00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

VẤN ĐẠO 23-ĐỨC HẠNH VÀ KINH NGHIỆM ĐỘC CƯ

VẤN ĐẠO 23

ĐỨC HẠNH-KINH NGHIỆM ĐỘC CƯ

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Sư Tuệ Tĩnh và sư Phước Nhẫn

Thời lượng: [48:53]

Thời gian: 2002

Tên cũ: 12B-DucHanh-KinhNguyemDocCu

1- GIỚI ĐỨC THÁNH GIẢN DỊ CỦA THẦY

(0:07) Trưởng lão: Thầy làm một gương sống, gương sống Thiểu Dục Tri Túc. Thầy mong rằng những cái gì mà Thầy sống sau này, quý thầy mà sống gần Thầy mới thấy được cái đức hạnh Thiểu Dục Tri Túc, đó là cái hạnh Thánh. Còn chúng ta hở hở chút mà chúng ta bỏ là phàm phu, chúng ta còn diện trên những cái đẹp, chúng ta phải sống cái hạnh Thánh. Cho nên Thầy nghĩ rằng cái gương hạnh sống, mà các sư phải sống gần Thầy, sẽ bắt chước những cái gương hạnh đó, mình là bậc Thánh rồi, bậc Thánh Tăng rồi.

Sau này Thầy sẽ dạy về Giới Đức Thánh. Còn có bộ Giới Đức Thánh, cho nên Thầy sẽ giảng Giới Đức Thánh ra để giúp cho những người tu sĩ chúng ta phải sống đúng những Đức Thánh, cái phạm hạnh mà đức Phật ngày xưa nói. Thánh phải sống đâu có giống như phàm phu được. Mình sao mà tu hành sống như phàm phu thì sao gọi là Thánh được. Cho nên hôm Sư Nhẫn xin cúng dường Thầy cái y, Thầy nói Thầy còn có y mà, chừng nào mà rách nát hết rồi thì Thầy mới bỏ, chứ còn thì chưa.

Sư Phước Nhẫn: Nếu mà có cái khá khá thưa Thầy, khi Phật tử đến thì mình cũng mặc vô coi cho nó trang nghiêm chút, thưa Thầy.

Trưởng lão: Nói chung là cũng tạm được rồi, cũng chưa có rách quá. Trong cuộc đời Thầy có sử dụng hai cái y vấn như các sư vậy. Y thứ nhất nó đã rách tan nát rồi. Hồi lúc mà Thầy đi dạy ở trường Bồ Đề ở dưới thành phố, Thầy đã đi xin ăn, lúc bấy giờ Thầy xin, Thầy nuôi cả chùa Giác Ngộ mà. Khi đó, mà cái y đó đã rách nát, Thầy chỉ còn làm cái tấm trải để Thầy nằm thôi, đó là cái y đầu tiên.

(2:11) Và cái y hiện giờ màu cũng như y các Sư, thì cái y đó bây giờ nó đã bạc màu rồi. Có một người đi ở bên Campuchia về, họ thỉnh cái y về cúng dường cho Thầy, từ đó Thầy mặc cái y đó. Vì thấy cái y kia bị rách rồi, rồi mới thỉnh cúng dường Thầy cái y đó, cái y kia Thầy trải Thầy nằm. Đó là cuộc đời Thầy đã sử dụng hai cái y đến bây giờ.

Còn y Bắc tông, trước kia Thầy cũng có đủ ba y đó, bởi Thầy thọ bên Bắc tông mà. Nhưng mà sau này khi mà Thầy đi sang qua ở bên Nguyên Thủy rồi, Thầy thấy hình ảnh của đức Phật, cái y của đức Phật và hình ảnh của đức Phật, mình phải đắp ở trên thân của mình để mình nhớ được như đức Phật. Cho nên Thầy bỏ ba cái y của ông ba Tàu này hết, ổng chế ra cái kiểu của vua Chúa, Thầy bỏ ra hết, rồi Thầy lấy cái y đơn giản của đức Phật, một tấm vải là đủ rồi. Chứ còn cái kia phải có y, có hậu, còn này ba y một bát, đời sống giản dị.

Nhưng mà cái chiếc áo dân tộc Thầy không bỏ, bởi vì Thầy là dân tộc Việt Nam, cho nên cái áo này là cái áo dân tộc, cái áo dài của dân tộc. Còn cái áo hậu là cái áo của Trung Hoa, cái tay nó rộng lớn là áo của Trung Hoa, còn cái áo của Việt Nam mình là cái tay nó hẹp, cái áo dài. Đó là cái hình ảnh này và cái màu sắc này là màu sắc của dân tộc miền Bắc, cái nơi xuất phát dân tộc Việt Nam. Thành ra Thầy không bỏ nó tại vì Thầy là người Việt Nam. Nhưng khi mà lễ lộc, khi mà những cái buổi thuyết giảng đều là Thầy vấn cái y vấn đức Phật, đây là cái hình ảnh của đức Phật, nó là pháp của đức Phật, Thầy sử dụng đến nó. Còn cái chiếc áo mà mình mặc ở trong người của mình mà Thầy hay mặc, cái áo vạt miểng đó, cái áo Bà Ba, chiếc áo dân tộc. Thêm cái miểng để làm cái áo Đạo thôi, chứ nó là chiếc áo Bà Ba. Thành ra Thầy thấy chiếc áo đó thuộc về dân tộc tính. Cho nên Thầy không rời dân tộc tính.

(04:34) Đứng trong dân tộc này, thực hiện Pháp Phật để đem lại sự lợi ích cho dân tộc và đem lại lợi ích cho con người trên hành tinh này. Nó là như vậy, bởi vì Thầy đã sanh ra ở trong đất nước Việt Nam, nếu Thầy sanh ra ở đất nước Ấn Độ thì dân tộc tính Ấn Độ như thế nào Thầy phải làm đúng như thế ấy. Cho nên khi mà hòa hợp với Tăng Sư, Thầy đều có thể trong cuộc họp thì Thầy vấn y như vậy hết. Đó là mình đã đi vào con đường Nguyên Thủy của đức Phật. Không có sai khác chút nào hết.

Ở đây thì như mình tọa đàm để cho mình nói chuyện trong cái cuộc tu hành của mình thôi. Đó thì hôm nay các con có còn hỏi thêm gì nữa không?

Sư Phước Nhẫn: Con kiếm cái bộ đại y thưa Thầy, cái tăng-già-lê để lúc có Phật sự lớn thì bận vô mà không có. Cái hình tăng-già-lê mình đắp kêu là Sanghati, cái miếng vải xéo đây nè Thầy.

Trưởng lão: Ừm. Cái này, cái miếng vải đây này phải không?

Sư Phước Nhẫn: Dạ. Cái đó làm cái mền đắp cho mình luôn thưa Thầy. Đi đâu có cái đó mình có xài mền, ba y một bát, có cái đó mình đắp, còn cái này như con bận, cái này con là Sadi. Con không có Tăng-già-lê, Tỳ kheo trở lên mới có Tăng-già-lê. Ở đây có hai thứ, thứ mỏng, thứ dầy. Thứ dầy nó nặng, thứ mỏng nó nhẹ. Khi nào có lễ lộc gì lớn thì có sẵn Thầy mặc (6:39)

2- TU THEO ĐẶC TƯỚNG

Phật tử: Con xin hỏi Thầy, thỉnh thoảng mình để tâm mình suy xét những Pháp Phật…​ Như vậy có phải bị phóng dật không?

(6:46) Trưởng lão: Không, không phóng dật. Mình suy xét để cho mình theo đúng Pháp. Phật nói là Tùy Pháp, tức là mình theo Pháp để mình sống. Cho nên mình tư duy những Pháp, càng tư duy mình càng thấu rõ được cái lý của nó để làm cho mình sống trong niềm tin sâu. Còn nếu mình không tư duy, sau một thời gian tu không kết quả thì mình lơ là. Cho nên mình tư duy, mình tìm hiểu, do cái tìm hiểu đó nó mới nảy ra nhiều kinh nghiệm, trên bước đường đó, do cái đặc tướng của mình nó không giống ai đâu vì mỗi người đều có đặc tướng.

Con người có ba tướng: Nhân Tướng, hành Tướng và Đặc Tướng. Mỗi đặc tướng, do sự chiêm nghiệm của Pháp Hành mà mình rút tỉa được nhũng kinh nghiệm riêng tư cho bản thân mình trên bước đường tu hành. Vì vậy mà đôi khi có người sống có đối tượng người ta xả tâm, người ta "Ly dục ly ác pháp". Có người một mình mình, người ta chỉ sống trầm lặng, sống cô đơn một mình mà người ta dùng pháp Hướng người ta xả được tâm. Còn có người mà sống cô đơn, trầm lặng một mình lại xả không được, phải dùng các đối tượng, có người xung quanh mình để rồi từ đó người ta xả được tâm, người ta ly dục ly ác pháp.

Cho nên không đơn giản đâu, vì vậy mà Thầy thấy trong số người, có người họ sống một mình họ xả tâm. Nhưng có người họ phải có người nói này, nói khác, nói nọ, từ đó họ lấy các đối tượng đó họ xả tâm, mà họ xả được. Còn có người họ sống một mình thì họ lại sống ở trong tĩnh lặng họ không xả được, họ bị ức chế tâm. Cho nên tùy theo mỗi đặc tướng, và khi mà mỗi đặc tướng đó mình phải suy xét qua cái lời Kinh dạy, nó làm cho cái niềm tin càng nhiều, càng hơn nữa.

Do cái niềm tin đó mình mới nỗ lực thực hiện những cái kinh nghiệm. Đừng có dựa vào kinh nghiệm của người nào mà cho rằng người này làm được thì mình sẽ làm theo như vậy. Không được đâu, nó sẽ sai. Cho nên ở đây Thầy để cho quý thầy tự do. Thầy dạy cái đại khái như vậy, để từ đó mình sẽ tìm lấy kinh nghiệm riêng tư của mình.

(9:00) Trong cuốn Tám này có thời khóa biểu hướng dẫn cho một người, đây là chung chung thôi, nó không thể nào thành lập chung cho mọi người được. Mà đây chỉ đại khái, để chúng ta dựa vào cái đại khái này mà chúng ta rút tỉa kinh nghiệm. Chứ giờ này chúng ta tu tốt, mà buổi chiều chúng ta tu không tốt thì chúng ta phải thay đổi. Đó, như vậy là chúng ta sẽ có kết quả liền, chúng ta thay đổi rồi chúng ta suy nghiệm: Tại sao buổi sáng chúng ta tu tốt mà buổi chiều lại không tốt? Tốt là tốt ở chỗ nào, Xả Tâm hay tốt ở chỗ Tỉnh Thức?

Có nhiều khi tốt ở chỗ Tỉnh Thức mà Xả Tâm lại không tốt, nhiều khi Xả Tâm tốt mà Tỉnh Thức lại không tốt. Phải quan sát được cái chỗ, nhiều khi chúng ta Tỉnh Thức mà không có Chánh Niệm, còn nhiều khi chúng ta Chánh Niệm mà không Tỉnh Thức. Cho nên hai cái này nó phải kết hợp với nhau lại, nó không thể tách rời ra giữa Tỉnh Thức và Chánh Niệm, nó phải kết hợp. Mà lúc thì Tỉnh Thức không vọng tưởng gì hết, mình không dám tác ý ra, không dám khởi một cái niệm nào ra hết thì như vậy cũng là sai.

3- Ý NGHĨA CHỮ NIỆM

Bởi vì đức Phật dạy Chánh Niệm Tĩnh Giác Định. Cái Định đó nó ở trong cái Chánh Niệm Tĩnh Giác. Chúng ta hiểu lầm như hồi nãy sư Nhẫn nói, mình hiểu lầm là mình Chánh Niệm ở trong cái niệm hành động thì cái đó nó không có nghĩa gì. Cái Niệm của chúng ta là Chánh Niệm, là ở chỗ Tà - Chánh, ở chỗ giữ Chánh Niệm, mà niệm không ngơ này thì không có lý gì.

Nghĩa là bây giờ Thầy biết hơi thở Thầy, Thầy biết Thầy đi, thì cái niệm đó không có lý, cái đó là cái hành động để chúng ta Tỉnh Thức chứ không phải là cái niệm. Chúng ta cho đó là cái Niệm, coi chừng chúng ta đã bị sai. Ví dụ như mình nghe nói Thân Hành Niệm, thân hành là cái Tỉnh Thức để biết cái thân hành, còn cái Niệm của chúng ta là cái nào, chứ đâu phải cái Niệm như thế này. Cái Niệm như thế nào, cái Ý của chúng ta niệm, hay là cái Thân chúng ta niệm?

Mình phải suy tư danh từ Niệm chứ! Cho nên có nhiều người nói niệm Phật, thì họ tưởng rằng Nam Mô A Di Đà Phật, hay Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật là Niệm Phật. Không phải. Niệm Phật là chúng ta, “niệm” tức là suy tư, tư duy, suy nghĩ. Niệm tức là có suy nghĩ ở trong đó. Suy nghĩ như thế nào, Phật như thế nào, đời sống Phật như thế nào, tâm Phật như thế nào, thân Phật như thế nào? Để rồi chúng ta suy niệm cái đó, chúng ta sống y như vậy thì mới gọi là Tứ Bất Hoại Tịnh.

Bởi vì trong Pháp Tứ Bất Hoại Tịnh: Niệm Phật, Niệm Pháp, Niệm Tăng, Niệm Giới. “Niệm”, người ta tưởng là niệm danh hiệu, cái đó sai, không đúng. Cho nên Thầy giảng ở trong giáo án Đường Về Xứ Phật, Thầy giảng về Tứ Bất Hoại Tịnh cụ thế lắm mà.

Nghĩa là thân mình, lấy thân của mình, cái thân này phải sống giống như thân Phật thì gọi là Thân Niệm Phật.

Rồi Tâm Niệm Phật, tâm mình phải sống giống như Tâm Phật gọi là Tâm Niệm Phật. Chứ không phải tâm niệm Phật mà tâm này vẫn ác thì niệm Phật làm gì? Nó không thanh tịnh đâu.

Cái thân này, Phật sống như thế nào, Phật đi như thế nào, Phật làm như thế nào? Chúng ta tư duy, chúng ta suy nghĩ gọi là niệm. Niệm Thân Phật, để rồi lấy cái thân mình sống như Thân Phật thì gọi là Niệm Phật. Niệm vậy có Thanh Tịnh không? Cho nên gọi là Bất Hoại Tịnh, nó không làm cho mình hoại sự Thanh Tịnh, có phải không?

(12:47) Còn bây giờ mình niệm cái kiểu đó, thì mình niệm ngàn đời có Thanh Tịnh không? Không có Thanh Tịnh. Niệm Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, niệm hoài đi, cái thân mình cũng không thanh tịnh. Mà mình sống đúng như Thân Phật thì nó thanh tịnh. Thân Phật bây giờ đắp y phấn tảo thì mình đắp y phấn tảo. Mà mình ngại ngùng, mình không dám đắp, mình sợ hoặc là cho nó xấu mình không dám đắp thì như vậy là chưa thanh tịnh. Tâm Phật không tham, sân, si. Tâm Phật thì không có thèm ăn, thèm uống mà bây giờ mình thèm ăn, thèm uống, thì tâm mình không giống Tâm Phật, thì đó là mình "hoại tịnh" rồi, chứ không phải Bất Hoại Tịnh. Do đó mình phải làm tâm mình giống như Phật. Vì vậy cái sự tư duy, cái sự nghĩ ngợi như vậy đó gọi là Niệm. Niệm như vậy mới là Niệm Chân Chánh chứ, Niệm như vậy mới là Niệm Giải Thoát chứ. Niệm như kia đâu có giải thoát đâu, phải không, có đúng không?

4- NGĂN VÀ DIỆT SỰ PHÓNG TÂM - PHÓNG DẬT

(13:55) Sư Phước Nhẫn: Câu hỏi kế thưa Thầy, phóng tâm dễ trở thành phóng dật. Vậy làm cách nào để nó không trở thành phóng dật?

Trưởng lão: Thường xuyên mình dùng pháp tu, mình dùng pháp tu. Mới đầu thì thường xuyên nó phóng tâm, rồi khi phóng tâm thì mình chợt hiểu, mình biết nó đang phóng dật thì mình dừng nó lại đi, tức là "ngăn ác diệt ác" đó. Còn mình giữ cái tâm của mình trong hành động đi và luôn luôn pháp hướng Như Lý Tác Ý ra, hoặc là trong hành động của hơi thở: "Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra".

Mình sử dụng cái này quen dần thì thời gian sau nó vừa là cái pháp Hướng vừa cái hơi thở của mình, thì đó là cái pháp ngăn, ngăn cái tâm phóng tâm. Phải hiểu nó, nếu mình để bình thường vậy thì nó phóng tâm. Cho nên mình nỗ lực, mình siêng năng mình tu tập. Đầu tiên thì nó hay bị phóng tâm, phóng dật, do đó mình mới dùng cái Pháp Định Vô Lậu, mình quán xét để mình ly những cái niệm này, diệt những cái niệm này hết. Đừng để cho nó tới. Nhưng mà nó luôn tới, mình cứ bền chí, đừng có sợ. Tới thì tới, tới bao nhiêu thì dùng cái niệm đó, quán xét rồi ly nó ra, rồi dùng pháp Hướng đoạn dứt nó đi.

Cứ tu tập vậy hàng ngày, đừng có sợ, rồi nó sẽ hết. Mà nó hết thì lúc bấy giờ, thực sự ra muốn cho nó hết, đừng có tiếp duyên ra ngoài, phải sống độc cư. Nhớ! Vì vậy khi mà phóng tâm với phóng dật nó gần nhau lắm. Nó phóng tâm thì nó lôi cuốn mình theo cái dính mắc ở trong cái phóng tâm đó.

Bắt đầu bây giờ nó phóng tâm ra, thì mình thấy niệm nó phóng rồi, thì bắt đầu mình đem cái niệm đó mổ xẻ cái niệm đó, coi nó là dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu, nó ở trong cái lậu hoặc nào? Khi mà mình thấu rõ nó ở trong ba cái lậu hoặc này, trong một cái trong ba cái lậu hoặc này thì ngay đó là mình xả nó. Còn nếu không thì nó phải quán xét qua Nhân Quả. Hễ mình thấy Nhân Quả ác thì xả liền, mà thiện thì chấp nhận, cái này là tốt. Cái này để giúp cho chúng ta trên con đường tu để hiểu thêm.

(16:10) Thí dụ bây giờ có một cái niệm nó khởi ra một câu Kinh, phải không? Nhưng mà nó cũng là phóng tâm rồi. Bây giờ mình khởi ra một cái niệm, cái câu Pháp Phật dạy thôi, lời Phật dạy thôi, bây giờ nó khởi ra cái câu như thế này, câu Kinh Pháp Cú như thế này: "Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý." Mình nói ủa, như thế nào là Tự tịnh kỳ ý? Mình tư duy câu đó thì bị dính phóng dật liền.

Nó khởi ra cái niệm "Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành", thì nó mới là phóng tâm thôi. Bây giờ minh mới tư duy, thì nó là phóng dật.

Sư Phước Nhẫn: Sao nãy Thầy nói suy nghiệm được?

Trưởng lão: Bây giờ Thầy mới giải thích cho nghe, để thấy. Đây là một cái, cái Phật pháp rồi, cái pháp rồi, do đó mình mới suy ngẫm nó.

Đây là đưa ra cái này để cho mình tìm hiểu cái chỗ này, trên hành động tu của mình trong ngăn ác - diệt ác phải không? Cho nên nó đưa ra câu này để cho mình suy tư, để biết nó. Do đó mình suy tư nó, mình thấy đây là Thiện pháp, đúng Thiện pháp, phải hiểu nó, hiểu nó cách thức như thế nào để mà thực hiện ngăn ác - diệt ác, phải không?

Rõ ràng là phóng tâm, phóng dật rõ ràng đó, nhưng nó ở trên cái pháp Thiện. Còn bây giờ nó phóng tâm ở trên các pháp Ác, dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu là pháp Ác. Do nó là pháp Ác, mình cũng quán xét nó, mình cũng tư duy vậy, phải không? Mình tư duy nó rồi bắt đầu diệt nó. Còn cái này tư duy nó để rút tỉa kinh nghiệm.

(17:36) Sư Phước Nhẫn: Như vậy là được, không có phóng dật?

Trưởng lão: Được, đâu có sao. Không có phóng dật. Còn bây giờ nó phóng dật: nó nhớ nhà mình, nó nhớ chưa tới ăn mà nó đói bụng, mà mình thấy nó cứ cồn cào, nó muốn ăn thì như vậy mình bị phóng dật. Thì cái này phải quán xét, đoạn dứt nó liền.

Sư Phước Nhẫn: Phóng dật ác thì nó mất độc cư. Còn phóng dật thiện thì không sao?

Trưởng lão: Không sao hết. Phóng dật thiện, nếu nói về Chánh pháp nó giúp mình kinh nghiệm thêm để rút tỉa cái sự tu, mà về Thiện pháp nó giúp mình tăng trưởng cái Tâm thanh thản. Đừng ức chế nó, chứ không khéo mình ức chế luôn cả Thiện cả Ác, thì coi như là mình dồn nén nó tới chỗ đường cùng thì nó bật. Nó chịu không nổi đâu.

Sư Phước Nhẫn: Cái chỗ dồn nén con định hỏi Thầy. Hôm rày con bị chiêm bao nhiều lắm, nó cứ lai rai, lai rai. Khi mình nhớ mình chiêm bao thì mình biết, mà không nhớ. Con muốn hỏi Thầy làm cách nào cho hết chiêm bao? Cũng như mình ngăn chỗ mà nó xì ra cho nó hết chiêm bao. (18:36)

Trưởng lão: Hồi nãy là nói cái chỗ Thiện là cái chỗ xì. Còn để cho đi qua cái Tưởng chiêm bao thì không tốt. Vì vậy trước khi ngủ mình hướng tâm, mình nhắc: "Tối nay ngủ không được chiêm bao". Phải nhắc nó trước, rồi mình ngủ sẽ không chiêm bao. Chứ không nó chiêm bao. Phải tác ý như vậy để dẫn cái tâm không chiêm bao. Đó là cách thức mình phá chiêm bao. Nhưng mình phải cho cái ngõ nó đi, ngõ đi là chỗ Thiện, đừng có buộc nó, đừng có phóng tâm, phóng dật nha, chỗ này không có được. Mình kẹt hết thì mình chết. Bởi đức Phật nói: "Ngăn ác, diệt ác, sanh thiện, tăng trưởng thiện". Phải rõ chỗ này, chứ không khéo mình ngăn luôn cả thiện thì mình ức chế nó toàn bộ, coi chừng nó bật tầm bậy.

Sư Phước Nhẫn: Ban ngày mình cứ phóng dật thiện thoải mái.

Trưởng lão: Không có sao hết, nhưng mà tới chừng nó hết là nó hết, cả thiện lẫn ác đều hết à. Còn mình ức chế …​

Sư Phước Nhẫn: Con sợ phạm độc cư, nên không dám

(19:36) Trưởng lão: Bởi vậy Thầy nói nếu mà không có Thầy, coi như lầm một chút xíu là mình bị ức chế tâm. Lúc này là lúc quý sư đang tu ở trong Ác pháp, "Diệt ác pháp, ngăn ác pháp", còn "Sanh thiện, Tăng trưởng thiện" chứ không phải sống trong cái chỗ Định đâu. Khi nào tới Định rồi mới tới chỗ khác chứ. Chỗ này là chỗ mình ức chế quá đâu được. Cả thiện lẫn ác không cho nó có đường đi chỗ nào hết thì nó bực tức nó bùng ra …​

5- CÁC GIAI ĐOẠN ĐỘC CƯ

Sư Phước Nhẫn: Nghe nói không phóng dật là mất độc cư …​

Trưởng lão: Bởi vậy độc cư, đừng có nghĩ, giai đoạn độc cư có nhiều giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất mình phải độc cư như thế nào? Mình không có tiếp duyên nói chuyện phiếm. Chuyện Phật pháp nói được đó, chuyện phiếm không được. Mình đừng có bỏ công việc quét sân, hoặc này kia, "Tôi độc cư tôi không có phóng dật theo chuyện này được", không, chưa, tới giai đoạn này chưa phải. Tôi còn làm công việc để cho nó bớt cô đơn, chứ không khéo nó cô đơn quá tôi chịu không nổi, nó bung tôi à. Ức chế quá chịu không nổi, nó phá độc cư liền. Cho nên phải biết khéo léo từng chút, từng chút.

Thầy nhắc nhở như vậy, phải nhớ kỹ những điều tu này. Chúng ta không phải Thánh ở trên Trời mà rớt xuống đây đâu, mà là phàm phu, cho nên phải tập, tập nó mới được. Chứ còn muốn làm Thánh ngay liền không được đâu. Tập dần nó giảm dần, giảm dần…​

(21:00) Sư Phước Nhẫn: Hổm rày do người ta hiểu lầm mấy danh từ đó nên hành pháp nó trật lất, cho nên nó nhiều cái kỳ. Con xin hỏi Thầy mình đọc sách, đọc nhiều có bị gom tâm không Thầy?

Trưởng lão: Mình đọc nhiều nó bị loạn tâm chứ, nó phân tâm mình nhiều lắm. Bởi khi mình đọc, thì cái tâm của mình nó lìa cái thực hành tu, nó chỉ gom vào cái hiểu biết, nó làm cho cái ý của mình theo cái nghĩa lý coi như độc thoại. Mình tự nói chuyện với mình, là đọc sách đó, cho nên nó làm cho mình bớt cô đơn, tức là mất độc cư. Cho nên mới đầu mình đọc để mình hiểu, mình nắm cho vững được cái lý. Rồi bắt đầu bây giờ mình hiểu rồi, mình bỏ hết kinh sách. Cái băng này cũng vậy, mình nghe để mình hiểu rồi, chứ không phải nghe đi nghe lại, nó thành một cái thói quen là mình cứ đọc. Mà không đọc thì mình thấy sao nó buồn, mà đọc thấy nó thoải mái. Cho nên Thầy nói thực sự ra có từng giai đoạn một, đầu tiên thì mình đọc, mình nghe, hiểu hết rồi thì bắt đầu dẹp, dẹp để tu, tu để độc cư cho trọn vẹn. Lần lượt sự độc cư đó phải độc cư như thế nào, thế nào, lần lượt…​

Bời vì cái giáo trình đường lối tu tập, Thầy không có thì giờ Thầy vạch ra từng chút, từng chút để mà hướng dẫn kỹ lưỡng trong cái vấn đề này. Cho nên tu thì hỏi Thầy, Thầy trả lời, chứ còn Thầy chưa có viết. Lẽ ra Thầy phải soạn cái này, nhưng mà chưa có thì giờ kịp để làm tất cả cái này được.

Cho nên bây giờ cố gắng mình độc cư từng phần, từng phần. Chứ đừng có vội độc cư một cái rột, không được đâu, nó ức chế. Coi vậy chứ độc cư ức chế tâm dữ lắm. Bây giờ thầy không ngồi thiền, không tu thiền gì hết mà chỉ khép mình trong khuôn viên này là thầy đã độc cư, nó ức chế thầy ghê gớm lắm chứ không phải thường đâu. Nó chịu không nổi, nghĩa là thầy khép cái cửa này lại, không cho đi ra, tự giam mình là thầy đã ức chế thầy kinh lắm đó. Nó sẽ tìm mọi cách, cái đầu của thầy nó tìm mọi cách nó phá…​ Mà cái thân của thầy nó cũng tìm mọi cách nó phá, cái thân nó phá cách nào? Cái đầu thì nó lý luận, nó lý luận, nó phá không được. Cái thân bắt đầu nó phá, cái thân nó phá, nó đau, nó đau phải đi ra, không đi ra ở đây nhức khổ sở. Nó phá độc cư, nó đi ra cho thoải mái "Trời ơi, ngồi không kiểu này bệnh chết còn gì". Mà thực sự nó đau cái này, nó nhức cái kia, đủ thứ hết, nó hiện ra những tướng đau của nó. Nó phá độc cư.

Cái thân phá độc cư là nó đau, cái Thọ. Còn cái tâm phá độc cư, nó lăng xăng, nó lý luận đủ thứ hết, đó cái tâm nó phá. Cho nên "độc cư là một cái bí quyết thành công của sự tu Thiền Định". Thầy nói Thầy không cần ngồi Thiền gì hết, chỉ cần Thầy khép chặt độc cư, bây giờ chết Thầy nằm đây, nhất định đau gì thì đau, chết bỏ. Nó không chết đâu, Nhân Quả! Thầy đã có niềm tin ở Nhân Quả. Nhân Quả nó hết, là bây giờ Thầy muốn sống cũng không được. Còn Nhân Quả còn thì đau gì nó vẫn sống, nó không chết đâu. Nhất định là nó muốn đau gì thì đau, Thầy không mở cửa đâu.

(24:14) Cho nên Thầy thường nhắc với các Sư là trong chiến tranh, bom đạn nó bắn như vậy mà Thầy độc cư nhất định không rời Thất, Thầy ngồi sừng sững, không thèm nằm nữa. Nhưng mà cái uy lực của Nhân Quả nó không tới, nó không đến với mình thì không có súng đạn nào bắn trúng mình hết. Nó thật sự như vậy. Còn nếu mà bây giờ Thầy nói tới rồi, nhân Quả nó hết rồi, không có súng đạn nó cũng chết. Chưa à, chưa hết cái Nhân Quả chứ còn nó tới rồi thì không ai cứu được. Bởi vì nó là cái thân Nhân Quả mà, tới cái giờ của nó rồi thì không ai mà cản được…​

Cho nên chúng ta tu hành chúng ta đừng sợ, chết bỏ, nhứt định đau nhức chết bỏ: "Tâm bất động", không có sợ. Nghĩa là coi một lần mình chết thì mình mới sống. Còn mình sợ chết, mình độc cư là bị cái thân nó phá độc cư, nó đau, nó làm thế này, thế khác. Chết bỏ, nằm đây, có chết thì chết, không đi đâu. Thì nó hoảng, nó rút lui, nó rút lui nó mạnh, nó khỏe. Lúc bấy giờ nó thanh tịnh, cái thân nó nhẹ nhàng, an ổn lắm. Còn hồi nó đánh mình, trời, cái thân cũng như cục đá, nó nặng cũng như hòn núi, nó nhức nhối, khổ sở. Khổ lắm.

Mình tu là cả cái cuộc chiến tranh mà, cái cuộc chiến đấu của mình dữ tợn lắm. Bởi vậy đức Phật mới nói: "Thắng trăm trận không bằng thắng tâm mình". Chiến thắng dữ lắm.

(25:51) Sư Phước Nhẫn : Cái phần đọc sách thưa Thầy, có phải là nguyên nhân của tạp niệm không…​ Thưa Thầy?

Trưởng lão: Tạp niệm đó con.

Sư Phước Nhẫn: Con thấy đọc sách nó bung ra tùm lum hết, kìm không nổi.

Trưởng lão: Tạp niệm đó, cho nên mình tìm hiểu được những cái nghĩa lý. Bởi vậy Thầy nói, Thầy nói thực sự trên bước đường tu hành chỉ cần một Thiện Hữu Trí Thức, người đó đã tu xong rồi, họ dạy mình cách nào mình tu cách đấy thôi. Họ dạy từng pháp cho mình tu, thì mình cứ tu, đừng có tìm hiểu. Mình hiểu rồi "Trời ơi nó tùm lùm cái đầu", ngồi tu Pháp này, nó hiện Pháp khác, nó luận cái này, nó luận cái kia, nó tưởng ra, trời ơi đủ thứ. Nó nghĩ ra cách tu nữa, nó làm như nó là Thần Thánh hay sao.

Sư Phước Nhẫn: Mấy lúc trước con có kinh nghiệm coi như bỏ hết, giờ chỉ sống với pháp Hướng thôi…​ Cái đầu tiên nó vẫn còn nghi, nghi kiết sử mà. Cái con nhớ đọc sách, đọc sách thế nào cũng bị tạp niệm, thôi giờ bỏ hết. Cái tự nhiên cái bước số tám tới, bước số tám tới cái mê quá làm miết một ngày, một đêm cái đọc, buông ra miết cái một ngày một đêm cái tạp niệm nó tới…​(TL: Nó tới liền đó) Tại con không có kinh nghiệm nên con không biết cái niệm này phải nó ra không?

(27:05) Trưởng lão: Nó đó. Đó, (27:11) khi mà nắm được, bây giờ tin vào cái Pháp Như Lý Tác Ý, Pháp Hướng phải không. Cái thứ hai là sống trong mấy cái Định này, mình chấp nhận rồi, bây giờ đời sống độc cư hoàn toàn, ôm Pháp, theo Pháp sống. Độc cư hoàn toàn, không nghe nữa, bởi vì nghe là động tâm. Nhất là cái tâm mình nó thanh tịnh rồi, mà hễ nó rót vào cái gì thì Trời ơi nó bung ra dữ tợn, nó ùn ùn nó ra. Cái này tới cái khác. Ví dụ như Thầy nói Đại thừa như thế này thế khác, Thầy lật ngửa nó ra hết. Bắt đầu, nó đúng cái tâm trạng của mình, bắt đầu nó khởi ra, nó theo đó nó tuôn ra. Được cái dòng của nó, nó tuôn ra. Phải không sư?

Sư Phước Nhẫn: Có Phật tử nói Thầy nói thẳng quá. Có nhiều người họ lên họ kể rằng gặp Thầy, sao Thầy nói Đại thừa thẳng quá, như vậy không nên. Như Sư trình bày với con ngày hôm qua. Con về con nghĩ như thế này:

Con nói thí dụ như mình có ba đứa con, một đứa con nó đi chơi với người kia, đứa kia đạo đức giả, đứa con mình không biết cứ chơi với nó hoài. Mình làm cha mẹ bắt buộc mình phải nói với nó chứ. Chứ mình vì lịch sự, vì này kia mình nói đừng có chơi, mình không vạch trần cái đạo đức giả của người kia cho con mình hay sao? Người Phật tử đến đây Thầy nói như vậy là Thầy vạch trần như vậy mới đúng chứ, sao lại trật. Mình nhìn với con mắt đạo đức, chứ không với con mắt ngoài đời thì thôi người ta hư, người ta xấu, kệ người ta, mình đừng có nói. Như vậy thì nó không tốt, bởi vì không có tình thương. Còn Thầy nói với tình thương, đó là một điểm.

Điểm thứ nhì nữa, thí dụ như cái pháp này nó trúng hay nó trật…​. Bởi vì đức Phật ngày xưa mỗi buổi sáng tiếp chuyện Bà La Môn, đức Phật bác thẳng mà, bác thẳng mấy người đó luôn, chứ đâu phải không bác thẳng. Họ đến họ vấn nạn Phật, họ đến họ gặp Phật, họ nói xấu Phật thẳng luôn, thì Phật vẫn nói, bác thẳng luôn. Thời bây giờ có ai gặp Thầy đối chất đâu mà Thầy nói thẳng. Hồi xưa chính đức Phật đã bác thẳng Bà La Môn, thì bây giờ mình bác thẳng Đại Thừa thì đâu có tội, mình đi con đường Phật đi thôi. Mình nói, bác thẳng để cho họ biết cái sai, cái trật để họ hoán cải. Chứ không phải mình bác thẳng Đại Thừa nói trật để mình làm Giáo chủ. Mình bác đúng mà. Họ không có nghĩ cái vấn đề tâm của Thầy như vậy, họ nghĩ như ngoài đời, quảng cáo xà bông của tôi là nhất thế giới nhưng không có quyền nói xà bông A, xà bông B là xấu. Chỉ có quyền nói xà bông của tôi là nhất thôi, đó là vấn đề quảng cáo. Về mặt Đạo cũng như mặt đời vậy, khó lắm…​ Mình đừng có nói xấu người ta, mình chỉ nói xấu mình thôi, thì đó là đời. Về Đạo thì sao mình cũng không biết, không thể nói như vậy được, cũng như con mình nó đi chơi với người xấu thì mình nói: "Ờ đừng chơi với nó nghe con", nói vậy nó đâu có biết. Mình biết mình nói nó ăn cắp, ăn trộm, tại chỗ đó, chỗ đó làm sao, nó lừa gạt như vậy…​ Mình biết mình mới chỉ được ra. Mình đâu có nói xấu người ta, mình nói như vậy để con mình nó khỏi chơi. Mình không nói thẳng thì nó không tin mình. Cũng khó chớ!

(30:44) Trưởng lão: Bây giờ Thầy nói như thế này, bây giờ không nói thẳng, nếu mà Thầy nói như thế này: Thầy chỉ trích Hòa thượng này, Hòa thượng kia tu sai, thì đó là bậy. Mà đây là cái giáo pháp này sai, làm tai hại cho Hòa thượng này, Hòa thượng kia. Thầy Tổ của mình, tất cả những con người đi trên con đường này sẽ không đạt được, chết trong sự khổ đau, Thầy vạch rõ như vậy. Có nghĩa là để thức tỉnh cho những vị Hòa thượng đồng thấy cái chỗ sai đó, chứ không có nghĩa là nói Hòa thượng này sai, Hòa thượng kia tu bậy. Không có, lật ngửa cái Pháp này nó dạy như vậy, vậy, vậy, nó phi đạo đức cách này, làm như vậy để mọi người đều thấy. Trong khi đó họ nghĩ rằng Thầy bài bác họ sao? Thầy đâu có bài bác họ đâu. Tại cái Pháp nó sai, nó không đúng của Phật, có vậy thôi.

Sư Phước Nhẫn: Họ chỉ là nạn nhân thôi.

Trưởng lão: Chỉ là nạn nhân thôi. Không những đời mình hiện tại mà con cháu mình sau này nữa, nhiều thế hệ. Trước kia Thầy Tổ của mình, bây giờ tới mình, rồi bây giờ tới người sau nữa. Ai lại không hướng về con đường của đạo Phật, mà hướng về con đường của đạo Phật mà nó sai như thế này thì chết biết bao nhiêu người. Cái đời của mình, bây giờ ở đây có bốn người của mình đang ngồi đây, mà mình đi tu mình biết tìm con đường giải thoát chứ đi tu để tìm ăn, tìm ngủ hay tìm chùa to, Phật lớn làm chi nữa đây? Cuộc đời, mình không đủ khả năng làm những điều đó, mình sống sao mà bây giờ mình vô trong đó để ngồi mát ăn bát vàng này, bằng cách đi xin như thế này, bằng của người ta cho mình như thế này. Không phải hèn hạ sao? Mình phải đi đến đây để tìm con đường giải thoát, làm cái gương đạo đức, chứ đâu phải mình lòe có thần thông, biết chuyện quá khứ để gạt người ta như thế này sao? Hoặc là mình thuyết giảng bằng lý luận của mình, ngôn ngữ của mình làm như là hay giỏi như vậy sao? Mình đâu có điều kiện đó đâu, cho nên những lời Thầy nói, Thầy không làm một người lừa đảo có sách vở.

Còn quý thầy hiện bây giờ lừa đảo có sách vở, làm cho người ta, bưng bít người ta không biết, khổ cái nỗi đó. Bởi vì cái nói láo có sách vở nó khó lắm. Cũng như quý thầy tu không được, mà cứ nói láo không à. Bảo người ta phải tu như vậy, vậy…​ Mà mình làm không được. Phải chi mình làm được mình rồi mình nói thì người ta tin, còn đằng này làm không được. Rõ ràng kinh sách Đại thừa dạy người ta làm không được rồi, mà rồi cứ dạy người ta. Bảo là y kinh bất y nhân, y kinh chứ đừng y cái người nói. Ông nói, ông bảo tôi, ông tu không được ông lại bảo y nó. Ông đã y nó không được mà bây giờ tôi y nó được sao?

(33:35) Sư Phước Nhẫn: Có mấy ông thiền sư trong cuốn: "Những Đại Thiền sư đương thời", có mấy ông thiền sư hút thuốc. Thiền sư mà hút thuốc. Tác giả cũng nói rõ ràng là thiền sư không hút thuốc, con đọc cuốn đó con giật mình; thiền sư mà hút thuốc! Ổng kêu đệ tử đừng có dòm ông, y nghĩa bất y nhân, sao kỳ vậy, cái đó là phạm giới rõ ràng rồi. Bây giờ nói trong Kinh, đức Phật không có cấm hút thuốc, thì đúng, vậy hút sì ke luôn đi, đâu có sao. Đâu có được, như vậy là sai rồi mà nói vậy…​

Trưởng lão: Nó trở thành thứ bệnh ghiền, mà cái ghiền là nó đã bị nhiễm, cho nên vì vậy người mà uống rượu, người mà hút thuốc là ghiền rõ ràng, ông bỏ không có được, vậy ông làm chủ cái gì? Nội cái điếu thuốc mà ông ném không được thì ông làm chủ cái gì sự sống chết của ông! Mà ông là thiền sư, thiền sư gì mà kỳ vậy. Thầy không chịu mấy cái đó! Bởi có nhiều ông Hòa thượng chứng trai rồi mà còn cầm điếu thuốc nữa, trời đất ơi, còn chỗ nào, mà trước Phật tử như vậy.

Sư Phước Nhẫn: Bởi vậy, Thầy nói cái đó nó quá lắm rồi. Vì người đời còn không hút thuốc nữa là.

Trưởng lão: Cái người biết thuốc là tai hại người ta không hút, người ta bỏ. Còn mình là người tu sĩ mà còn nghiện thêm cái nữa. Cái đó đâu có cần thiết mà nghiện. Thì nó nguy hiểm lắm. Bởi vậy, những cái đó coi như là mình thấy, khi mà tu rồi, mình thấy những vị tu sĩ, những cư sĩ, nhất là tu sĩ là coi như những đứa con của mình. Nó đã sai, nói thẳng cho nó thấy, thế mà họ không hiểu, họ lại muốn chống lại Thầy, thế mới chết, khổ cái nỗi.

6- PHÁP HƯỚNG

Sư Phước Nhẫn: Về cái pháp Hướng, con muốn hỏi Thầy, liên quan đến vấn đề Tỉnh Thức: Tỉnh Thức khác với Thanh Tịnh mình tu làm sao để biết mà hỏi về pháp Hướng. Con mới xuất gia có một tháng hai mươi ngày thôi, thấy người ta ngồi năm sáu năm, hai ba năm…​ Mà mình ngồi một tiếng đồng hồ là oải rồi, mà họ mỗi lần ngồi đến ba tiếng rồi đứng lên tỉnh bơ!…​Cái căn cơ họ lớn..(không rõ)

(36:40) Trưởng lão: Không, thân nghiệp mình chưa Thanh Tịnh, nhưng mình hướng tâm, đó là mình hướng cái tưởng của mình, nó hiện cái tướng Tưởng ra…​ nó làm cho mình sợ…​

Sư Phước Nhẫn: Mấy ông tà giáo…​

Trưởng lão: Đó, cái đó đó, bởi vậy bên tà pháp, tà giáo ngoại đạo nó cũng vẫn dùng pháp hướng đó chứ, chớ đâu phải nó không. Bởi vì nó luyện thần thông, toàn pháp hướng không à, nó muốn có cái gì đó nó cũng hướng tâm.

Sư Phước Nhẫn: Bữa hổm con ham quá, con cũng định vô cái đó làm thần thông, cái đầu nó tác ý: “Gom tâm, gom tâm vô, pháp Hướng gom tâm vô…​”

Trưởng lão: Cái đó pháp Hướng, mà lại pháp Hướng không biết sử dụng nó đúng ý thức. Bởi vì đức Phật nói đừng có để cho nó rơi vào Tưởng thức, bởi vì cái Tưởng thức với Ý thức, hai cái nó kềm nhau, nó câu hữu kế nhau. Hễ cái này nó dừng thì cái Tưởng thức nó hoạt động liền. Cho nên nó dừng, có cái mình thấy mình vẫn biết chớ. Mình ngồi đây không vọng tưởng rõ ràng mà, nhưng không ngờ là Tưởng thức.

Còn cái Ý thức của mình không bao giờ mà nó chịu ngưng hoạt động nó đâu, nó phải hoạt động, nó phải tác ý ra. Cho nên muốn tác ý ra, thì Như Lý Tác Ý để cho nó đi vào đúng Chánh pháp, không thì nó tác ý bậy, tác ý tà pháp, nó tác ý ác pháp đó.

Do đó mình cứ giữ Ý thức của mình, tức là Tỉnh thức trong Ý thức, chứ không được Tỉnh thức ở trong Tưởng thức. Mà Tỉnh thức ở trong Tưởng thức Thầy gọi là Tĩnh Lặng. Hai danh từ Thầy dùng, Tỉnh Thức và Tĩnh Lặng chứ gì? Hễ khi mà nó kéo dài, nó không vọng tưởng mà nghe nó có trạng thái hỷ lạc an ổn đó, khinh an đó, là chúng ta bị Tĩnh Lặng rồi, nó lặng nó yên ổn rồi. Còn cái Tỉnh Thức nó không có, nó Tỉnh Thức nó biết rất rõ vậy, rồi nó tác ý ra, nó hướng ra, cái khoảng thời gian cao lắm là nó chỉ là năm phút thôi, chứ còn nó không hơn, nếu mà nó hơn thì nó rơi vô Tĩnh Lặng. Chỉ một phút trở lại thì tốt nhất, còn năm hơi thở, mười hơi thở thì hay nhứt. Cái đó là cái tu của mình, mình đang tu chứ không phải là mình nhập định.

Sư Phước Nhẫn: Định thì nó yên.

Trưởng lão: Định thì cả thân và tâm nó định như vậy…​, còn nó định cái phần tâm thì nó chỉ ly dục ly ác pháp thôi.

Sư Phước Nhẫn: Bây giờ con mới để ý Pháp Hướng nó mạnh thật.

Trưởng lão: Nó mạnh lắm.

Sư Phước Nhẫn: Bởi vì mình muốn ngồi lâu thì phải qua giai đoạn đau, hết đau rồi mới luyện xuyên thấu, tùm lum nó mới ngồi lâu được. Cũng như mấy ông dạy luyện xuyên thấu để nó qua cái giai đoạn đau, còn cái này sao nó không có đau, nó tỉnh bơ như mình ngồi chơi vậy.

Trưởng lão: Cái Pháp Hướng nó điều khiển cái Tưởng thức hiệu quả lắm.

Sư Phước Nhẫn: Dạ, ngồi mà không có sao hết trơn hết trọi.

Trưởng lão: Nó không điều khiển được cái tâm mình đâu mà nó điểu khiển Tưởng, vì lúc bấy giờ cái ý của mình muốn là cái Tưởng của mình rồi đó. Cho nên mình ra lệnh là Tưởng nó hoạt động…​

Sư Phước Nhẫn: Hồi đó mình đâu có biết, con đâu có biết cái đó là tác ý đâu, mình ngầm mình tác ý trước mà mình đâu có biết: “Tối rồi sáng ra ngồi ba tiếng, chiều ngồi ba tiếng”.

Trưởng lão: Bởi vậy Thầy nói hơi thở, mà bảo nó tịnh chỉ là nó tịnh chỉ à, mà đó là Ý thức tịnh chỉ, chứ không phải Tưởng đâu.

Còn Tưởng nó cũng ngưng đó, nó ngưng mà nó thở bằng lỗ chân lông, nó thở bằng chỗ khác, nó không như Phật, không thở. Mà mình thấy nó ngưng, cái người ngồi thấy nó không thở, nhưng mà Tưởng nó ngưng.

Sư Phước Nhẫn: Nó thở bằng lỗ chân lông?

Trưởng lão: Thở bằng lỗ chân lông.

7- TỈNH THỨC VÀ THANH TỊNH

(40:01) Sư Phước Nhẫn: Tỉnh thức với Thanh Tịnh khác nhau?

Trưởng lão: Cái Tỉnh Thức, Thanh Tịnh nó khác, khác nhau. Cái Tỉnh Thức là cái Ý thức tỉnh thôi, còn cái Thanh Tịnh là cái tâm nó không còn tham, sân, si. Còn mình Tỉnh Thức chưa phải là hết tham, sân, si. Mà nếu đi tới Tĩnh Lặng thì bị nén, bị ức chế.

Sư Phước Nhẫn: Con hỏi chút này, mình dùng pháp Hướng đó, lúc mà mình Thanh Tịnh, như vậy nó hướng được. Lúc đó mình còn tham, sân, si mình không…​

Trưởng lão: Nó mới Tỉnh Thức, chứ còn tham, sân, si. Bây giờ mình mới Tỉnh Thức thôi, chừng năm phút hay là ba phút, hay là một phút mới Tỉnh Thức chứ chưa Thanh Tịnh đâu. Mình thấy tâm mình nó Thanh Tịnh chứ sự thật nó chưa Thanh Tịnh đâu, nó ở trong này, bởi vì mình xả ra mình thấy nó tùm lum hết à, nó đủ thứ hết à, nó chưa Thanh Tịnh. Bởi vì mình ức chế nó, nó nằm đó nó coi như nó chịu đựng, nó nằm đó chứ nó, với không có pháp, không có đối tượng nó không có bộc phát ra thôi.

Chớ thật sự trong tâm mình hiện bây giờ tham, sân, si nó trong này đủ hết à, nó nằm một cục ở trong này nè. Mà nó không có pháp, nó không có đối tượng nó không có bung ra thôi. Chứ nó có cái nó bung ra, cái sân nó liền à, cho nên nó nằm đó.

Sư Phước Nhẫn: Bây giờ nó chưa có Thanh Tịnh thì mình xài pháp Hướng được không ạ?

Trưởng lão: Chưa. Bởi vậy mình sử dụng Tỉnh Thức để mà sử dụng pháp Hướng, chứ chưa Thanh Tịnh đâu. Bởi vì khi mà nó chưa Thanh Tịnh, mình mới dùng pháp Hướng để cho nó Thanh Tịnh, phải không? Cái tâm Thanh Tịnh là cái tâm không tham, sân, si, cái tâm không phóng dật mà bây giờ nó chưa, cho nên mình tu tập Tỉnh Thức.

Tỉnh Thức, cái trạng thái Tỉnh Thức trong cái khoảng thời gian một phút cho đến năm phút, để rồi mình dùng pháp Hướng mình làm cho cái tâm Thanh Tịnh, kêu là quét cho sạch đó.

Cũng như bây giờ Thầy muốn quét cái nhà này, Thầy đóng cửa lại trong năm phút Thầy quét cho sạch, Thầy làm vệ sinh cho hết rồi bắt đầu Thầy mở cửa ra nhà sạch, chứ còn mở cửa ra bụi ở ngoài cứ tung vô quét hoài không có được. Nó có nghĩa như vậy đó, cho nên Tỉnh Thức có nghĩa là đóng cửa lại, làm cho nó, chứ sự thật ra cái tâm chưa thanh tịnh, tỉnh thức chưa có thanh tịnh, phải không?

Bây giờ đó, mình mới quét, quét coi thử, quét cho sạch, quét sạch rồi cái mở cửa ra; mà không sạch mà mở cửa ra thì nó tung trở lại. Vốn là mình độc cư, là đóng cửa lại rồi đó. Tập Tỉnh Thức là tập để cho mình đóng cửa lại đó. Đóng cái cửa tâm để mà quét cái tâm cho sạch ba cái cặn bã nó nằm ở trong đó, tham, sân, si của nó nhiều đời ở trong đó đó, giờ nó nằm trong đó. Cái mới nó không có tung vô được, mà cái cũ nó còn nằm ở đó nó chưa có quét ra. Cho nên nói tâm Thanh Tịnh với Tỉnh Thức nó không giống nhau.

8- TRẠNG THÁI XẢ

(42:39) Sư Phước Nhẫn: Về cái Xả con thấy có hai nghĩa: Một là Xả có nghĩa là quân bình trở lại, cũng có người nói Xả là bỏ. Con xin Thầy định nghĩa cho con chữ Xả.

Trưởng lão: Cái Xả đầu tiên là mình tập quân bình trở lại, xả là tập quân bình trở lại. Xả thứ hai là bỏ sạch đi.

Sư Phước Nhẫn: Có lúc Thầy nói Xả, xả kiểu này, có lúc xả kiểu kia, con tưởng là chết, theo không kịp chứ …​

Trưởng lão: Hiểu lầm đó, bởi vậy cho nên cái Xả, ví dụ như đức Phật nói "Xả hỷ" là quân bình trở lại cho cái thân của mình, nhưng mà "Xả lạc, xả khổ”. Bây giờ tới "Xả lạc" cũng là quân bình trở lại cho cái thân của mình.

"Xả hỷ" thuộc về quân bình cho cái tâm, mà “Xả lạc” tức là quân bình cho cái thân, phải không? Mà "Xả khổ" tức là bây giờ mới bỏ ra hết, ném hết cái thọ ra. Tới cái "Xả thanh tịnh" để hoàn toàn mất đối tượng luôn, của ý thức, cho nên cái thức của chúng ta còn nhưng mà không có đối tượng coi như là không thấy nữa.

Đó là cái chỗ Xả, phải lên Tam Thiền chúng ta mới xả à. Ly Hỷ là xả, xả Hỷ đó, là quân bình cái tâm của mình để trạng thái nó hỷ lạc này kia đủ thứ, nó do Định sanh. Bởi vì có hai cải hỷ lạc, chúng ta thấy rất rõ.

Cái hỷ lạc đầu tiên là do “Ly dục sanh hỷ lạc” của Sơ Thiền, nó khác.

Còn cái hỷ lạc diệt tầm tứ, mà “Định sanh hỷ lạc”, cái này là do Định sanh.

Khi mà cái người dừng Ý thức rồi thì cái trạng thái hỷ lạc này do Dục tưởng Hỷ Lạc, cái Tưởng Hỷ Lạc nó sanh ra. Còn cái này do Ly dục sanh, chứ không phải Dục tưởng. Còn cái này Dục tưởng sanh. Cho nên đến Tam Thiền thì phải ly cái này ra, cái Dục tưởng, cái trạng thái hy lạc của Nhị Thiền này, phải ly nó ra hết.

(44:36) Lên Tam Thiền xả luôn cái lạc của nó luôn. Cái lạc của Tam Thiền là cái lạc của thân, của Tứ Thiền, cái xả lạc của thân.

Cho nên xả luôn cái thọ, tức là xả khổ luôn hết. Do đó tất cả cái này xả hết rồi, thì xả Niệm Thanh Tịnh luôn, thì như vậy mới xả cái này. Muốn xả được, mà “xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh” này, thì chỉ có tịnh chỉ hơi thở là xong. Hơi thở dừng là xả, còn hơi thở không dừng là không xả. Nói xả mà hơi thở không dừng là không xả.

Cho nên khi nhập Tứ Thiền chúng ta chỉ cần hướng tâm "Hơi thở phải tịnh chỉ, ngưng, nhập Tứ Thiền". Cứ ngồi yên lặng, một lúc nhắc, hướng tâm nhắc, nhắc một hơi nó ngưng. Nó ngưng thì nó xả ly, nó xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh hết.

Sư Phước Nhẫn: Thưa Thầy chừng đó mình muốn ngồi…​

Trưởng lão: Mình muốn ngồi, trước khi mình muốn…​ Thấy nó ngưng được. Bắt đầu hơi thở nó ngưng, ngưng từng phút, nó ngưng một phút, rồi bắt đầu nó thở lại. Mình ra lệnh nó ngưng nữa, nó ngưng hai phút rồi nó thở lại. Thì lúc bây giờ mình biết hơi thở sắp sửa là nó sẽ ngưng được rồi. Hướng tâm hiệu quả rồi, hiệu quả rồi thì mình bắt đầu mình ra lệnh "Hơi thở phải tịnh chỉ, ngưng, ngưng một tiếng đồng hồ rồi thở trở lại". Bắt đầu nó theo đó nó ngưng một tiếng đồng hồ, rồi nó thở trở lại. À như vậy là mình điều khiển được nó rồi. Bắt đầu mình bảo nó hai tiếng, ba tiếng, một ngày, hai ngày, rồi bảy ngày.

Nó ngồi nó ngưng bảy ngày luôn, nó ngồi bất động không có ăn uống gì hết. Bắt đầu mình thấy mình làm chủ được cái thân rồi. Rõ ràng là chỉ có Pháp Hướng thôi, chứ không ai làm được điều này, chỉ Pháp Hướng thôi. Bởi vậy đức Phật nói đơn giản mấy cái thiền này: ly hỷ nè, diệt tầm tứ nè, nhập Nhị Thiền nè.

(46:26) Bây giờ mình ngồi, mình đừng tác ý ra đâu có phải dễ đâu. Vọng tưởng đó, thì bắt đầu mình ức chế thì nó không có, chứ mà tác ý nó vẫn còn. Mà diệt tầm tứ là không còn tác ý. Cho nên nó chỉ nói diệt thôi, mà nó đã tới Định, phải hướng tâm giờ nào, phút nào nó ra, chứ không khéo nó vô đó bảy tám ngày nó không ra, người ta nói mình chết luôn, người ta chôn mình đó. Mình không tác ý ra, người ta khiêng mình, mình biết đó chứ mà nói không được. Không tác ý ra đâu có nói được.

Biết người ta khiêng mình đem chôn chứ, biết nó đem mình bỏ trong phản đóng lại chứ, mà rồi nói không có được, không có tác ý ra. Rồi họ đem lấp mình dưới đất, biết đó chứ mà nói không có được. Biết, thấy người ta làm, biết hết à, nhưng mà không có nói, tác ý ra không được, không có nói được. Mình tác ý ra mình mới nói được.

Cho nên mà muốn vô Định mình phải hướng tâm mình ra lệnh trước, rồi mình mới vô. Chứ không phải cứ ngồi là nó vô Định, muốn xuất hồi nào thì xuất. Không phải, không có chuyện đó đâu. Mình tưởng nói thường vậy chứ không phải chuyện dễ, không có đơn giản đâu.

Thầy nói khi mà sắp sửa nhập Định là luôn luôn lúc nào cũng phải ở gần bên Thầy. Bây giờ "Ly dục, ly ác pháp" thì ở đâu ly cũng được. Chứ còn đối với lúc mà "Tịnh chỉ tầm tứ nhập Nhị Thiền", là Nhị Thiền cũng phải ở gần Thiện Hữu Tri Thức rồi. Cho lên ông Mục Kiền Liên ông đi xin đức Phật vào khu rừng hoang vắng, ông tu Định đó, luôn luôn ông Phật phải kèm theo. Cho nên khi ông bị hôn trầm là ông Phật cũng tới rồi. Khi tâm ông bị trạo cử, khởi niệm ông đạt được cái này, cái kia, đức Phật phải tới rồi, tới để phá liền tức khắc, chứ không có để. Ở cách xa mà luôn luôn phải tới. Chứ không phải là…​ Trước khi mà ông Mục Kiền Liên xin đi thực hiện những cái Thần thông, những pháp Định đó thì xin ông Phật, ông Phật nói ờ bây giờ đến khu rừng đó, luôn luôn theo dõi, không có để ông một mình chơi vơi ở trong cái chỗ Thiền Định này, nó khó lắm, không phải dễ. Cho nên ở trong đó không nhắc chứ sự thật là khi muốn nhập cái Định nào là phải ra lệnh trước hết, hướng tâm hết, rồi chừng đó mới vô. (48:53)

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy