CK 002A (NỮ) - TƯ DUY NHÂN QUẢ THẢO MỘC - ĐỊNH CHÁNH NIỆM TĨNH GIÁC
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Người nghe: Tu sinh (nữ)
Thời gian: 03/11/2005
Thời lượng: [41:04]
(00:00) Trưởng lão: Hôm nay, bắt đầu Thầy sắp lớp cho mấy con. Căn cứ vào, thứ nhất: là những cái bài mà hôm qua Thầy cho cái đề tài, để xem coi mấy con có cái sức hiểu biết, quán về cái nhân quả của thảo mộc không? Đó là cái đề tài hôm qua Thầy đã cho mấy con, để thử cái sự hiểu biết của mấy con về nhân quả. Đây là cái căn bản nhất về hiểu biết về nhân quả rất là khoa học.
Cái nhân là cái hạt, quả là cái trái; mà nó thuộc về nhân quả thảo mộc thì ai cũng biết. Chắc chắn đó là cái hạt thì nó mới lên được cái cây - cái cây nó mới ra được cái quả - đó là 1 cái sự thật, đó là nhân quả đúng, không có còn mà mơ hồ, không còn sai! Vậy thì các con luận như thế nào để mà nói cho nó rõ ràng về cái nhân quả thảo mộc. Nếu mấy con nói về nhân quả của con người thì nó trật, bởi vì đây là nó có đề tài - nó rất là rõ ràng, cụ thể.
Mình nói về nhân quả thảo mộc, tức là mình suy nghĩ để mình chứng minh khi mình nói đến những cái sự trừu tượng của nhân quả - thì nó có cái sự chứng minh, làm cho người ta hiểu; mình không có nói cái chuyện mơ hồ mà nói cái chuyện nhân quả rất rõ ràng.
Cho nên, để xác định được cái nghĩa: nhân là gì, quả là gì? Thay vì mình giải thích suông - thì nhân là cái hạt mà quả là cái trái - thì nó đơn thuần như vậy nhưng mình phải nói cái nghĩa của nhân quả, để rồi từ đó mình nói đến cái nghĩa của nhân quả của từng cái hành động của chúng ta. Nhưng bây giờ, chúng ta chưa nói cái nhân quả đó mà chúng ta chỉ nói nhân quả thảo mộc mà thôi. Nếu mấy con nói xa hơn thì mấy con bị lạc đề, nếu viết xa hơn thì bị lạc đề; mà nói không đủ thì mấy con thiếu, chưa đủ, tức là mình chưa hiểu hết cái nhân quả của thảo mộc.
Nếu mà nói đúng thì lần lượt cái bài về Định Vô Lậu mà quán về nhân quả, thì lần lượt mấy con sẽ đi từng bước 1 - nhân quả thảo mộc; rồi nhân quả thời tiết - tức là nắng, mưa, gió, bão, thời tiết; rồi mới tới nhân quả của con người, nhân quả của con người tức là nhân quả của loài động vật.
Từ nhân quả mà nói đến con người thì chúng ta mới truy tìm nhân quả - từ đâu mà có nhân quả? Bắt đầu mới từ cái chỗ cụ thể là nhân quả của thảo mộc, rồi từ đó chúng ta mới suy ra, mới tìm ra để chỉ cho người ta thấy nhân quả rõ ràng, cụ thể.
(03:00) Bây giờ, mấy con đã làm cái bài nhân quả, người nào làm xong thì cứ nộp cho Thầy. Mấy con đến đây! Người nào làm xong thì cứ nộp cho Thầy cái bài đó để Thầy kiểm lại, coi cái trình độ, cái biết hiểu biết về nhân quả của mấy con. Mấy con làm cái bài nhân quả, mấy con xé 1 cái tờ giấy ở trong cái lòng nó 2 tờ, tức là 4 trang hoặc là 6 trang thì nó nhẹ, để không - Thầy ôm 1 đống tập nhiều như thế này thì nó nhiều lắm đó mấy con! Nhưng mà sau này, mấy con sẽ làm những bài này rồi sẽ cho nó vào trong 1 cái bìa để mấy con giữ lại. Khi những cái bài này chưa đủ thì Thầy sẽ gợi ý cho mấy con, sẽ đủ…
Tu sinh: Thưa Thầy! Con có đọc cái cuốn sách của Hòa thượng Tổ sư Minh Đăng Quang. Bạch Thầy! Tổ có nói rằng nhân quả từ cái cây do thời tiết nó sinh các loài thảo mộc, rồi các loài thảo mộc nó mới phát triển thành cây lớn, từ đó rồi các cây lớn có tích tụ lâu nó mới thành 1 cái thần, rồi sau đó nó mới phát triển thành con người. Dạ như vậy có không Thầy?
Trưởng lão: Không có! Cây là cây, mà con người là con người, động vật là con động vật. Nhưng trước khi nó từ cái hành, nó hoạt động ở trong Vũ Trụ. Bây giờ, thí dụ như cái môi trường chết như ở Cung Trăng, nó đâu có cây cỏ đâu - nó là môi trường chết, nhưng mà nó có cái hành nó hoạt động. Cho đến 1 triệu năm, 2 triệu năm sau thì cái Cung Trăng nó sẽ là môi trường sống - do cái hành đó nó mới hoạt động; rồi nó tạo thành những cái duyên - nó hợp lại, nó hợp cho đến khi nó có những cái màu mỡ nó mới sinh ra được cái loài thảo mộc, rong rêu. Rong rêu chết, nó mới để lại cái chất màu mỡ; cái màu mỡ đó hợp đủ duyên nó mới sanh ra cây cỏ. Cây rong trước, rồi mới tới cây cỏ sau, rồi từ cây cỏ nó chết, nó để lại 1 cái duyên, rồi cái từ trường nó phóng ra để nó hợp với các duyên nó mới sanh ra thảo mộc.
Nhưng mà bây giờ Thầy không muốn nói cái đó! Nếu mà mình muốn nói về cái nguyên nhân mà sanh ra nhân quả thì mình phải đi vào cái nhân quả của thời tiết rồi, cái nhân quả thời tiết mới nói cái đó. Còn bây giờ mình chỉ nói nhân quả thảo mộc là hiện mình thấy cái hạt sinh ra cái trái thôi, đủ rồi!
(05:42) Tu sinh: Thưa Thầy, nhưng mà con ngày hôm qua con nghe Thầy nói về quán, quán về nhân quả của loài thảo mộc phải không Thầy?
Trưởng lão: Quán về nhân quả của loài thảo mộc.
Tu sinh: Nhưng mà nếu mà quán thì quán về cái nhân - cái nhân ban đầu; những cái nhân - có hạt giống mới có cái nhân; nhưng từ ban đầu - từ đâu mà có hạt giống?
Trưởng lão: Từ đâu mà có cái hạt giống? Thì tức là chúng ta phải quán qua cái thời tiết rồi, nhân quả của thời tiết. Bởi vì thời tiết nó mới có nắng, mưa, gió, bão - nó mới có lên được cây thảo mộc, nó mới có cái hạt. Thí dụ như bây giờ cái nguyên nhân sinh ra để mà nó có cái hạt, cái nhân đó - nó có cái hạt; thì từ đó nó có mưa gió, ẩm ướt nó mới lên cây rong; chứ không phải là cây rong nó có cái hạt, con hiểu không? Nó ẩm nó mới lên cây rong.
Tu sinh: Nhưng mà…
Trưởng lão: Thì cái nguyên nhân của thời tiết nó mới sanh ra cây rong, nhưng mà ở đây Thầy nói cái hạt, cái nhân. Nhân quả tức là chỉ định cái hạt và cái quả của nó thôi. Tức là nói về…
Tu sinh: Nếu mà tìm cái nhân, thì cái nhân này bắt nguồn từ đâu thưa Thầy?
Trưởng lão: Bắt nguồn từ cái chỗ thời tiết. Nhưng mà điều kiện là: Thầy đã nói rồi, mình chưa có quán tới thời tiết. Bởi vì bây giờ con quán cái thời tiết là nó mơ hồ, làm cho người ta không hiểu, mà mình đi vào cái nhân quả là cái hạt và cái trái để cho người ta cụ thể rồi lần lượt mình đi tới chỗ đó, mình dẫn chứng mình mới hiểu. Chứ còn nếu mà bây giờ con đi ngang vô nhân quả, người ta chưa hiểu cái danh từ của nhân quả nữa! Tức là muốn giải thích nhân quả thì phải giải thích nghĩa, mà giải thích nghĩa thì chúng ta đi vào cái nhân quả của thảo mộc trước. Nhưng mà nói cái nguyên nhân sanh ra thảo mộc thì tức là chúng ta nói cái thời tiết, cái đề tài nó đi tới thời tiết rồi.
Tu sinh: Nếu như vậy, khi 1 bài viết ra, họ hỏi về nguyên nhân cái hạt giống thì sao ạ?
Trưởng lão: Chưa, cái này là tôi chỉ nói cái hạt và cái quả để sanh ra thảo mộc thôi, để nói về nhân quả, đó là tôi nói về thảo mộc, tức là có cái hạt giống thì mới lên cái quả, còn tôi chưa nói cái nguyên nhân sâu xa để sanh ra cái loài thảo mộc, chưa nói nguyên nhân sâu xa. Nhưng mà bây giờ nói về nhân quả sâu xa đó thì nó phải có cái đề tài gọi là "nhân quả thời tiết". Bởi vì thời tiết có nắng, mưa, gió, bão, có độ ẩm, có không khí thì nó mới có cái duyên để mà nó lên từ rong rêu, thảo mộc. Thảo là cỏ, rồi mới tới mộc, rồi mới tới cái cây, rồi mới thể hiện được cái nhân quả. Cho nên bây giờ tôi đi vào cái chỗ này là nhân quả - tôi muốn giải thích nghĩa chữ nhân quả đó.
(08:14) Tu sinh: Dạ, thưa Thầy! Vậy là chỉ nói về cái nhân từ cái hạt sanh ra cái trái?
Trưởng lão: Đúng rồi, muốn nói từ cái hạt. Bởi vì mình muốn nói về nhân quả thì mình phải nói cái hạt, cái trái của nó; cái đó nó cụ thể, phải không? Bây giờ, thí dụ như Thầy có cái hạt giống, người ta cho Thầy cái hạt giống - Thầy không biết cái hạt giống từ đâu, nhưng mà cái người này có, cho Thầy - cái hạt này Thầy sẽ ươm, Thầy tưới nước, Thầy nhổ cỏ nó mới lên thành cái cây. Cái cây này nó cho Thầy cái quả - cái quả này cay, đắng hoặc quả này nó ngọt. Nói tới đó đủ rồi. Thì bắt đầu bây giờ mới kết luận của cái sự thọ hưởng này: Nếu mà Thầy trồng cái cây ớt thì Thầy sẽ ăn trái quả ớt đắng (cay) thôi, để cho biết là đắng (cay). Nhưng mà ngầm trong đó là mình nói thiện - ác đó; chứ mình chưa nói ra, nhưng mà mình nói cho người ta biết.
Tu sinh: Có chứng minh qua nhân quả loài người không thưa Thầy?
Trưởng lão: Chưa, chưa tới, cái đó chưa tới con, cái này chưa, nó còn dài lắm! Bởi vì nhân quả mà, nó đâu có quán ít được!
Bắt đầu cho người ta hiểu được cái nhân, cái quả đã; rồi sau đó mình mới đưa người ta đi vào cái chỗ nhân quả của cái hành động; rồi mình mới đi vào cái chỗ nhân quả thiên nhiên, thời tiết đó. Thì lúc bây giờ nó càng lúc nó càng rõ ra. Mấy con làm đúng thì nộp, còn chưa đúng thì để lại. Nó chỉ từng phần đi vào quán nhân quả - nó không phải là quán lộn xộn, đủ thứ hết, không được! Nó đi từng phần, từng phần. Rồi từ đó mình mới thấy rõ ràng cái nhân quả nó rất là khoa học.
Hôm nay Thầy cho cái đề tài nhân quả của thảo mộc, Thầy có dặn trước là đừng có truy tìm cái nguyên nhân mà sanh ra cái cây thảo mộc. Mà đây là chỉ nhân quả để giải thích cái nghĩa của nhân và quả. Cũng như đầu tiên mà nói về nhân quả thì người ta giải thích cái chữ "nhân" là cái gì, chữ "quả" là cái gì? Thí dụ như nhân là hạt, quả là trái - người ta giải thích cái chỗ đó ra. Nhưng mà đây là cái đề tài nó là thiên nhiên cho nên vì vậy mình lấy nhân quả của cái hạt - trái mình nói ra cái đắng, cái ngọt để mình đưa vào cái thiện và ác của nó thôi, phải không?
Cho nên, khi mà kết luận của cái nhân quả, thì cái quả ngọt thì nó là mình thích, mà cái quả đắng cay thì mình không thích. Do mình muốn nói cái chỗ này, để cho mình dựng lên cái nhân quả bắt đầu cụ thể rõ ràng. Thí dụ như nói hạt và trái thì chắc chắn ai cũng hiểu đó là 1 sự thật; không có hạt thì không thể nào có cái trái mà ăn. Nó như vậy!
(10:49) Đó, thì lần lượt mấy con sẽ làm được những bài này, nó còn nhiều lắm! Bây giờ nói về nhân quả của thảo mộc; rồi sau đó thì mới nói nhân quả của thời tiết để mình truy tìm nguyên nhân; hay hoặc là Thầy sẽ cho cái đề tài nhân quả của con người; rồi sau đó mới truy ra cái sâu xa của nhân quả. Mà nói về nhân quả của loài người, thì con người sẽ từ nhân quả mà sanh ra. Vậy thì nhân quả mà sanh ra - nó do cái chỗ nào? Tức là do môi trường sống mà có.
Vậy thì lần lượt Thầy sẽ cho những cái đề tài đó. Nhưng mà Thầy nghĩ rằng cái đề tài - lần lượt Thầy sẽ sắp xếp cái đề tài này cho mấy con cho nó phù hợp. Thí dụ như thay vì Thầy cho nhân quả của con người trước, thì nó không hợp với cái nhân quả của thảo mộc; nếu mà Thầy cho nhân quả thời tiết, tức là Thầy truy nguyên cái nhân quả - cái gốc từ đâu mà sanh ra nhân quả thì nó lại quá xa, nó quá mơ hồ.
Cho nên Thầy sẽ cho lần lượt: thí dụ như bây giờ, Thầy cho cái nhân quả của thảo mộc, rồi tới thay vì Thầy cho nhân quả của 1 con người, của động vật - thì Thầy không cho - mà cho cái nhân quả của thời tiết để truy ra cái gốc, rồi mới tới con người. Con người sanh ra, nó nằm ở chỗ nào mà nó có những cái hành động nhân quả của nó? Mà trong cái nhân quả của con người thì nó có 3 nơi xuất phát nhân quả: thân, khẩu, ý. Thân, khẩu, ý - đó là cái nhân quả của con người!
Nhưng ở đây, chúng ta chỉ nói nhân quả của thảo mộc mà thôi. Từ cái nhân, lên cái cây, thành cái quả - có vậy thôi. Chúng ta nói thảo mộc là nói cái tên nói chung; chứ sự thật ra chúng ta nói về cái loại mộc, còn thảo (cỏ) thì chúng ta chưa nói. Nhưng cây cỏ cũng có bông, có trái chứ đâu phải không; nhưng mà chúng ta nói chung, gồm chung vậy thôi; chúng ta chỉ giải thích về nhân quả mà thôi, nhân quả của thảo mộc. Tức là cái hạt lên cây, cho ra cái trái là tạm đủ; và kết luận cái bài đó ở tại chỗ đó. Để chúng ta cảm thấy rằng khi mà mình gieo cái hạt của 1 cái loài cây đắng hay hoặc là cái cây cay thì cái hạt đó sẽ cho chúng ta cái trái đắng; còn cái hạt mà lên cho cái quả ngọt thì chúng ta thọ hưởng cái quả ngọt. Đến đó đủ rồi, chúng ta không nói gì nhiều nữa, rồi tới cái bài khác.
Do những cái bài này, tất cả tập trung nó lại thành 1 cái nhân quả - thành cái Đạo Luật Nhân Quả. Rồi từ đó, kết luận của 1 cái Đạo Luật Nhân Quả này nó trở thành cái đạo đức không làm khổ mình, khổ người. Nó đi dần dần, mà Thầy sẽ hướng dẫn cho mấy con làm 1 cái đề tài đó.
Bắt đầu bây giờ, mấy con người nào làm xong thì cứ nộp. Thầy chịu khó Thầy đọc lại, sai thì Thầy góp ý để cho mấy con hiểu biết thêm, để rồi mấy con làm cho nó đúng về cái nhân quả.
(13:54) Tại sao mấy con biết không? Tại vì, chúng ta không hiểu nhân quả thì chúng ta hay phiền não, hay khổ đau. Khi mà hiểu nhân quả, trước cái cơn đau của cái bệnh này mình biết nhân quả, bởi vì mình đau là cái quả. Mà do cái nhân nào mà mình đau? - Do từ cái chỗ mình hiểu biết, thì do đó thì mình thấy mình không dao động trước cái quả khổ của mình.
Cũng như mình thấy 1 cái người khác, họ mắng chửi mình, mình biết họ là người đang tạo nhân, gieo cái duyên của 1 cái nhân ác; và mình là cái người đang trả quả - do đó, mình đã bị người ta chửi, nhưng mà mình lại không có để cho cái quả đó làm cho mình đau khổ. Cho nên vì vậy mà mình thấy mình đang trả quả; và đồng thời mình thấy mình giữ gìn tâm mình, đừng để cái nhân quả đó làm cho tâm mình dao động. Thì như vậy, rõ ràng là trước cái nhân quả mà nhân quả không tác động được mình, mà mình lại chuyển được nhân quả - đó là mục đích giải thoát!
Mục đích mà mình hiểu biết nhân quả như vậy để tâm mình bất động, không đau khổ thì đó gọi là tri kiến giải thoát - cái sự hiểu biết đó gọi là tri kiến giải thoát.
Cho nên có người hỏi Thầy: "Cái tri kiến giải thoát là cái gì?" - Là 1 sự hiểu biết mà làm cho tâm mình không dao động, làm cho tâm mình không đau khổ. Đó là sự hiểu biết của ý thức của chúng ta chứ không có cái gì đó mà gọi là tuệ. Cho nên gọi là Tri Kiến Giải Thoát - sự hiểu biết giải thoát - đó là cái danh từ trong kinh điển.
Cho nên ở đây những cái bài này, Thầy căn cứ vào những cái bài này mà sắp xếp người hiểu hay hoặc là chưa hiểu. Nếu mà chưa hiểu hoàn toàn, viết trong bài mà luận về nhân quả thảo mộc mà viết không đúng thì Thầy xếp loại người đó để được học cái lớp - Thầy sẽ giảng về nhân quả cho người đó để họ có cái sự hiểu biết nhân quả, rồi sau đó đưa đề tài buộc họ phải tự làm, làm ra 1 cái bài nhân quả.
Còn ở đây, hầu hết mấy con cũng nghe, biết được nhân quả rồi; nhưng muốn sắp lớp của mấy con, coi sự trình độ hiểu biết nhân quả như thế nào? Nhiều khi cái nhân quả của mấy con hiểu nó rộng rãi mênh mông, mà không cô đọng lại để vào 1 cái đề tài, để quán xả tâm mình.
Cho nên, Thầy muốn các con phải có 1 cái tri kiến hiểu biết về nhân quả rất là thâm sâu, nhu nhuyễn, nhuần nhuyễn; để khi gặp những ác pháp, thì nội cái tri kiến nhân quả nó đã đủ sức giữ gìn, bảo vệ tâm của mấy con không còn dao động 1 chút nào hết. Mà khi tâm không còn dao động trước các ác pháp thì đó là chánh tri kiến.
(17:05) Cho nên, lớp hôm nay mấy con học là cái lớp Chánh Tri Kiến - tức là Chánh Kiến. Nếu mà không có hướng dẫn cho mấy con học và tập luyện nhu nhuyễn được cái kiến thức để hiểu biết, làm cho mấy con được giải thoát thì không bao giờ mấy con có chánh tri kiến.
Nhưng mà chánh tri kiến tức là tri kiến giải thoát, chứ không có gì khác hơn hết - cái sự hiểu biết giải thoát. Nói dễ hiểu, đó là sự hiểu biết giải thoát; mà sự hiểu biết giải thoát như thật; như thật thì phải hiểu biết nhân quả.
Cho nên, từ cái trừu tượng của nhân quả cho đến cái thực tế của nhân quả, chúng ta phải nắm cho vững; dù trừu tượng, nhưng mà trừu tượng thật sự là có thật chứ không phải không có thật. Thí dụ như nếu mà không có mưa, nắng, khí hậu thì làm sao có cây cỏ mọc? Mà không có cây cỏ mọc thì làm sao có loài động vật sống? Nếu loài động vật sanh ra, phải có vật thực nó sống - nó mới sống. Cũng như sanh ra đến con người thì phải có những thực phẩm để con người sống thì nó mới sống được, nó mới sanh ra - còn không có thì làm sao sanh được? Cho nên chúng ta phải thấy quy luật của nhân quả: là cái quy luật từ cái chỗ chết; chỗ cái môi trường chết nó sẽ lần lượt nó trở thành môi trường sống.
Thầy đặt thành 1 vấn đề: mấy con thấy như hiện giờ, khoa học người ta thám hiểm Cung Trăng, người ta thấy rõ ràng nơi đó là đất chết, không có cây cỏ, không có gì, chỉ có đất đá mà thôi, nhưng ở đó có sự hoạt động, có sự động chứ không phải không có sự động. Nhưng 1 triệu năm, 2 triệu năm sau hay hoặc nhiều hơn nữa, thì Cung Trăng sẽ trở thành môi trường sống như hành tinh của chúng ta. Cái sống đầu tiên thì rong rêu, rồi mới cây cỏ, rồi kế đó cái sống của động vật. Vì nhờ rong rêu, cây cỏ mà loài động vật mới sống được; còn những cái chất khác, nó làm cho cái môi trường thêm cái duyên của nó màu mỡ; cho nên, những cây cỏ nhờ ăn của những chất màu mỡ đó mà nó sống.
(19:25) Thí dụ những cái cây, cây cỏ - nó để lại cái lá, cái cây của nó - rồi nó thành 1 cái chất màu mỡ cho cái cây cỏ khác - mà lại sinh ra phù hợp với cái loại đó - thì cái loại cỏ cây đó sinh ra. Chẳng hạn như bây giờ trong môi trường sống của chúng ta, nếu mà chúng ta cho thêm 1 cái chất độc nào hay hoặc là 1 cái chất hiền lành nào, cái từ trường nào, thì trong cái môi trường sống của chúng ta sẽ nảy sinh ra 1 cái loài vật hoặc là 1 cái loài cây cỏ; mà cái loại cây cỏ rất là ngon ngọt, hái ăn được, đó là không độc.
Đó là chúng ta thải ra hoặc là ném vào 1 cái loại thuốc gì đó làm cho những cái cây cỏ lên, chúng ta ăn nó ngọt như đường, thì đó là những cái loại mà chúng ta thêm vào trong cái môi trường sống đó, mà nó sanh ra những cái loại cây cỏ đó. Trước đây 50 năm thì Thầy không thấy cái loại cỏ đó. Mà hôm nay, Thầy lại thấy có cái loại cỏ đó mọc. Nghĩa là lúc mà Thầy sanh ra, Thầy biết được cách đây hơn 50 năm, thì mảnh đất của Thầy ở đây, Thầy không thấy cái loại cỏ đó, mà hôm nay nó lại sinh ra cái loại cỏ đó, thì nó không phải từ đâu đến mà từ cái môi trường sống nó hợp duyên, nó tạo ra cho nên nó có những cây cỏ lạ. Và có những cây cỏ mà xưa kia mọc mà bây giờ đã mất. Chúng ta không lưu ý, chứ chúng ta lưu ý thì… bởi vì cái môi trường của cái loại cây đó nó không thể sống được trong cái môi trường của thời tiết này nữa, cho nên cái loài cây cỏ đó bị mất.
Còn tại sao con người chúng ta lại sống được? Vì con người chúng ta thích nghi được, thích nghi theo từng thời tiết. Cho nên vì cái sự thích nghi đó, mà gặp những cái thời tiết nó quá ô nhiễm, cho nên nó sanh ra nhiều bệnh tật; rồi có khi cái người mà thích nghi được thì còn sống, mà cái người thích nghi không được thì phải chết. Đó thì mấy con thấy đó là nhân quả.
(21:35) Thầy giải thích để sau này, khi mấy con làm cái bài luận về nhân quả thời tiết hay là thiên nhiên thì mấy con sẽ đi đến cái chỗ này. Còn nhiều chỗ mà mấy con chưa hiểu, chưa thấy được; bởi vì tâm mấy con chưa có đủ cái trí tuệ Tam Minh, chưa vượt không gian và thời gian thì do đó nhìn suốt cái lý nhân quả không thấy được.
Tại vì như thế nào? Thầy ví dụ, như con thấy 1 con kiến bò ở trên cái mặt nền nhà của chúng ta, thì mấy con chưa thấy suốt được cái nhân quả của nó; chưa thấu suốt nhân quả của nó, thì các con chưa biết kiếp trước nó là ai? Có phải không? Do đó mấy con thấy bằng mắt, nhìn nó bằng mắt, thấy nó chỉ là 1 con kiến mà thôi. Nhưng sự thật ra, nó thành ra con kiến - nó do cái nghiệp lực nào, của ai, ở cái thời điểm nào, mà hiện giờ nó là con kiến?
Cho nên, khi 1 cái người có đôi mắt Tam Minh thì người ta nhìn suốt qua cái lớp nghiệp, tức là nhân quả đó mấy con, cho nên người ta thấy rõ.
Còn mình thì dựa theo cái chỗ luận, nhưng mà luận làm sao để người ta có khoa học, để người ta tin rằng có nhân quả thật, chứ nếu không người ta sẽ không tin. Nhiều khi người ta nói đó là tự nhiên thôi; có cái hạt thì nó phải lên cây, nó ra cái quả đó, đó là cái tự nhiên. Sự thật, mình muốn dẫn chứng từ cái nhân - cái quả, để rồi tới những cái hành động của mọi động vật, của chúng ta, cho đến những cái hành động của thời tiết - nắng - mưa - gió - bão, những cái rung động đó nó sẽ tạo thành những cái duyên hợp và nó trùng trùng duyên hợp để từ đó vạn vật khởi sanh ra nhiều loại, nhiều thứ trên môi trường sống.
Hôm nay, mấy con hiểu được thì qua cái bài luận này, Thầy sẽ đọc và Thầy sẽ góp ý thêm, nếu mà còn thiếu Thầy sẽ góp ý thêm. Còn cái bài nào mà luận, mà đúng hay không thiếu, thì Thầy cũng sẽ cho biết cái bài này tạm đủ; luận như vậy là không thiếu, không thừa, còn thiếu gì Thầy thêm. Thí dụ như thiếu kết luận thì Thầy bảo: "Kết luận của cái sự hiểu biết này, trong cái bài này…" và đồng thời Thầy sẽ cho những cái bài kế tiếp.
Và từ những cái bài luận này, Thầy sẽ sắp xếp mấy con vào những cái lớp để mấy con đúng với đặc tướng, đúng với khả năng của mình để cho mình có cái sự quán tư duy, suy nghĩ, để làm những cái bài kế tiếp sau được đầy đủ, trọn vẹn và luôn luôn có cái sự tiến bộ - triển khai được cái tri kiến của mình, càng lúc tri kiến càng hiểu 1 cách đúng đắn, hiểu 1 cách không có mông lung; hiểu 1 cách ngay khi mà ác pháp tác động đến là hiểu ngay liền, không còn bị lệch lạc của cái sự hiểu biết đó nữa, làm cho tâm chúng ta bất động trước các ác pháp.
(24:41) Bởi vì cái định này, cái phương pháp mà tu để tâm mình được an ổn thì gọi là Định Vô Lậu. Cuộc đời tu hành của chúng ta, vốn tu để tâm không còn lậu hoặc; tức là tâm không còn tham, sân, si. Mà cái phương pháp làm cho tâm chúng ta không tham, sân, si - nếu chúng ta không tập luyện, không rèn luyện cho nhu nhuyễn, thuần thục thì làm sao chúng ta được giải thoát?
Cho nên chúng ta tu tập cái pháp này rất nhiều, rất nhiều - tu không thể ít được! Buộc lòng chúng ta phải rèn luyện, triển khai cái tri kiến chúng ta hằng ngày. Nghĩa là chúng ta tu pháp gì thì pháp, nhưng mỗi ngày, chúng ta ít ra cũng phải dành ra 1 tiếng để tư duy, suy nghĩ về những cái đề tài.
Bắt đầu bây giờ nói nhân quả, nhưng ngày mai các con sẽ học qua cái những cái đề tài của nhân quả này xong, thì các con sẽ học những cái đề tài khác như: Các Pháp Vô Thường, Thân Vô Thường, Thời Tiết Vô Thường… tất cả những cái điều kiện mà chúng ta cần thấy sự vô thường của các pháp. Rồi mấy con sẽ học đến Thân Ngũ Uẩn: phải quán Thân Ngũ Uẩn Bất Tịnh, phải quán Thân Ngũ Uẩn Vô Thường, phải quán Thân Ngũ Uẩn Nhân Quả. Rồi mấy con phải quán Thập Nhị Nhân Duyên: Thập Nhị Nhân Duyên của nhân quả, Thập Nhị Nhân Duyên của thân các con.
Do đó, các con còn đi sâu, bởi vì cái Định Vô Lậu nó làm cho tâm các con phải có sự hiểu biết vô lậu, cho nên các con còn học rất nhiều. Như Thập Thất Kiết Sử các con cũng phải quán, cũng phải hiểu; rồi Thân Ngũ Uẩn nè; rồi Nhân Quả; rồi Bất Tịnh; rồi Thực Phẩm Bất Tịnh. Tất cả các điều đó mấy con đều được làm thành những cái bài quán để cho cái tri kiến của mấy con rất là thâm sâu tất cả những cái phương pháp, làm cho mấy con có cái hiểu biết, hiểu biết như thật để mà được giải thoát.
Những cái bài mà Phật dạy trong kinh đều hoàn toàn như thật, không có cái bài nào mà có trừu tượng! Mục đích nó phải thấy như thật mới gọi là Chánh Kiến, Chánh Tư Duy; chứ không thấy như thật thì không thể nào Chánh Kiến, Chánh Tư Duy được.
(27:06) Mục đích là từ cái chỗ mình không hiểu, mình cố gắng mình triển khai. Từ cái chỗ không hiểu mình cố gắng mình học tập để cho mình hiểu; từ cái huân của kinh sách, của những người khác hiểu; như mấy con đọc sách, đọc kinh, mấy con hiểu 1 cái phần nào. Nhưng mà mấy con còn triển khai qua kinh nghiệm bản thân của mình - từ khi mình tiếp xúc với mọi vật, mọi sự kiện mà nó xảy ra trong tâm của mình lúc buồn phiền, lúc vui đều là có những đề tài chúng ta quán nhân quả tất cả; không có đề tài nào là không có nhân quả trong đó. Bởi vì chúng ta sống trong nhân quả - sanh ra từ nhân quả, sống trong nhân quả, chết trong nhân quả. Dù Thập Nhị Nhân Duyên, dù là Thân Ngũ Uẩn, dù là Thập Thất Kiết Sử - tất cả mọi cái đều ở trong cái quy luật của nhân quả.
Cho nên cái bài nhân quả là cái bài đầu tiên, để sau đó mỗi bài khác chúng ta đều thấy nó đang quay cuồng ở trong cái nhân quả. Thì từ đó suy ra đó là 1 cái sự thật - sự thật của môi trường sống, sự thật của kiếp người của chúng ta khi sanh ra mang lấy những nỗi đau khổ đó.
Hôm nay, mấy con đã hiểu biết về cái phần mà Định Vô Lậu - nó là phương pháp rất là quan trọng của đạo Phật!
(28:28) Khi mà chúng ta tu Tứ Chánh Cần thì chúng ta có 4 pháp:
Pháp thứ nhất, thì chúng ta thấy đức Phật dạy chúng ta Chánh Niệm Tĩnh Giác; tức là đi kinh hành như Thầy dạy hôm qua mấy con thấy - Chánh Niệm Tĩnh Giác. Thì Chánh Niệm Tĩnh Giác nó có 4 cách đi kinh hành.
Rồi dạy chúng ta Định Niệm Hơi Thở: thì các con thấy - đó là Định Niệm Hơi Thở - có từ cái hơi thở từ cái bài Xuất Tức, Nhập Tức. Tức là bài hơi thở, dạy về hơi thở thì có 16 cái đề mục, Thân Hành Niệm có 2 cái đề mục, giới của Sa di dạy cho La Hầu La thì thêm 1 cái đề tài nữa, tức là 19 cái đề mục của Định Niệm Hơi Thở.
Đồng thời thì đức Phật đã dạy cho chúng ta Định Vô Lậu và Định Sáng Suốt. Đó là 4 cái loại định mà đầu tiên chúng ta tu tập. Nhưng Định Sáng Suốt chỉ là sự nghỉ ngơi sau những lúc chúng ta tập các pháp; như tập Thân Hành Niệm, tập Định Niệm Hơi Thở, tập Chánh Niệm Tĩnh Giác hoặc là tập Định Vô Lậu, rồi sau đó tập Định Thư Giãn - tức là nghỉ ngơi.
Cho nên, trong 4 loại định này thì cái định mà quan trọng nhất ở trong 4 cái phương pháp tu tập này - Ngăn ác, Diệt ác để Sanh thiện, Tăng trưởng thiện - đó là Định Vô Lậu. Vì vô lậu tức là ngăn và diệt tất cả ác pháp, rất là quan trọng! Nó là 1 cái phương pháp và 1 cái đề tài mà tu tập cho cái người tu để được giải thoát, để đạt được cái mục đích chứng được đạo quả A La Hán. Chứng được quả A La Hán - thì người đó là người phải tu Định Vô Lậu! Ngoài Định Vô Lậu - tu thì chúng ta sẽ bị ức chế tâm. Nếu chúng ta tu Định Niệm Hơi Thở không khéo thì chúng ta cũng vẫn bị ức chế tâm; nếu chúng ta tu Chánh Niệm Tỉnh Giác không khéo thì chúng ta cũng bị ức chế tâm; trừ ra có Định Vô Lậu là không bị ức chế tâm, vì triển khai sự hiểu biết của chúng ta để từ hiểu biết đó mà làm chủ, xả được tâm của chúng ta. Cho nên chúng ta không còn phiền não, không còn khổ đau, không còn tham muốn, không còn giận hờn, không còn si mê - thì đó là cái Định Vô Lậu. Cho nên Định Vô Lậu rất là quan trọng!
(30:58) 1 người mà có cái sự hiểu biết về nhân quả mà không xả được tâm là người đó chưa hiểu nhân quả - tức là có sự hiểu biết mà chưa nhu nhuyễn, chưa thấm nhuần. Có sự hiểu biết về nhân quả như mấy con làm cái bài luận cho Thầy, viết nói rất đúng, không sai chút nào, mà sao thấy tâm con không xả được, mỗi lần có ác pháp thì con có phiền não. Thì tự hỏi - mình hiểu biết nhưng mình có thấm nhuần được cái này chưa? Mà chưa thấm nhuần thì cách thức để mà tu tập Định Vô Lậu - tức là làm cho nó nhu nhuyễn, thấm nhuần được cái lý, cái lý nhân quả, cái lý của cái Định Vô Lậu, làm chúng ta xả tâm mình mới dễ dàng.
Do đó, muốn thấm nhuần thì hiện giờ, thay vì 1 cái người học trò, họ phải học cho thuộc lòng 1 cái bài như thế này, để rồi họ trả bài cho ông thầy giáo. Sau khi mà họ trả bài rồi, thì họ dù như thế nào họ đã học thuộc, thì chắc chắn nó cũng phải nhớ trong lòng của họ. Dù 5 năm, 10 năm sau họ cũng vẫn còn nhớ chứ không phải quên, gọi là cái người học trò học thuộc bài. Còn cái người học không thuộc bài thì cái người đó chưa thấm nhuần được cái bài đó.
Mục đích của chúng ta ở đây: làm cái bài, rồi từ đó chúng ta mới học cái bài, hằng ngày đọc tới đọc lui để thấm nhuần, thấm nhuần cái lý - cái lý nhân quả. Để từ đó, các ác pháp tác động thì khi mà tâm trí của chúng ta đã thấm nhuần, thì chúng ta sẽ dễ dàng xả tâm mình.
Thí dụ như Thầy nói như thế này, mấy con thấy, bởi vì cái chương trình giáo dục đào tạo của đạo Phật để giúp cho chúng ta vô lậu - thì cái chương trình giáo dục của Bộ Giáo dục dạy chúng ta học chữ nó cũng giống nhau, nó không khác. Thầy dạy các con làm toán mà các con không thuộc cửu chương thì làm sao các con làm toán được? Có phải không? Không thuộc cửu chương làm sao làm toán nhân được mấy con? Cho nên buộc mấy con phải làm toán nhân.
Khi Thầy nhớ lúc nhỏ Thầy học cửu chương, ông thầy ông dò cửu chương, không phải bắt Thầy đọc từ đầu chí cuối. Cái bảng cửu chương Thầy đọc vanh vách; nhưng mà hỏi bắt dọc, bắt ngang thì nhiều khi Thầy không có nhớ nữa. Các con hiểu không? Mà khi 1 cái đứa học trò mà thấm nhuần được cái bảng cửu chương, hỏi đâu nó trả lời đó, không bao giờ trả lời sai - gọi là thấm nhuần.
Vì vậy mà khi chúng ta tu Định Vô Lậu nó phải thấm nhuần như học bảng cửu chương. Để làm gì? Các ác pháp tác động chúng ta không cần lựa nữa, nó tác động vào thì biết ngay liền để mà xả tâm - gọi là thấm nhuần được Định Vô Lậu; nói vô lậu thật sự mà phải thấm nhuần được bằng tri kiến của chúng ta.
(33:50) Cho nên hôm nay cái lớp học này, buộc lòng mấy con viết - tự mình triển khai cái hiểu biết của mình ra. Rồi bắt đầu từ đó, mấy con phải thấm nhuần bằng sự lặp đi lặp lại rất nhiều lần, tức là quán. Các con nghe nói Định Vô Lậu hay là thiền quán không? Quán đó tức là tư duy, suy nghĩ, quán xét làm cho thấm nhuần được cái điều đó - cho nên gọi là thiền quán.
Cho nên, Định Vô Lậu thì chúng ta phải hiểu nó là thiền quán để tâm bất động. Mà tâm bất động thì có danh từ đức Phật nói: "Bất Động Tâm Định" hay là còn có cái tên nữa, cái tên của Bất Động Tâm Định gọi là Vô Tướng Tâm Định - nó không còn cái tướng Dục Lậu, Hữu Lậu, Vô Minh Lậu - cho nên gọi là Vô Tướng Tâm Định.
Như vậy, mấy con hiểu rằng đạo Phật dạy chúng ta rất rõ ràng, nhưng tại sao chúng ta không giải thoát? Là tại vì chúng ta tu không thấm nhuần, không nhu nhuyễn.
Cho nên đức Phật nói: "Tâm định tỉnh, nhu nhuyễn, dễ sử dụng". Khi tri kiến chúng ta nhu nhuyễn, dễ sử dụng thì chúng ta sẽ chuyển hóa tất cả những nỗi khổ đau trong thân tâm chúng ta. Các con thấy rõ, như bây giờ mình chưa nhu nhuyễn, chưa dễ sử dụng thì mình đâu có làm sao mà khỏi sự phiền não, khỏi sự đau khổ khi ác pháp tác động vào.
Cho nên sự tu tập là sự phải rèn luyện, tập luyện nhu nhuyễn, đúng cách. Mà đúng cách là như thế nào? Là phải làm những cái bài như thế này. Ngày nào tới giờ, thì các con thấy người học chữ thì người ta có làm bài, nhưng làm bài để rồi người ta tiến tới, người ta làm văn, viết văn này kia. Còn chúng ta học để mục đích là mọi ác pháp tác động vào - sự hiểu biết đó nó sẽ làm chúng ta bất động, không còn đau khổ nữa.
(35:39) Cho nên, hôm nay thì mấy con được Thầy sắp xếp từng trình độ. Mấy con không hiểu biết, không có nghĩa là mấy con dở; mấy con cứ nghĩ rằng mình đi học mà, mình đi tu mà - chỗ không biết mình sẽ học và mình biết. Đừng có nghĩ rằng Thầy sắp xếp cái lớp của mấy con…, vào cái lớp để mấy con học, mấy con đừng có mặc cảm. Mình dở thì mình cứ học cái lớp căn bản, được giảng, giải thích rõ ràng rồi từ đó mình ghi nhớ được những gì mình đã học, mình lại viết ra. Mình mỗi lần mình viết ra là mình thuộc thêm 1 mớ, mình hiểu thêm Phật pháp; và cố gắng như vậy, rèn luyện mình trong 1 năm. Thầy nghĩ rằng, cái Định Vô Lậu mà các con học 1 năm thì tâm mấy con cũng được giải thoát, không còn khổ đau nữa, bởi vì mấy con quán xong rồi. Ráng cố gắng mà học tập!
Thầy nghĩ rằng cái lớp này là cái lớp đi đến chỗ sự thật, chúng ta phải thấy sự giải thoát thật sự, chứ không phải nói mà không giải thoát. Cho nên phải ráng học và phải ráng siêng năng làm bài và phải tập tỉnh thức, phải tập Chánh Niệm Tĩnh Giác. Là vì, chúng ta biết chúng ta còn có sự thiếu tĩnh giác. Nếu không tập đi kinh hành thì chúng ta sẽ bị hôn trầm, thùy miên, làm chúng ta mờ mịt; và sự mờ mịt đó làm chúng ta không định tỉnh.
(37:08) Nghe danh từ đức Phật dạy “Tâm định tỉnh, nhu nhuyễn, dễ sử dụng” mà chúng ta không chịu tập Chánh Niệm Tĩnh Giác thì làm sao định tỉnh? Vì vậy mà cái phương pháp mà chúng ta đi kinh hành - 4 giai đoạn đi kinh hành là tập chúng ta định tỉnh.
Người nào cứ nghĩ rằng, tôi tập Định Vô Lậu là sẽ giải thoát, nhưng mấy con thiếu định tỉnh thì mấy con sẽ bị mờ mịt liền tức khắc, mà không còn đủ tri kiến để đương đầu với ác pháp. Còn trái lại, mấy con có sức định tỉnh nhưng mấy con không đủ tri kiến giải thoát thì mấy con bị ức chế hết - ức chế tâm.
Cho nên đức Phật ghép lại những cái từ đề chỉ cho chúng ta, cái tâm của chúng ta để được giải thoát, thì đức Phật nói: “Tâm định tỉnh, nhu nhuyễn, dễ sử dụng”. Khi nó định tỉnh, nhu nhuyễn, nó dễ sử dụng tức là nó đầy đủ cả Chánh Niệm Tĩnh Giác và Định Vô Lậu thì nó mới đủ sức để nó đương đầu với ác pháp, nó mới hóa giải được tâm của chúng ta.
Vì vậy thì các con thấy hiện giờ thì nhớ những cái điều kiện mà Thầy nói, rồi Thầy sẽ theo cái bài luận. Bây giờ mấy con nộp hết bài đầy đủ rồi, còn người nào chưa nộp thì sẽ tiếp tục làm nộp để mà chúng ta tu học thật. Chứ nếu không có chịu mà nộp bài cho Thầy thì đương nhiên là mấy con không có tu tập được, nên nhớ kỹ!
Và đồng thời thì Thầy xin nhắc lại 1 lần nữa: là bắt đầu bây giờ, Thầy xếp cái lớp của mấy con về cái sự tu tập định tỉnh - Chánh Niệm Tỉnh Giác. Tức là mấy con sẽ đi kinh hành cho Thầy xem.
(39:02) Thầy có đem cái tập vở theo để mà Thầy ghi những cái sức định tỉnh của mấy con. Cái sức định tỉnh như thế nào? Đầu tiên thì cái người tu tập được dự trong cái lớp này thì Thầy cho ít nhất mấy con ít ra thì mấy con cũng phải nhiếp tâm được 1 phút. 1 phút, cái sức 1 phút - mà mấy con nghĩ 1 phút thì bắt đầu bây giờ Thầy định tỉnh được trong hơi thở của Thầy, mà cái hơi thở của Thầy nó bình thường, nó không dài, mà nó cũng không ngắn lắm - thì Thầy lấy trung bình là nó 20 hơi thở nó là 1 phút. Còn cái người ngắn, thì nó hơn cái số 20 hơi thở, tức là hơi thở ngắn. Còn hơi thở dài thì nó bắt đầu nó từ 17, 18, 15, 16 rồi 10, thì cái hơi thở đó là hơi thở dài, tức là thở chậm hơn một chút.
Như vậy là căn cứ vào 1 phút mà lấy cái tiêu chuẩn để mà tu tập. Thí dụ như, 1 người hơi thở ngắn thì phải thở hơn 20 hơi thở, mà hơi thở vừa vừa thì 20 hơi thở; và đồng thời hơi thở dài thì nó còn lại mười mấy hơi thở, 14, 15 hay 10 hơi thở là 1 phút.
Vậy thì căn cứ vào cái chỗ bước đi, cũng như cái chỗ tu tập mấy con, thì Thầy chỉ lấy căn bản nhất là phải tập cho được 1 phút nhiếp tâm, không có niệm gì khởi trong đó. Còn có niệm gì khởi trong đó thì chưa được xếp vào cái lớp này. Mấy con hiểu chưa?
Bởi vì nếu mà chưa được thì mấy con phải tự ở ngoài tập cho được 1 phút rồi mới được vào cái lớp Chánh Niệm Tĩnh Giác này. Rồi từ cái người mà từ 1 phút rồi từ 5 phút, rồi 10 phút, rồi 20 phút, 30 phút hoặc 1 giờ nhiếp tâm không niệm gì hết, Thầy căn cứ vào chỗ đó mà xếp lớp Chánh Niệm Tĩnh Giác.
HẾT BĂNG