vật khác. Mà khi chúng ta chết thì tất cả những cái nhân quả của chúng ta đều tiếp tục sinh diệt, không bao giờ mất.

Một người chết là một người tiếp tục sanh rất nhiều, và một người còn đang sống cũng đang sanh. Bởi vì lấy duyên sanh - duyên khởi của nhân quả thảo mộc thì chúng ta thấy một cây mít ra trái mà đâu có nghĩa là nó chết, mà nó tiếp tục nó có những cái hạt mít nó lên những cây mít khác. Rồi cho đến khi mà cây mít chết thì có biết bao nhiêu lần có những hạt sanh không?

4- NHÂN QUẢ CON NGƯỜI KHÔNG KHÁC NHÂN QUẢ THẢO MỘC

(11:45) Trưởng lão: Cho nên, mỗi khi mà chúng ta ngồi đây mà chúng ta nghe hàng xóm sanh ra một đứa con hoặc là hai đứa con thì chúng ta biết không chừng đó là những nhân quả của chúng ta đã sanh ra đó. Cho nên, qua sự nghiên cứu của nhân quả thì chúng ta thấy rõ ràng là chúng ta đang sống mà còn có những cái nhân quả của chúng ta lại là sanh ra những đứa bé khác.

Cho nên, từ đó suy nghĩ chúng ta thấy có một sự liên quan của mọi người với nhau; chúng ta còn gì mà lại nói xấu nhau, lại chửi mắng nhau, lại nặng nhẹ nhau vì mọi người sinh ra đều là do nhân quả của chúng ta mà thôi, có khác nhau đâu! Tại sao chúng ta lại hờn, lại giận, lại buồn phiền với nhau làm gì? Do chúng ta suy nghĩ về nhân quả nó cụ thể, rõ ràng!

Bằng chứng các con cũng thấy rõ, hiện giờ chúng ta có một cái hạt, chúng ta ươm lên một cái cây, như cây mít chẳng hạn, thì cây mít vẫn sống mãi và đồng thời nó ra quả mãi; và từng cái hạt của nó thì nó lên bao nhiêu cây mà cây mít có chết chưa? - Chưa chết! Cho đến khi cây mít chết thì các con thấy có bao nhiêu nhân quả không?

Cho nên, từ cái nhân quả của loài thảo mộc thì chúng ta nghiên cứu qua nhân quả của con người thì nó có khác gì đâu, vì nhân quả thảo mộc và nhân quả của con người nó chỉ duy nhất là một chứ không thể hai được! Nhưng cái nhân quả của con người thì chúng ta thấy rằng nó đi qua một cái hành động của chúng ta mà nó tạo thành nhân quả thiện - ác của nó.

Bởi vì chúng ta thấy rõ thiện - ác là gì? Cái hành động chúng ta ác - là làm cho kẻ khác đau khổ, buồn phiền, làm cho kẻ khác rất là đau khổ. Cho nên, do cái nhân quả như vậy thì chúng ta biết rằng đó là ác.

Cái nhân quả mà chúng ta làm cho người khác an ổn, yên vui, bình an thì chúng ta biết đó là nhân quả thiện. Mà chính đạo Phật đã xác định cho chúng ta thấy được cái nhân quả rõ ràng, chỉ cho chúng ta đừng làm khổ mình, khổ người.

Còn làm khổ mình, khổ người là ác pháp; hoặc làm khổ người hoặc làm khổ mình là ác pháp; chỉ có không làm khổ mình, khổ người là thiện pháp - là nhân quả thiện.

Do như vậy mà cuộc đời chúng ta theo đạo Phật tu hành mục đích là chúng ta sống đạo đức không làm khổ mình, khổ người. Còn những điều mà làm khổ mình, khổ người hoặc khổ mình hoặc khổ người thì nhất định chúng ta không làm nữa! Do như vậy chúng ta mới chấm dứt được nhân quả, còn nếu không thì chúng ta không chấm dứt.

(14:45) Từ nhân quả của cây cỏ thảo mộc mà chúng ta suy luận đến nhân quả của con người thì đâu có khác gì! Và sự sanh diệt của cây cỏ, tức là nhân quả duyên sanh thì nó không có khác gì đâu!

Cho nên nó hợp duyên thì nó sanh ra, thì con người cũng hợp duyên mà sanh ra chứ có khác gì là cây cỏ. Cho nên nhân quả của cây cỏ chính là nhân quả của con người. Nhìn cây cỏ mà đoán được nhân quả của con người một cách cụ thể, không mơ hồ một chút nào; vì vạn vật sinh ra từ cây cỏ cho đến các loài động vật đều sinh ra trong quy luật của nhân quả thì phải giống nhau, phải cụ thể, không còn mơ hồ nữa.

Cho nên nhớ kỹ! Mấy con làm bài, có nhiều bài mấy con viết rất hay, có nhiều ý nói rất rõ ràng về nhân quả để sau này xác định lần lượt bước đi trên con đường tin nhân quả. Chúng ta xác định cụ thể rõ ràng làm cho tri kiến của chúng ta hiểu một cách rõ ràng của nhân quả. Từ đó, mọi vật xung quanh chúng ta, mọi pháp xung quanh chúng ta xảy ra những gì chúng ta đều thấy bằng nhân quả - thấy rõ nhân quả, không còn thấy sai; mà không còn thấy sai thì tâm hồn của chúng ta rất an ổn, không còn khổ đau nữa.

Cho nên sự hiểu biết về nhân quả rất cần thiết cho chúng ta - nó là Chánh Kiến trong lớp Chánh Kiến của đạo Phật. Tức là đầu tiên vào đạo Phật học tu thì chúng ta phải có sự hiểu biết đúng đắn, sự hiểu biết như thật - đó là Chánh Kiến. Vì vậy thì mấy con phải cố gắng rèn luyện mình trong sự hiểu biết này, phải siêng năng làm bài, phải siêng năng ghi chép, phải siêng năng những gì Thầy dạy mà tập luyện để tri kiến chúng ta triển khai một sự hiểu biết như thật. Nhờ có sự triển khai hiểu biết như thật mà cứu chúng ta thoát ra khỏi quy luật của nhân quả, làm cho nhân quả chuyển biến, hoặc chấm dứt nhân quả không còn tác động trên thân tâm chúng ta được nữa.

5- SÁNG SUỐT GIỮ GÌN ĐỨC VỆ SINH VÀ LÀM CHỦ CẢM THỌ NGỨA

(17:02) Hôm nay, ở đây Thầy xin trả lại 2 tập vở này của Diệu Vân, con đã gửi cho Thầy một cái bài và một tập gọi là nhật ký hằng ngày tu tập. Có những điều Thầy khuyên con cố gắng hơn, bởi vì chúng ta ở nhà tranh vách lá cho nên nhiều khi cái nhà mà không có người ở lâu ngày thì nó có những sự ẩm mốc và những vi khuẩn.

Nhất là mấy con ở xa mà về đây, nhất là nó không hợp với thời tiết ở đây, rồi nó có nhiều cái sự diễn biến làm cho mấy con có những cảm thọ khó chịu - nhất là ngứa.

Nhà mà vách như thế này, mà một cơn gió thổi thì có những cái bụi ở trên vách nó sẽ rơi xuống thì chúng ta không có sự phản ứng, đề kháng của da; là phải có sự quen với nó thì nó mới không bị ngứa, còn nếu không thì mấy con sẽ bị ngứa.

Cho nên, có nhiều cái thất mà chúng ta đến ở mà chúng ta cảm thấy ngứa thì chúng ta nên cố gắng - không phải cố gắng để chịu ngứa đâu mấy con, vì cố gắng chịu ngứa đó là chúng ta không trí tuệ đâu! Bắt đầu chúng ta muốn ở cái nhà đó thì chúng ta đem nước xịt rửa bằng một cái vòi nước, xịt rửa nó mới sạch, thì lúc bây giờ chúng ta mới ở trong đó.

Chứ đừng có nói: “Ừ, thôi bây giờ tôi ráng chịu đựng, tôi gồng mình chịu ngứa”, thì cái chuyện đó là mình quá là si mê, quá là si!

Đức Phật dạy như thế này nè: “Pháp Ta không có thời gian, đến để mà thấy”, có nghĩa là mình tu là phải có sự giải thoát. Mà bây giờ bắt mình gồng mình chịu ngứa rồi gọi là: “Tôi phải chiến đấu với nó!” thì cái đó là tôi dại! Mà tôi phải biết cách làm sao cho những vi khuẩn đó, những cái bụi bặm đó nó không bám vào da tôi được nữa. Bằng cách là tôi đem cái máy bơm nước, tôi bơm nước, tôi xịt, tôi rửa từ vách đến mọi cái trong thất đó - nếu mà tôi muốn ở.

Còn không thì tôi xin chuyển qua một cái thất khác để rồi nhờ cái người mà lo lắng đời sống của mình, người ta sẽ nhờ một người khác mang cái máy bơm nước tới xịt rửa cái nhà của mình, rửa cái thất của mình như là người ta rửa chiếc xe hơi vậy. Làm cho cái nhà của mình không còn vi khuẩn bám, cái bụi ngứa đó sẽ không còn ở đó.

Chứ trải qua năm tháng mà chúng ta không ở trong đó, chúng ta không quét dọn thì những cái bụi đó ở trong không gian chúng ta, xe cộ đi qua đi lại trong cái mùa nắng, do đó cái bụi rất nhiều và những cái bụi đó rất ngứa.

(20:12) Nếu mà cái người đi không mang dép thì cái da chúng ta tiếp xúc với vi khuẩn ở dưới đất; thì người mà thường xuyên đi như vậy thì nó có sự phản ứng của da, nó có sự đề kháng của da thì nó không bị ngứa chân.

Còn chúng ta mang dép thường xuyên rồi mà bây giờ chúng ta bỏ dép mà đi bộ thì cái da chân của chúng ta nó sẽ chạm vào mặt đất, và ở dưới đất thì có những vi khuẩn. Da chân chúng ta không có sức đề kháng chống lại những con vi khuẩn đó thì chúng ta bị ngứa và đôi khi nó làm chúng ta lở loét nữa là khác!

Do chỗ đó mà một người mang dép thì chúng ta nên mang, đừng có bỏ dép đi mà chúng ta bị ngứa dưới chân. Còn người nào đã đi chân không thì không sợ, bởi vì nó đã thường tiếp xúc; cái da chúng ta nó thường tiếp xúc với vi khuẩn cho nên nó có cái sự đề kháng nó chống lại, cho nên nó không bị ngứa.

Còn khi chúng ta ở cái thất nào mà bị ngứa thì chúng ta nên mau mau, đừng có nghĩ rằng tôi sẽ ngồi đó mà tôi gồng mình lên rồi tôi tác ý nó hết - không phải đâu!

Bởi vì cái phương pháp tác ý của Phật là khi cơ thể chúng ta bị đau bệnh hoặc điều kiện khác; còn bây giờ đây là những sự thật trước mắt chúng ta thấy, rõ ràng là chúng ta bị vi khuẩn đó ở bên ngoài tác động vào thì chúng ta ngăn chặn ngay liền, đó cũng là cái pháp để chúng ta ngăn chặn các cảm thọ.

Cũng như bây giờ chúng ta ngồi, do chúng ta ngồi tréo chân mà bị đau chân thì bây giờ chúng ta nói: “Đau chân, thôi mình ngồi tác ý một hồi nó cũng hết”, thì đó là mấy con dại, cái đó là dại, vô minh lắm! Thà là chúng ta đứng dậy thì nó đâu còn đau, chứ đâu phải ngồi đó chịu đau rồi tác ý. Mấy con tác ý nó không phải hết đâu, tại vì mấy con ngồi làm cho nó đau mà!

Tự mấy con ngồi đó rồi mấy con ráng gồng mình chịu đau, rồi mấy con tác ý. Sự thật ra, cơ thể chúng ta lần lượt nó thích nghi, chúng ta ngồi chúng ta thấy lần lượt nó hết đau - nó kéo dài thời gian ra tại vì nó thích nghi, nó quen, nó không đau nữa, chứ không phải tác ý nó hết đau. Tại vì mình làm nó đau mà!

Còn cái cơ thể của chúng ta, chúng ta không làm nó đau, phải không? Mà nó sanh ra đau là tại vì sự vô thường của nhân quả, cái sự thay đổi cơ thể của chúng ta, cho nên nó bị đau. Do đó, chúng ta mới tác ý để cho cơ thể chúng ta nó có một cái sự đề kháng - đề kháng đó chống lại cái sự thay đổi của thời tiết, cái thay đổi của cơ thể chúng ta mà (đang) bị đau. Đó là cái sự đề kháng nó chống lại.

Còn bây giờ, chúng ta do cái hành động chúng ta làm bị đau, rồi chúng ta cũng đề kháng chống lại, thì thôi tốt hơn chúng ta tháo chân ra, đứng dậy thì nó đâu có đau!

(23:02) Mục đích của đạo Phật là mình tu tập để giải thoát tâm của mình, để làm chủ nhân quả. Trái lại, sự làm chủ nhân quả đó mà chúng ta tạo nhân quả đau rồi chúng ta bảo rằng là chúng ta làm chủ nhân quả thì làm chủ cái gì?! Chính mình biết rõ ràng là do mình ngồi - 2 cái chân mình mới tê, mới đau, thì bây giờ mình đứng dậy thì nó đâu còn đau! Đó là cách thức chúng ta chuyển nhân quả.

Còn bây giờ, chúng ta không biết thì chúng ta cứ để mình bị đau, thì cái đó là một cái sai - cũng như mấy con ráng cố gắng chịu đựng cơn ngứa của mấy con do những cái bụi bặm dơ đó; thì cứ hễ mấy con có chịu đựng nó đi nữa thì nó cũng vẫn bay xuống, nó cũng vẫn bám làm cho mấy con ngứa.

Cho nên ở đây, chúng ta là những người trí tuệ, những người khôn ngoan - đạo Phật là đạo trí tuệ mà, chúng ta biết rõ! Như vậy là chúng ta cần rửa nó thì chúng ta sẽ hết (ngứa). Có phải không mấy con?

Còn bây giờ, trên thân của chúng ta mà bị như vậy, lỡ mà bụi nó bám như vậy thì chúng ta lấy alcohol (cồn) - cái chất mà sát trùng đó, chúng ta sẽ xoa lên thì nó sẽ giảm đi những cơn ngứa của mấy con liền. Đó là cái mình hiểu biết mà, chứ đâu có cần gì!

Mình biết cách thức để mà chuyển nó thì chúng ta sẽ chuyển được cái nhân quả, nó làm cho chúng ta bình an trở lại - tốt hơn là chúng ta ngồi đó mà gồng mình chịu đựng ngứa để chờ cho cơ thể chúng ta nó đề kháng chống lại những vi khuẩn đó, để nó làm cho chúng ta hết ngứa thì cái thời gian đó nó phải dài quá dài, bởi vì đợi nó quen đi.

Thí dụ như bây giờ nó ngứa thì ở trong thân chúng ta nó có cái sự đề kháng chống lại cái ngứa đó chứ không phải không; nhưng chúng ta phải ngồi một thời gian dài, một ngày, 2 ngày, 5 ngày nó mới hết; chừng đó chúng ta nói pháp hay chứ sự thật chúng ta đang vô minh, đang vô minh chịu cái khổ đau đó.

Cho nên chúng ta phải là người sáng suốt, chuyện này chúng ta làm được, nó không còn ngứa nữa thì ngay đó chúng ta cứ làm chứ, điên gì mà chúng ta phải ngồi chịu đựng như vậy, đó là cái sai!

Để cái thì giờ mà chịu đựng đó, chúng ta tu một cái khác còn tốt hơn; hoặc là chúng ta triển khai cái tri kiến của chúng ta bằng cách ngồi đó mà bình an mà chúng ta suy nghĩ làm một cái đề tài nào đó làm cho đầu óc chúng ta hiểu thâm sâu được một cái lý gì đó. Nó đem cho chúng ta bình an hơn là chuyện chúng ta ngồi chống lại những cái điều mà chúng ta có thể làm được ngay liền. Đó mấy con thấy, phải sáng suốt chứ!

Cho nên đạo Phật là đạo trí tuệ, luôn luôn lúc nào nhờ trí tuệ đó mà chúng ta không có khổ đau, chứ không phải chúng ta chịu đựng cho nhân quả. Mà chúng ta biết rằng nhân quả nó chuyển biến, nó thay đổi; chứ không phải nhân quả cố định, buộc chúng ta phải chịu trả cái quả đó. Như vậy là sai, không đúng!

Cho nên những cái gì mà mấy con đến - bởi vì ở đây có nhiều cái thất không có người ở, do đó lâu ngày, 5 tháng, 6 tháng không có người ở thì bụi bặm nó sẽ đóng, bởi vì đâu có ai ở mà quét dọn. Mà không có ai ở và quét dọn thì nó lại bám trong vách, trong cái nền nhà của chúng ta. Do đó, khi chúng ta đến ở mà hay bị ngứa thì các con nên rửa.

Mình rửa không được thì nên nói cô Út, cô Út nhờ những người khác họ đem máy bơm nước tới họ xịt, họ rửa. Họ rửa từ trên xuống dưới thì cho cái nhà đó chúng ta sẽ ở sạch sẽ và ấm áp trở lại, bình an, chứ không có nữa. Mấy con nhớ kỹ điều đó, không có gì đâu! Bởi vì mình là người tu, mình chỉ xin nhờ điều đó để cho mình yên ổn để mình tu tập.

(26:25) Còn vấn đề vệ sinh thì cái phần vệ sinh của mình như thế nào cũng được, miễn là nó sạch sẽ, miễn là nó kín đáo để cho mình vệ sinh thôi, đủ! Đừng có đòi hỏi phải đẹp, phải sang, phải này kia thì đó là mình chạy theo một cách rất tầm thường của dục thế gian. Còn mình thấy nó tiện nghi: tắm rửa hoặc là tiêu tiểu nó tiện nghi thì mấy con cứ bình thường.

Bây giờ mình có những cái phòng, có những nơi rất là vệ sinh là vì mình có những cái cầu dội dùng nước nó sạch sẽ, nó đâu có sao! Ngày xưa, trong thời đức Phật rất là vất vả vấn đề bài tiết đó mấy con! Còn thời của chúng ta không có khó khăn rồi; chúng ta có phương cách, có sự nghiên cứu kỹ để mà chúng ta giải quyết về vệ sinh rất là tốt đẹp! Cho nên, chúng ta có nhiều cái - từ cái chỗ thô sơ nhưng nó vẫn vệ sinh rồi.

Hiện bây giờ chúng ta thấy những cái phòng tắm, phòng vệ sinh của những người giàu có, chúng ta thấy rất tiện lợi; nhưng mà đối với chúng ta thì bình thường thôi mấy con - sạch sẽ là đủ rồi, không cần đòi hỏi ở sang đẹp, ở cầu kỳ như những phòng vệ sinh của họ.

Cho nên như thế nào thì chúng ta sống bình thường như thế nấy, nhưng mà nó có cái sự tiện lợi cho chúng ta để giữ vệ sinh sạch sẽ. Bởi vì đạo Phật có cái Đạo Đức Vệ Sinh, mấy con!

Nắm một nắm rác mà quăng ra ngoài thì đức Phật không chấp nhận! Mà thời đức Phật thì các con biết rằng người thì ít chứ đâu có nhiều, nhưng mà ăn rồi thì người ta sẽ chôn tất cả. Những cái lá - hồi xưa không có những cái bọc ni-lông như chúng ta bây giờ, chỉ có lá họ gói thực phẩm mà thôi. Sau khi ăn rồi, hầu như những cái lá, vỏ trái cây thì người ta đều đào một cái lỗ đất để chôn, người ta làm sạch sẽ chứ không phải ném bừa bãi. Do như vậy, trong thời đức Phật rất có vệ sinh!

6- GƯƠNG HẠNH ĐỨC VỆ SINH CỦA NGÀI XÁ LỢI PHẤT

(28:30) Qua những cái giới luật, qua những cái đời sống trong kinh sách nói về đức Phật, thì chúng ta có nghiên cứu về vấn đề ăn ở rất vệ sinh. Khi một giáo đoàn của đức Phật mà đi qua - nghĩa là không còn ở chỗ đó nữa, đi qua, thì cái người cực khổ nhất đó là ông Xá Lợi Phất. Ông là người đi sau để xem xét coi nó bừa bãi chỗ nào thì ông lại lấp, lại làm cho nó trở thành vệ sinh để rồi trả lại cho thiên nhiên một cách rất vệ sinh, mấy con!

Chứ không phải là khi chúng ta đi qua rồi, chúng ta bừa bãi quăng ném đâu, không phải đâu! Mà chính ông Xá Lợi Phất chịu cái trách nhiệm là sau khi giáo đoàn rời khỏi khu rừng đó, thì ông là người đi khắp khu rừng đó quan sát coi có chỗ nào không vệ sinh thì ông dọn dẹp hết, để trả lại thiên nhiên 1 sự trong sạch của nó.

Còn chúng ta - khi ở thì dọn dẹp sạch sẽ chỗ đó, khi đi rời khỏi chỗ đó chúng ta rất bừa bãi! Và đồng thời, lúc đến ở thì đức Phật cũng hướng dẫn cho chúng Tỳ kheo trong cái thời đó, nó đông như vậy đó mà vẫn giữ gìn rất là vệ sinh, mấy con; mà đi rồi còn phải dọn dẹp vệ sinh.

Thì mấy con biết, chúng ta cũng mong muốn rằng cái đời sống của chúng ta hiện giờ là những tu sĩ cũng như cư sĩ, chúng ta cũng nên lấy cái gương hạnh đó mà chúng ta sống để giữ gìn vệ sinh. Bởi vì môi trường chúng ta ô nhiễm là tại vì con người chúng ta hiện giờ - mọi người, người đời người ta không có học hiểu, người ta sống không vệ sinh.

Cho nên nhiều khi Thầy đến một ngôi chùa mà Thầy thấy ở trước thì sạch sẽ, nơi mà trồng kiểng hoa đồ rất là sạch sẽ nhưng cái hậu sau của chùa thì quá dơ! Nghĩa là rác rến đủ thứ, đủ loại, không có sạch - thì cái đó là chúng ta không sống đúng cái đời sống của đức Phật. Rất uổng! Cho nên chúng ta muốn tạo lập một cái giáo đoàn, một Tăng đoàn thì chúng ta phải hướng dẫn giữ vệ sinh, mấy con!

Cái Đức Vệ Sinh nó ảnh hưởng tốt cho chúng ta, cho đời sống của chúng ta! Cách thức vệ sinh nó cũng ảnh hưởng đến đời sống của mọi người xung quanh chúng ta nữa; và người ta rất mến phục về cái vệ sinh. Thầy nhắc nhở, lần lượt rồi những cái điều mà học giới luật, Thầy sẽ hướng dẫn và nhắc nhở mấy con những cái cần thiết để mà học hỏi - đó là oai nghi tế hạnh của một người tu sĩ, thì trong đó có cái Đức Vệ Sinh của chúng ta nữa.

7- NHẬN XÉT BÀI LÀM

(30:52) Qua những cái bài luận đầu tiên này thì Thầy thấy mấy con chưa quen thôi, sau này quen rồi thì mấy con làm rất hay, không có đến nỗi! Cho một cái đề tài nào đó thì mấy con biết cách mấy con xoáy vào cái đề tài - mấy con sẽ nói cụ thể, rõ ràng, nó không còn mơ hồ; nói làm sao cho người ta nhận ra 1 cách rất là chân thật, rất là cụ thể thì cái đó là cái bài luận rất hay!

Còn cái nói mà chúng ta không hiểu, khó hiểu hoặc là nó hiểu một cách mơ hồ thì cái đó là chúng ta viết chưa đúng, luận chưa đúng, vì cái suy nghĩ của chúng ta chưa đúng. Chúng ta hãy cố gắng làm sao mà viết một cái bài ngắn gọn mà nó xoáy được vào cái đề tài của nó để nó nói lên!

Cũng như cái đề tài Nhân Quả Thảo Mộc, thì chúng ta thấy nhân quả thì chúng ta nói ngay cái vấn đề hạt và trái trước đã; rồi sau đó nói nhân quả bằng cành, lá; rồi nhân quả bằng củ, dây - đó là những cái nhân, cái quả bằng những cái dạng nó, tuy rằng nó không thành cái hạt, cái quả nhưng nó vẫn là cái nhân để nó trở thành những cái quả của nó. Thì bắt đầu chúng ta cũng nói hết vô trong cái nhân quả thảo mộc, đó là đi xoáy vào cái nhân quả thảo mộc thôi.

Còn những cái nhân quả Duyên Sanh hay hoặc là nhân quả Chuyển Đổi thì chúng ta khoan đã! Đây là còn những cái bài khác nữa chứ không phải chỉ có một bài này, cho nên chúng ta chỉ đưa vào bài này thì coi như là nó không có sát - làm cho người ta lệch qua một góc độ khác, làm cho người ta bị phân tâm.

Thí dụ như bây giờ mình nói nhân quả hạt và trái, thì mình lại nói cái sự mà Duyên Sanh của nó, tức là tạo cái duyên cho cái nhân quả đó lên. Bây giờ ví dụ như muốn cho một cái hạt lên thì chúng ta phải ươm, phải gieo, phải đất, phải phân màu mỡ thì đó là duyên hợp để sanh ra thành một cái cây - do đó chúng ta nói về Nhân Quả Duyên Hợp.

Còn chúng ta ở đây nói về Nhân Quả Thảo Mộc - tuy rằng cái từ này, cái đề tài này có cái nghĩa rộng nhưng mà trong đó có nhiều cái điều kiện. Nhưng mà ở đây, cái mục đích ở đây Thầy muốn nói Nhân Quả Thảo Mộc tức là hạt và trái mà thôi! Cái ý của nó ở đây không nói về hợp duyên, cũng như không nói về chuyển đổi nhân quả.

(33:26) Cho nên nhiều khi chúng ta lại có chuyển đổi nhân quả, rồi có cái hợp duyên ở trong đó; những đề tài đó nó làm cho chúng ta lệch qua một góc độ hiểu khác, bị phân tâm! Phân tâm vào cái chỗ khi đọc cái bài trong đó nó có nhiều cái đề tài. Ví dụ như hợp duyên thì chúng ta phải phân, tro, đất và công lao của chúng ta mới gieo lên thành cái cây, rồi từ đó cái cây nó mới ra quả.

Chúng ta nói như vậy làm cho người ta bị phân tâm ở cái chỗ duyên hợp hơn là người ta chú ý vào cái chỗ mà nhân với quả. Cái hạt này thành ra cái trái; cái trái này nó ngọt hoặc là đắng, cay để cho người ta xoáy vào cái chỗ nhân quả thiện ác của nó - đắng, cay thôi! Và đồng thời, một cái hạt mà nó sanh ra nhiều quả; rồi 1 cái quả có nhiều hạt ở trong đó. Đó là chúng ta xoáy vào cái phần nhân quả, cụ thể như vậy thôi.

Rồi tới đó chúng ta lại diễn biến thêm cái nhân quả bằng dây, lá, bằng cành chiết. Tất cả những cái đó nó thuộc về nhân quả để trở thành trái, trở thành hạt của nó mà thôi!

Còn chúng ta đưa vào những cái nhân quả khác làm cho người ta bị phân tâm, khi đọc người ta xoáy vào chỗ đó - không được!

Và đồng thời, khi mình muốn chứng minh qua một cái nhân quả khác, như từ nhân quả thảo mộc mà chuyển qua cái nhân quả của con người thì chúng ta chuyển nó qua bằng cái nhân quả của hạt - trái trước để cho người ta thấy. Bởi vì qua cái con người thì cái hành động của chúng ta là nhân quả. Và thân của chúng ta là cái quả mà cái nhân của nó do từ đâu mà có ra cái thân này.

Vì vậy chúng ta sẽ lần lượt chuyển, làm cho người ta thấy, hiểu rõ từ cái nhân quả thảo mộc cho đến nhân quả con người một cách rất là rõ ràng, cụ thể. Nó như thật, nó không còn mơ hồ nữa!

8- TRIỂN KHAI NHÂN QUẢ CÔ ĐỌNG, KỸ LƯỠNG

(35:20) Đó là chúng ta làm những bài luận như vậy nó mới hay! Nó làm cho người ta đọc lên, cũng chính bản thân của mình khi nói đến nhân quả thì mình cũng xoáy ngay vào cái đề tài đó mà không bị lệch qua một cái tư duy khác, một cái đề tài khác.

Cho nên, khi mà nhìn vào một cái pháp nó đến với mình thì mình xoáy ngay liền cái đề tài chính của cái pháp đó thì mình hoá giải được liền tức khắc mà không cần phải đi lòng vòng. Mà khi đi lòng vòng thì nó lại mất cái thì giờ; và đồng thời, nó bị tác động vào tâm của chúng ta, nó gây ảnh hưởng cho tâm của chúng ta bất an.

Cho nên chúng ta cần phải nhìn thấy thẳng như thật, mà gọn nhẹ. Để khi mà ác pháp tác động vào thì chúng ta hoá giải ngay liền ở bên ngoài mà không tác động vào bên trong.

Cho nên, cái tri kiến giải thoát của chúng ta cần phải cô đọng rất kỹ lưỡng, rõ ràng trong cái sự hiểu biết đó để đương đầu với những ác pháp bên ngoài - nó có nhiều cái ác pháp mà chúng ta không có kịp đương đầu vì trong những ác pháp đó có nhiều chi tiết mà chúng ta không có thấu rõ - mà chúng ta thấu rõ được cái chi tiết của nó ngay liền là tại vì chúng ta có đã xoáy vào cái mạnh ở cái đề tài của nhân quả. Cho nên cái pháp đó hiện ra thì chúng ta biết cái nguyên nhân nào mà sanh ra cái pháp đó liền!

Thí dụ như một người chửi mình thì mình biết cái nguyên nhân nào mà sanh ra cái người đó chửi chúng ta, chúng ta biết liền. Cho nên, chúng ta xoáy vào cái nhân quả đó mà chúng ta bẻ gãy nó liền. Còn nếu mà chúng ta bị suy nghĩ lòng vòng những cái đề tài khác thì coi như là chúng ta chậm chạp cái thời gian, không có nhanh - cho nên chúng ta cũng bị ảnh hưởng bởi những điều người khác mắng mình, chửi mình.

9- CÁC PHÁP KHÔNG NẰM NGOÀI NHÂN QUẢ

(37:00) Cho nên ở đây, mình tu học như thế này thì Thầy nghĩ rằng cố gắng một năm sau, mấy con dùng tri kiến của mấy con cũng đã được vô lậu rồi! Thầy mong rằng cái thời gian Thầy hướng dẫn trong cái lớp học này, Thầy nghĩ rằng trong một năm thì mấy con sẽ thấy mình chứng được quả A La Hán một cách cụ thể - tâm vô lậu bằng tri kiến của chúng ta.

Và bằng pháp Chánh Niệm Tĩnh Giác để đẩy lui tất cả những cái sự hôn trầm, thùy miên của mấy con, tức là cái sự ngủ nghỉ của mấy con. Cơ thể của mấy con không ngủ nhưng mà nó vẫn bình an và mạnh khoẻ như một người đã từng tham ăn, tham ngủ. Đó là cách thức để chúng ta đi đến, chúng ta làm chủ hoàn toàn cơ thể của chúng ta và tâm chúng ta bằng 2 pháp Chánh Niệm Tĩnh Giác và Định Vô Lậu mà đức Phật đã dạy chúng ta.

Như vậy thì mấy con phải cố gắng! Chứ Thầy bắt mấy con cứ làm cái bài này hoài thì chán quá, thì như vậy mấy con sẽ bỏ cuộc đó! Mấy con đừng chán mấy con, hãy cố gắng!

Cố gắng để học tu để cho thấm nhuần được cái lý nhân quả, nó đi sâu! Và từ đó những cái lý khác mấy con cũng còn sẽ học để cho mấy con hiểu tất cả các pháp xung quanh của chúng ta, tức là cái quy luật của nhân quả nó ra biết bao nhiêu.

Thí dụ như bây giờ ở trên cái nhân quả, nói nhân quả thảo mộc, nhân quả con người, nhân quả Vũ Trụ, nhân quả thời tiết - mấy con đã luận hết rồi nhưng mà nó cũng còn nằm ở trong cái nhân quả.

Nhưng mà các pháp vô thường - nó cũng còn nằm trong các quy luật của nhân quả, nó có sự thay đổi vô thường của nó chứ không phải không! Cho nên cái sự vô thường nó cũng nằm trong nhân quả nhưng mà mình sẽ đi qua một góc độ khác rồi mấy con, chứ không phải còn nói nhân quả nữa. Nhưng mà nó là nhân quả chứ không phải gì!

Bởi vì cái thân của chúng ta mà nó có - là cái nhân, cái quả rồi; nhưng mà cái nhân quả của nó - nó phải có sự diễn biến, thay đổi của nó, cho nên nó mới đem đến cho chúng ta nhiều cái đau khổ.

Thí dụ như chúng ta mới sanh ra là 1 đứa bé, bây giờ chúng ta lớn lên là một con người, về già là một ông già rồi thì nó có sự thay đổi của nó - tức là cái pháp vô thường. Nó cũng thuộc về nhân quả, nhưng nhân quả của sự vô thường rồi, mấy con!

(39:14) Cho nên nhiều khi chúng ta quán nhân quả mà chúng ta không thấu, rồi nói sao Phật dạy lúc thì nhân quả này, lúc thì nhân quả kia, lại nói các pháp vô thường, rồi lại nói Thập Nhị Nhân Duyên.

Thập Nhị Nhân Duyên cũng là nhân quả - đó là nói về duyên hợp của nhân quả mà, các con hiểu không? Cho nên tất cả đều là quay trong cái trục nhân quả, chứ đâu phải ngoài nhân quả được!

Các pháp của Phật đều quay trong cái trục của nhân quả mà luận ra chứ không có cái gì khác! Cho nên chúng ta đi vào 1 cái đề nhân quả, rồi từ đó chúng ta quán các pháp khác thì chúng ta biết từ trên nhân quả mà quay ra. Các con hiểu như vậy là các con mới thấu rõ được cái nhân quả, chứ còn không khéo thì không rõ!

Thí dụ như nói thân ngũ uẩn - các con quán về thân ngũ uẩn, nhưng mà thân ngũ uẩn cũng là nhân quả, chứ ngoài nhân quả làm sao có thân ngũ uẩn, các con hiểu chưa? Cho nên tất cả những điều học của các con đều là xoay chung quanh 1 cái trục nhân quả chứ không có gì khác hết! Nhưng mà khi nói qua cái đề tài thân ngũ uẩn thì các con phải nói về ngũ uẩn - mà mình không xen nhân quả nhưng ngầm trong đó chúng ta biết nhân quả.

Nói về các pháp vô thường, tức là các pháp là từ cây cỏ, đất đá, mọi vật ở trên thế gian này đều là vô thường, nhưng mà từ đâu có cây cỏ, đất đá, có con người, có loài vật? - Thì từ nhân quả mới có! Cho nên do đó nó vô thường là sự thay đổi không thường hằng của các pháp đó mà thôi! Cho nên chúng ta càng đi sâu thì chúng ta thấy nhân quả nó chuyển biến vô cùng lận, nó vô cùng sâu sắc!

Do cái chỗ mà học như vậy thì mấy con mới thấy sâu sắc của cái tri kiến của chúng ta. Chúng ta triển khai cái tri kiến cho đến tận cùng để mà chúng ta hiểu biết một cách sâu sắc, để mà chúng ta làm chủ được nhân quả.

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy