CK 001C - PHẬT TỬ CÚNG DƯỜNG - ĐỨC BUÔNG XẢ - GIỚI LUẬT
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Thời gian: 02/11/2006
Thời lượng: [24:20]
(0:0) Trưởng lão: Bây giờ cô Minh Châu có cúng dường gì quý thầy không con? Con cứ đến để trình Thầy. Nếu mà có cúng dường thì Thầy sẽ chia cái này làm sao cho bên nam bên nữ mỗi người một số, để mấy con trực tiếp cúng dường.
Phật tử: Dạ thưa Thầy, mấy ngày trước nghe Thầy nói là hai chục người học và chư tôn vì thế con chuẩn bị hai chục phần, còn phần còn lại một ít sách vở và giấy thì con gửi Thầy để Thầy soạn giáo án. Bây giờ, Thầy có ý kiến như vậy thì vài ngày nữa con sẽ bổ sung cho đủ.
Trưởng lão: Rồi được rồi con, không sao. Giờ trong số người con đã biết là bốn mươi hai người thì sau đó bốn mươi hai phần. Như vậy thì ở đây mọi cư sĩ thì coi như mình sẽ chia đặt đều, người nào phải y như người nấy, bình đẳng con. Bây giờ trong các phần này là chưa đủ, thì để đó, sau này khi Thầy sẽ phát khi nào mà đủ. Cái số lượng người thì con đã nắm xong rồi, còn cái giấy mà chia để Thầy soạn thảo Thầy viết được rồi. Còn cái phần để gửi cho quý thầy như tập vở để chia quý thầy tu Định Vô Lậu làm những bài viết.
Phật tử: Dạ, thưa Thầy. Đây là những phần để đựng thức ăn, con làm hai bộ. Thầy có thể cho con mở ra.
Trưởng lão: Rồi, con mở ra trình bày. Con ngồi xuống đi con.
(02:12) Phật tử: Dạ, đây là cái ly uống nước, một cái muỗng để ăn, và những cây viết, xà bông, kem đánh răng. Đây là những cái hộp, con làm mỗi một người là hai bộ… đựng canh, đồ kho, đồ ngọt, và phần này đựng rau và trái cây.
Trưởng lão: Vậy được rồi con. Mấy con thấy một phần là bút mực, viết, kem đánh răng, xà bông đều đủ, có thêm hai chai dầu nữa. Bây giờ mấy con ráng tu nha, công lao của quý Phật tử cúng dường quá đầy đủ, không thiếu chỗ nào hết.
Thầy mong rằng trong cái khóa này mấy con sẽ nỗ lực tu tập đạt được để đền đáp công ơn của Phật tử. Người ta đã làm việc quá vất vả khổ sở, người ta sẵn sàng giúp đỡ mình tu học.
(4:12) Như vậy thì còn bao nhiêu phần sau này con sẽ đem lên giúp đỡ cho họ trong một khóa tu những cái tập giấy này là quan trọng lắm, mấy con sẽ tu Định Vô Lậu. Từ lâu đến giờ mấy con cũng có nghe đạo Phật rồi, cũng nói Định Vô Lậu, quán rồi, các con cũng biết Thiền Quán rồi nhưng hôm nay mới thật sự Thiền Quán mấy con, mới thực sự đào tạo huấn luyện mấy con trên cái sự quán. Chứ không phải như trước kia nói chung chung, chúng ta về tự suy nghĩ mình như thế nào là suy nghĩ đâu, bây giờ vào khuôn phép để quán cho đúng - chứ không được quán cạn cợt, không được quán sai.
Nhờ Phật tử giúp đỡ mấy con, mà hôm nay cô Minh Châu đã cúng dường đúng, đúng cách để mấy con tu tập. Và đây là cái phần để đựng thực phẩm, để Thầy nghiên cứu kỹ về cái phần này sau thời gian dùng cái hộp này coi nó gọn hay không.
Bởi vì người tu sĩ chúng ta phần nhiều bỏ trong bát. Ngày xưa Đức Phật đi xin cái bát, hầu như Thầy nghĩ người ta cúng dường cho Đức Phật trong thời đó thì không có những vật dụng này, cho nên họ gói bằng lá, lá chuối hoặc lá cây, rồi họ gói thực phẩm, họ bỏ trong bát, chớ không lẽ họ múc họ đổ hay sao, không phải đâu, họ gói đàng hoàng kỹ lưỡng lắm.
Cho nên có món ăn, món mềm, món cứng hẳn hoi, về đó chắc chắn là Thầy đọc lại những đoạn kinh của Phật, khi ăn rồi thì đào lỗ chôn xuống những cái vật mình ăn, có lẽ là những miếng lá gói. Mở ra, để ra, lần lượt mình mới sớt vào bát cơm mình ăn từng món, món mềm, món cứng. Do như vậy chắc chắn là phải để cho từng cái lá.
Còn ở đây chúng ta có cái hộp này thì nó cũng tiện lợi, nhưng có cái điều kiện bất tiện là vì bàn tay của chúng ta nó có nhiều điều không vệ sinh lắm. Người mà làm họ sẽ bóc cái này bỏ đồ ăn vô. Bây giờ cơm chúng ta để cơm trong bát, đút cơm trong cái hộp này vô, bàn tay của người làm không sạch để cho cơm chúng ta thì nghe nó cũng ớn lắm mấy con, bệnh đau thì không thấy, nhưng nghe nó cũng mất vệ sinh.
(6:25) Vậy thì Thầy sẽ nghiên cứu như thế nào để khi mà chúng ta bỏ vào trong cái bát mà chúng ta thấy rất là vệ sinh. Bởi vì Đạo Phật là đạo rất vệ sinh mấy con. Cho nên Đạo Phật dạy đạo đức vệ sinh. Cho nên chúng ta phải học theo Phật, phải sống sao cho đúng vệ sinh, mà vệ sinh càng giữ gìn tốt thì cơ thể càng khỏe mạnh, nó giúp đỡ chúng ta không có bệnh tật.
Cho nên tinh thần của Đạo Phật là tinh thần rất là tốt đẹp. Cho nên Thầy mong rằng sự nghiên cứu, đây là lần đầu tiên, dùng hộp đựng thực phẩm, đó còn là sự nghiên cứu cách nào sử dụng cho tiện lợi thì chúng ta sẽ sử dụng nó, mà nhờ Phật tử người ta sẵn sàng đóng góp giúp đỡ chúng ta.
Thầy nghĩ rằng nếu những hộp này mà bỏ thực phẩm rồi cho vào trong cái bát của mình, mà cái bát lớn cho vô túi thì gọn gàng vô cùng, mà bát nhỏ chút chắc là bỏ không hết. Cho nên còn phải nghiên cứu lại kỹ.
Mà cái bát Thầy làm, mấy con thấy cái bát sành, cũng lớn lắm đó. Mà Thầy sợ cơm của mấy con đã nửa bát rồi mà bỏ cái này vô thì nó tràn ngập, nó không có hết. Làm sao mà để nghiên cứu sao cho nó đơn giản nhất để rồi ngày mai ngày mốt tiếp đi khất thực, Thầy cũng sẽ đến nhét ba cái này vô bát coi nó ra sao đã. Để Thầy nghiên cứu kỹ rồi Thầy sẽ báo cho con.
(7:53) Phật tử: Thầy báo cho con, (nghe không rõ)
Trưởng lão: Hôm nay mời tất cả lại, vật cúng dường của Phật tử cúng dường trong cái khóa tu học này, mong rằng chúng ta là những người tu sĩ, thừa hai vật là chúng ta phạm giới đó mấy con, chỉ một vật thôi.
Bây giờ sự cúng dường này, nó… một cây bút xanh, một cây bút đỏ thì như vậy chúng ta giữ được hai cây vì cây bút đỏ để chúng ta gạch những gì cần thiết, bút xanh để chúng ta viết.
Còn cái gì mà thừa ra nếu mà giữ trong mười ngày thì chúng ta khai giới ra để giữ, còn nếu không thì thấy cái gì cần thiết. Mình là người tu sĩ buông xả hết rồi. Cái cần thiết thì mình giữ để cho mình, tứ sự mà, còn gì không cần thiết bỏ hết. Đừng có ôm ấp nhiều quá, nhập khóa tu tập rồi chắc chắn Phật tử cúng dường riết mấy con mà tu chứng quả A La Hán có mấy bao rồi không ít đâu. A La Hán mà mang mấy bao đồ Thầy thấy kì quá, có phải không?
Cho nên chúng ta phải giữ sao cho trọn vẹn ba y một bát, cái gì mà cần thiết thì chúng ta nhận, như bây giờ cô Minh Châu cúng dường cho mỗi vị trong một thất hai chai dầu, bởi vì cất hai chai dầu này là quý vị sẽ phạm lỗi. Đây là giới luật, không được hai món, đó là giới luật.
Cho nên do như vậy thì mấy con là những người tu sĩ, cũng như những cư sĩ đã theo học lớp này thì mấy con cũng nhớ là phải học, tứ sự cần một món như thế này thôi chứ không được hai món, nếu hai món Thầy vô thất mà thấy hai món là Thầy hốt bỏ ra. Thầy dặn trước. Đối với Thầy là phải giữ đức hạnh, phạm hạnh cho nghiêm chỉnh.
(10:04) Chứ không được mà trong thời khóa thời gian tu tập, trong sáu tháng, một năm, hai năm, mà đồ đạc ngập thất mình thì không được, thường mua rương mua tủ mà chất vô đó thì Thầy không chấp nhận. Xả ra hết, từ những cuốn kinh sách cho tới cuối cùng các con xả hết, còn ba y một bát, không có một vật gì.
Tất cả những kinh sách cho mấy con đọc rồi, mấy con thấm nhuần rồi, mấy con từng tư duy, suy nghĩ, các con biết rồi thì bao nhiêu để ở trong tâm mấy con thôi, còn bao nhiêu quét ra hết cho những người khác chưa đọc, không có để làm gì nữa.
Cho nên giúp cho người khác. Chẳng hạn như bây giờ các thầy viết các con đọc các con hiểu rồi, cho người khác hết, hoàn toàn không còn cuốn sách nào hết, như vậy mấy con sẽ là giải thoát. Chứ mấy con tiếc mấy sách này hay quá nên để dành, thì mấy con còn dính mắc.
Nhớ những lời Thầy dạy, phải học buông xả từng chút, không được để một vật gì hết. Cho nên những điều mấy con viết xong cái nào mà có thể hay Thầy sẽ cho nó vào một cái tập sách để cho cái lớp mới vào học người ta sẽ đọc những bài viết về quán nhân quả, quán vô thường của mấy con. Để người ta nương vào đó để triển khai tri kiến của người ta. Thì những bài đó được thành sách nhưng mà khi thành sách, người ta đọc rồi thì người ta trao cho người khác, người ta không cần giữ trong thất người ta cuốn này cuốn kia, hoàn toàn bỏ hết, còn chỉ ba y một bát.
Nghĩa là đi đâu, mấy con có cái túi mấy con bỏ cái bát của con vô, đủ rồi. Trong đó có cái mùng để chống muỗi và y áo mấy con đủ rồi, đừng có thêm một cái gì khác hơn nữa. Đó là đầy đủ của sự tu tập.
Phải tập một đời sống, một đời sống ba y một bát, như một người lính chỉ có ba-lô ở trên vai mà thôi. Nghĩa là lúc nào muốn đi đâu cũng dễ dàng, không có mang hết. Chứ thật sự ra Phật tử cúng dường nhiều, rồi mấy con đi Thầy thấy bao bao, đùm đùm, đề đề, bỏ hết đi, đời thân còn không giữ được thì có gì.
Cho nên đây là lòng ngưỡng mộ, tin tưởng sự tu tập của mấy con mà Phật tử đã cúng dường. Thầy mong rằng các con, uống trong cái bát cũng được rồi, không cần cái ly này mấy con. Phải không?
Mình tập đơn giản nhất cuộc đời của mình, đừng thêm thắt gì. Để buông hết. Thân còn giữ không được, huống hồ giữ gìn làm gì, nào cái này nào cái kia, rất là bận.
Do đó cái lòng của Phật tử người ta sống người ta thấy tiện nghi, người ta muốn mình cũng tiện nghi. Nhưng mà mình là người tu, không để dính mắc mấy con, không để dính mắc. Từ cái vật bình thường cho đến cái vật đẹp đẽ, cho đến những máy móc, sang giàu, tiền bạc đều bỏ xuống hết.
(12:56) Người Phật tử có lòng cúng dường chúng ta sẵn sàng hoan hỉ nhận, nhưng xài hay không xài là do quyền của chúng ta, chứ không phải là ở Phật tử. Chúng ta nhận cái lòng của họ để họ tạo duyên phước sau này họ có duyên tu như mình. Nhưng cái hạnh buông xả của chúng ta làm gương hạnh chính lại cho họ.
Còn nếu không thì chính những vật dụng của họ cúng dường lại xỏ mũi dắt mình đi vào trong dục, mình không xả là mình chết với những vật này. Mình tham đắm những vật này là mình chết, phải tái sanh luân hồi, đau khổ vô cùng.
Cho nên những cái điều mà Phật tử cúng dường, những vật mà Phật tử cúng dường chúng ta thấy, biết, biết ơn của họ, nhưng chúng ta đừng dính mắc, buông xuống hết. Nghĩa là làm sao tập làm sao ăn trong bát, uống trong bát, như vậy đủ rồi. Cái muỗng này đẹp lắm mấy con, cứng lắm, tốt lắm nhưng đừng tham đắm mấy con.
Ngày xưa Đức Phật đâu có muỗng, lấy cái tay bốc cơm ăn mấy con, phải không? Những vật thêm tốt thì thêm nặng cho chúng ta, đi đâu mang gánh vác nghe nặng nề lắm.
Cho nên Thầy thật sự, là Phật tử cúng, cái gì chúng ta cũng nhận để gieo cái duyên với họ để họ có duyên tu hành như chúng ta và chúng ta buông xả để chúng ta làm thân giáo, gương hạnh cho họ để họ buông xả đi theo tu tập giải thoát, chỉ có buông xả, buông xả hết thì chúng ta mới giải thoát.
Buông xuống đi, buông xuống đi,
Chớ giữ làm chi có ích gì,
Thở ra chẳng còn lại chi nữa,
Vạn sự vô thường, buông xuống đi.
(14:47) Các con nhớ điều đó, chúng ta không tham đắm một vật chất gì trên thế gian này hết, thì giải thoát ngay liền trước mắt của chúng ta. Chúng ta biết ơn Phật tử giúp chúng ta có đủ phương tiện sống, nhưng chúng ta không tham đắm gì hết.
Sách vở Thầy viết nói đúng sự thật, giác ngộ, các con hiểu được chân lý, rất hay, những gì trong cuộc sống chúng ta sai trái được Thầy vạch ra rất rõ ràng. Nhưng chúng ta cũng đừng ôm ấp những tập sách này, cũng đừng vì nó mà chất thành thư viện thì nó làm cho chúng ta đau khổ, bỏ xuống đi. Chỉ cần biết buông xả mà bình an được rồi. Người chưa hiểu chúng ta sẽ sẵn sàng cho người, sẵn sàng biếu cho người, chúng ta không lưu giữ gì.
Thầy sẵn sàng biết nhưng Thầy cũng bỏ hết, một ngày nào đó Thầy ra đi, tất cả nơi này, những điều này để lại cho người sau, người chưa biết, còn người biết rồi thì chúng ta buông xuống hết mấy con, không có gì cần, đời có gì đâu, vạn pháp vô thường buông xuống đi, có cái gì của mình đâu mà mình giữ mấy con, không có gì mà mình cần thiết.
(16:07) Phải ráng nghe lời Thầy, vi tế lắm, tâm dính mắc chúng ta vi tế lắm, chúng ta sẽ bị tất cả những vật chất này trói buộc chúng ta như sợi dây lòi tói, chắc lắm mấy con, khó buông lắm. Nó là ái kiết sử đó mấy con, nó trói buộc.
Cho nên Thầy nghiên cứu cách nào để mấy con trong một bát, mấy con vừa gọn vừa vệ sinh để chúng ta sống hàng ngày, giữ thân thể vệ sinh để chúng ta mạnh khỏe mà tu tập cho đến ngày rốt ráo, chứ không phải vì để chúng ta sống trường thọ.
(16:44) Thân này trường thọ để làm gì mấy con? Khổ đau vô cùng, còn một phút sống trên thế gian này, còn mang cái thân nhân quả này, còn có sự khổ đau, đâu bao giờ hết.
Chúng ta tu xong, mau mau chúng ta rời khỏi cái thân này, bỏ nó xuống đi, nó là cái thân nhân quả, nó là cái ổ bệnh, nó là sự tai họa, nó là sự khổ đau.
Chỉ vì chúng ta bỏ nó chưa được mà chúng ta còn sống với nó, chứ nếu chúng ta bỏ được là chúng ta dứt, quăng nó đi, ném nó đi, bỏ nó đi. Có tốt đẹp gì khi cái thân này là thân bất tịnh.
Đến đây Thầy chấm dứt. Mấy con nhớ những lời này và mãi mãi những lời nói này sẽ còn ghi mãi muôn đời.
Thôi bây giờ các con ra nghỉ một chút ăn cơm vì thời gian nó cũng quá nhiều rồi ngày mai ngày mốt Thầy còn phải hướng dẫn mấy con. Sự thật ra bộ sách Đạo Đức mà Thầy viết chắc chắn là còn lâu lắm nhưng không sao, cố gắng sẽ có.
(17:56 - (24:20) đoạn Thầy nói chuyện riêng với mỗi tu sinh, có lời nghe không rõ, không ghi lại)
HẾT BĂNG