00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

2005 MÙA AN CƯ 02-QUÁN BẤT TỊNH CHO THẤM NHUẦN

2005 MÙA AN CƯ 02

QUÁN BẤT TỊNH CHO THẤM NHUẦN

Trưởng Lão Thích Thông Lạc

Ngày giảng: 2005

Người nghe: Tu sinh

Thời lượng: [44:59]

Tên cũ: Tham vấn Mùa An Cư 2005

Số lượng: 24 băng

1- ĐỊNH VÔ LẬU - CHÁNH TƯ DUY

(00:00) Trưởng lão: Đừng dính mắc vào nó thì giải thoát liền. Các con hiểu được cái lý của đạo Phật, thật, nó rất là chân thật mà nó cụ thể, nó rõ ràng. Chỉ chính chúng ta bây giờ, nói là nói chứ chúng ta còn bị dính mắc. Nói thân này không phải là ta, chứ nó còn của ta. Có phải không? Mấy con hiểu, mình nói thì mình biết vậy, chứ chưa phải là mình bỏ đâu. Nhưng mà sự thật ra mình bỏ là mình thanh thản rồi đó.

Cho nên muốn được vậy phải nỗ lực tu, hàng ngày phải thấm nhuần. Đâu phải mình nói một lần: “Thân này không phải là ta, không phải của ta, không phải bản ngã ta.” Mình nói một lần thấm không? Mình nhiều lần lặp đi, lặp lại mà với một nhiệt tâm của nó, nó mới thấm, nó mới thật sự là “không phải là ta”. Các con hiểu không?

Bởi vì Định Vô Lậu mấy con tu có lần à. Ờ, tôi quán bất tịnh có lần thôi. Trời đất ơi! Bây giờ nó thật sự ra, tôi thấy chưa phải bẩn đâu, chưa phải bất tịnh thật đâu. Quán nhiều lần cho đến khi thấm nhuần mới thấy gờm nhớm cái thân này lắm, dơ lắm. Một lần nó chưa đâu, mấy con còn thương nó lắm, mấy con còn thấy nó sạch sẽ lắm. Phải không mấy con?

Bây giờ các con thấy nè, đức Phật nói thực phẩm bất tịnh, dơ lắm, bẩn lắm. Nhưng mấy con thấy thèm ăn không? Như vậy là nó có bẩn không? Chừng nào mấy con thấy nhàm chán nó, thật sự mấy con biết nó là bẩn thật, thì đó là mấy con đã xả hết. Cho nên đạo Phật phải thấm nhuần, chứ không thể nói suông được. Cho nên ở đây, thấm nhuần là phải tu.

Một cái Định Vô Lậu mà muốn tu, thí dụ như bây giờ, quán bộ xương trắng thôi, mà muốn tu, khi mà tưởng cái người đó là bộ xương trắng. Như bây giờ Thầy ngồi đây mà Thầy quán tưởng con là xương trắng, Thầy thấy cái bộ xương ngồi, chứ không có thấy con nữa.

Đó là cái tưởng của Thầy nó rất mạnh, nó làm cho Thầy thấy con là cái bộ xương, thì như vậy là Thầy thấm nhuần đó. Các con hiểu chưa? Còn bây giờ mà Thầy tưởng con mà cứ thấy con ngồi đó mặc y áo, cái tưởng này nó chưa có tưởng, chưa tưởng nổi, cho nên nó chưa thấm nhuần cái pháp quán. Cho nên tu hành nó phải quán như vậy đó.

Tu sinh: Thưa Thầy, quán hết trong tận trong xương của con ra không ạ?

Trưởng lão: Ờ, thì Thầy nói Thầy quán xương trắng. Bắt đầu Thầy có một cái hình ảnh. Thầy ngồi đây Thầy cứ, cái hình ảnh, Thầy nhìn cái bộ xương rồi. Hoặc là Thầy đến cái chỗ nào đó có một bộ xương, ở trong bệnh viện nào đó, Thầy nhìn nó rồi. Bây giờ Thầy về đây, nó không có bộ xương. Nhưng mà Thầy ngồi đây Thầy quán, Thầy tưởng cái hình bộ xương đó.

Thì cái mới đầu thì nó lờ mờ. Cái tưởng của Thầy nó lờ mờ, nó cũng thấy có cái đầu lâu nó vậy, rồi xương tay xương chân nó vậy, thấy nó lờ mờ. Nhưng mà Thầy ngồi Thầy quán hoài, quán riết, nó hiện ra rõ thiệt rõ, nó cũng như là cái hình để nằm trước mặt Thầy.

(02:27) Đó là Thầy thấm nhuần được cái tưởng của Thầy rồi, tức là sắc tưởng đã hiện ra. Còn bây giờ cái ý thức tưởng của Thầy thì nó lờ mờ. Bây giờ Thầy đang tu là cái ý thức tưởng, Thầy dùng cái ý thức tưởng. Nhưng mà cái tưởng, cái tưởng uẩn của Thầy nó chưa có hiện ra được.

Khi mà nó thấm nhuần, nó lâu rồi, nó thấm nhuần, nó hiện ra cái hình sắc đó trước mặt Thầy như một cái bộ xương để nằm đó, thì đó là tưởng của Thầy nó đã thành công. Mấy con tu được chưa? Phải không mấy con? Phải tu cho tới cái mức độ đó mấy con mới được giải thoát chứ.

Đó là Thầy nói về phần tu tưởng đó. Nhưng mà tưởng này để làm chúng ta nhàm chán cái thân của chúng ta, mà coi như chúng ta xả cái ngã. Chứ không phải là tưởng như các người mà tưởng cõi Cực Lạc, tưởng Tây Phương, tưởng Phật Di Đà thì cái đó nó tưởng, nó sai. Bây giờ tưởng nó, thật sự ra nó cũng là cái giả thôi.

Bây giờ Thầy tưởng có cái hình dáng đó để mà Thầy nhàm chán cái xác chứ đâu phải mà Thầy tưởng cái bộ xương này để nó thành cái bộ xương này. Có phải không? Mục đích của đạo Phật muốn dụng cái này mà để xả cái tâm nó, chứ đâu phải dụng cái này để cho nó, cái bộ xương này ngồi đó, nhìn nó mà chơi. Phải không? Còn cái kia nó tưởng có cõi Cực Lạc mà sự thật đâu có cõi Cực Lạc, mà nó cứ tưởng nó sẽ về Cực Lạc, cho nên nó đâu có về được. Con hiểu không? Nó là cái hình dáng của tưởng thôi.

Đó, thì cho nên vì vậy thật là thật mà giả là giả. Nhưng mà lấy cái giả để mà làm cho cái tâm tham, sân, si chúng ta nó lìa. Con hiểu không? Nó nhàm chán, nó ớn. Biết sử dụng, đó là biết sử dụng tưởng.

Nhưng mà mọi cái tưởng mà nó hiện ra, nó làm điều này điều kia: “Dừng lại! Mày là tưởng. Đi! Tao biết.” Mình dằn. Dừng hết! Phải không? Cái mặt mà đương ngồi nhiếp tâm vầy mà nó, nghe nó nặng một đống vậy, mà cứ ngồi đó nhiếp tâm à, mà không đuổi nó đi: “Mày là tưởng. Cái mặt nặng nề mày đi ra, chứ mày ở đây mày nặng cái mặt tao thì không được. Phải bình thường lại nè!” Rồi bắt đầu ngồi tu, một hơi nó bình thường. Khi không nó nặng chình chịch, cái đầu nó làm như một cục đá nó treo trên.

Có nhiều người nhiếp tâm chỗ hơi thở, hít vô, thở ra, sao thấy cái lỗ mũi mình càng ngày lớn vậy đó, mà nó nặng xuống. Bị tưởng mất rồi mà không biết, mà cứ tưởng đâu: “Cha, có lẽ là định tướng. Bây giờ nó hiện ra vậy chứ gì?” Mà lúc bấy giờ nhiếp tâm lại không vọng tưởng nữa chứ, mới mê chứ. Các con thấy nó lầm lạc ghê gớm. Đó là cái sai, mấy con.

Cho nên trong cái sự tu tập, mấy con nhớ kỹ những điều mà Thầy nói. Sau này nó có những cái trạng thái gì: “Tưởng đi! Ở đây, tao không chấp nhận!” Con cứ dùng ý thức của con đuổi tất cả những cái đó. Cái đầu mà đương nặng nặng, con nhiếp tâm mà nặng nặng: “Cảm thọ, cái nặng đầu này đi, bình thường lại!” Thì nó sẽ lần lượt nó bình thường. Nó không rối loạn cái thần kinh của mấy con. Chứ mấy con tập trung, mấy con bị căng thẳng. Thì trong khi đó, cái sức của mấy con tác ý nó chưa đi, thì mấy con xả ra liền. Đừng có để nó đến nỗi mà nó rối loạn thần kinh thì không tốt. Đó là những cái sự tu tập.

2- GIỮ TÂM THANH THẢN TRÊN TỨ NIỆM XỨ

(05:10) Trưởng lão: À, bây giờ, còn riêng con thì bây giờ Thầy dạy pháp. Sư Pháp Ngộ là tu Tứ Niệm Xứ.

Tu sinh Pháp Ngộ: Bạch Thầy! Cho con hỏi.

Trưởng lão: Rồi, con hỏi đi con.

Tu sinh Pháp Ngộ: Về cái cách tu Tứ Niệm Xứ, thưa Thầy. Vậy thì ví dụ mình tu Tứ Niệm Xứ, giữ tâm thanh thản. Nhưng mà khi mà nó vẫn cứ để ý hơi thở thì tức là không đúng hả Thầy?

Trưởng lão: Không đúng.

Tu sinh Pháp Ngộ: Hoặc là khi mình giữ tâm thanh thản mà mình vẫn biết hơi thở hay là …​

Trưởng lão: Ờ, với tâm thanh thản thì mình vẫn biết ở trong thân của mình nó toàn bộ, Nó không thấy …​ Đó, khi mà nó thấy, nó biết hơi thở ra vô ra vô nhẹ nhàng thì biết hơi thở là nó bám vô hơi thở rồi. Thì mình nhắc: “Thanh thản, an lạc, vô sự.” Mình quán sát thân mình để cho nó nhả cái hơi thở ra.

Rồi cái mình ngồi im lặng vầy, cái bắt đầu thấy nó thở ra, thở vô. Cái mình nhắc nữa. Do đó bắt đầu từ đó con nhắc, tới sau này nó không thấy hơi thở nữa, chứ không thể là …​ . Bây giờ Thầy biết mấy con bị hơi thở. Hổng chừng…​

Tu sinh Pháp Ngộ: Con có những lúc như thế này. Khi cái tâm mà nó yên lặng một cái, mình thấy gọi là nó yên lặng trong trạng thái yên lặng, thì nó lại biết hơi thở rất rõ ràng.

Trưởng lão: À, nó đang ở trên hơi thở, tức là nó đi về hơi thở, chứ không phải là Tứ Niệm Xứ. Bây giờ, mình tu Tứ Niệm Xứ thì trở về Tứ Niệm Xứ. Do thấy nó biết hơi thở: “Mày đi ra, không có bám vô hơi thở nha! Thanh thản, an lạc, vô sự.” Rồi con sẽ thấy cái trạng thái thanh thản, an lạc. Nó không phải ở …​

Tu sinh Pháp Ngộ: Dạ, bạch Thầy, một trạng thái nữa, bạch Thầy. Khi mà mình tâm thanh thản an lạc, vô sự thì hoặc là mình yên lặng tâm, nhất là cái yên lặng tâm, thì thanh thản, thì yên lặng tâm, thì lại nó lại nó biết cả thân mình. Thì như thế nào, bạch Thầy?

Trưởng lão: À, nó cảm giác toàn thân nó được.

Tu sinh Pháp Ngộ: Cảm giác toàn thân thì được?

Trưởng lão: Được, được. Bởi vì nó thuộc về thân, thọ, tâm, pháp. Cái Tứ Niệm Xứ…​

Tu sinh Pháp Ngộ: Mà nó biết hơi thở tức là nó biết một mục.

Trưởng lão: Một chỗ đó thì không được. Một chỗ hơi thở thì không được, mà nó biết toàn thân nó. Có khi nó thấy hơi thở rồi nó đi tới chỗ khác. Nó đang quán thân, quán thọ, quán tâm nó mà. Thành ra nó biết hơi thở rồi nó đi chỗ khác. Mà nó cứ bám vô hơi thở hoài, nó biết có chỗ này thì: “Mày trật. Mày đứng có chỗ, mày không chịu đi. Cái thành mày chúng vô ăn cướp sao? Mày ra coi!”

Tu sinh Pháp Ngộ: Dạ, bạch Thầy! Như vậy là mình, khi mà nó biết hơi thở rồi nó biết cả thân, nó biết hết những cái sinh hoạt …​

Trưởng lão: Ờ, thì được.

Tu sinh Pháp Ngộ: Như vậy, mình vẫn giữ …​

Trưởng lão: Nó đang quan sát cả toàn thể cái thành của nó rồi, Tứ Niệm Xứ rồi. Nó giữ cái thành Tứ Niệm Xứ của nó, cho nên nó biết hết được. Mà bây giờ nó chỉ có bám vô hơi thở mà nó không cần biết cái tụi kia nữa thì cái đó là sai mất.

Tu sinh Pháp Ngộ: Dạ, vậy thì lâu lâu, nếu mà lâu lâu như vậy, mình phải hướng tâm hả, bạch Thầy? Con hướng tâm ạ? Hướng tâm thanh thản, an lạc, vô sự?

Trưởng lão: Ờ, hướng tâm con nhắc nó. Đó, hướng tâm thanh thản an lạc, vô sự. Để không nó bám một chỗ, không có được. Nó làm biếng lắm.

Tu sinh Pháp Ngộ: Ví dụ như nếu mà nó bám vô một trạng thái nào đó thì mình lại đuổi nó đi?

Trưởng lão: Đuổi đi. Không được. Có vậy thôi.

Tu sinh Pháp Ngộ: Bạch Thầy, khi đi, đứng, nằm, ngồi thì mình vẫn giữ?

Trưởng lão: Đều được hết.

Tu sinh Pháp Ngộ: Nằm luôn?

Trưởng lão: Ờ, khi con đương ngồi vầy, nó muốn, nó hướng tâm ra, nó muốn đi thì con đứng dậy con đi. À, trong cái bài kinh Phật dạy rất kỹ. Mà nó đương đi vậy, nó muốn ngồi thì ngồi. Không có gượng ép chút nào hết. Bởi vì cái hướng tâm không có nghĩa vọng tưởng. Con hiểu không?

Tu sinh Pháp Ngộ: Bạch Thầy! Ví dụ, đi thì muốn đi mình đi, muốn ngồi mình ngồi. Mà nhiều khi nó muốn nằm.

Trưởng lão: Ờ, muốn nằm? Nằm.

Tu sinh Pháp Ngộ: Nhưng mà rồi nó muốn ngủ.

Trưởng lão: Ờ, nó muốn ngủ thì không cho.

Tu sinh Pháp Ngộ: Sao?

(08:11) Trưởng lão: Nhưng mà, cho nên đức Phật mới nói. Khi đương ngồi mà nó muốn đi thì phải chú ý kỹ cái hành động mà đứng dậy để mà đi. Chứ không có được mà lơi lỏng được cái chỗ này nha.

A, coi chừng nó muốn vậy rồi nó đi tầm bậy. Cho nên đức Phật dặn cái chỗ này nè. Khi nó hướng tâm nó muốn đi thì mình đứng dậy đi, chứ mình không có ép bảo: “Mày ngồi lại!” Mình đứng dậy theo cái muốn của nó. Nhưng mà phải tỉnh thức từ cái hành động mà ngồi. Bắt đầu hồi ngồi đó, cái hành động mà bắt đầu mà đứng dậy để mà đi thì phải chú ý kỹ cái hành động đó, để không nó lợi dụng chỗ đó mà đánh vô.

Cũng như bây giờ đó, nó muốn nằm, mà mình đương ngồi mà muốn nằm, thì mình chuẩn bị mình nằm thì mình phải cảnh giác: “Mày nằm, mày muốn ngủ phải không?” Ờ, mình nói trước nó: “Mày ngủ là tao không có cho mày nằm. Mà mày không ngủ, mày tỉnh thì tao cho mày nằm.”

Ờ, con cảnh giác nó thì nó không có ngủ. Chứ con không cảnh giác nhắc nó, nó khoái lắm, nó nói: “Ờ, bây giờ muốn nằm.” Cái nó nằm ngủ. Mà nằm xuống cái nó thiếp luôn, chứ không phải dễ đâu. Một giờ à! Chứ…​

Tu sinh Pháp Ngộ: Dạ, bạch Thầy! Nhiều khi nó thanh thản, an lạc, vô sự. Nhưng mà nó thanh thản một chặp rồi cái bắt đầu nó thanh thản và nó thiếp luôn.

Trưởng lão: Ờ, đó là con…​ Bởi vậy, bây giờ con đương ngồi nè mà con thấy nó thanh thản. Con biết rằng trước khi mà nó muốn ngủ, nó có một cái trạng thái nó an lắm, nó thích lắm, cho nên nó mới đi vô được. Cho nên: “Mày muốn ngủ rồi, tao biết mày rồi. Mày phải tỉnh thức, chứ mày không có…​.” Con chỉ tác ý vậy, cái nó tỉnh bơ trở lại. Bởi vì cái pháp tác ý: “Thanh thản, an lạc, vô sự.” Khi mà nó có cái dạng gì nó, cái lạc nó cao thì coi chừng nó rơi vô ngủ.

Con ngồi vậy mà con nghe nó yên ổn quá, thích quá rồi, thì nó sắp sửa nó vô cái gì đó, nó mới báo động đó. Còn nó ngồi mà nó giữ thanh thản bình thường, nó không có sao hết đâu, mấy con.

Phải nhớ kỹ. Bởi vì khi tu chúng ta biết từng chút của nó chứ. Bởi vì đức Phật nói Chánh Niệm Tĩnh Giác, mấy con. Mà mấy con tĩnh giác cái kiểu này, gì nó tăng cường lên cái sự an lạc mấy con không biết à, để rồi đi ngủ mất.

Tu sinh Pháp Ngộ: Bạch Thầy, con thấy trong con nó có ba cái. Thứ nhất là, một là ngủ nè, thứ hai là nói. Vì đi đâu là nó có, nó giữ cái tâm yên lặng thì có rồi nhưng mà nó lại nói. À, thứ nhất là ngủ, thứ hai là nói, thứ ba là đi. Thích đi.

(10:28) Trưởng lão: À! Đó bây giờ Thầy nói như thế này nè. Bởi vậy ở trong cái chỗ tu tập, nó có…​ Chúng ta đừng có nghĩ rằng tất cả những niệm trong đầu của chúng ta nó không có loại đâu. Đức Phật phân loại ra hết cho chúng ta biết.

Cái hướng tâm, là muốn đi, muốn nằm, muốn ngồi, thì làm theo hướng tâm, không phải vọng tưởng. Còn ở trên cái vấn đề mà độc thoại, tự nó nói. Ờ, bữa đó nó đọc cuốn kinh nào không biết đâu. Bây giờ nó ngồi đó, nó trả lời cái câu mà nó nghi ngờ đó, là độc thoại, tự nó độc thoại. Nó nói đó, tự nó nói chuyện với nó đó. Thì cái nó nói đúng thì để cho nó nói. Mà cái nói sai thì gạt không có cho nó nói. Con hiểu không? Dừng cái đó lại. Thì đó là độc thoại.

Còn suy tầm, cái dòng tư tưởng suy nghĩ. Đức Phật phân biệt được rõ ràng cho chúng ta biết mà. Khi mà chúng ta tu Tứ Niệm Xứ, nó sẽ xảy ra những cái điều đó ở trong đầu chúng ta đó, trong cái dòng suy tầm. Mà cái suy tầm nào chúng ta để, mà cái suy tầm nào mà không được để, phải diệt? Nó rõ ràng. Chứ không phải là mọi cái niệm ở trong đầu chúng ta đều là vọng tưởng hết. Không phải đâu. Có cái tốt, có cái xấu, có cái độc thoại trong đó, con.

Tu sinh Pháp Ngộ: Tầm thiện thì giữ?

Trưởng lão: Giữ.

Tu sinh Pháp Ngộ: Mà tầm ác thì bỏ?

(11:32) Trưởng lão: Diệt. Dừng. Tác ý bỏ, dẹp: “Mày nghĩ cái này không được.” Còn cái suy tầm kia nó khai triển được cái tri kiến của chúng ta. Nó làm cái dòng tư tưởng đó nó trở thành cái pháp Định Vô Lậu. Nó làm cho chúng ta có cái sự thấm nhuần được cái lý, cái lý của đạo. Cho nên chúng ta đừng có diệt mấy cái đó, uổng lắm. Cái tài sản của chúng ta ở chỗ đó mà chúng ta đem quăng thì uổng. Hiểu chưa?

Đó phải phân biệt cho rõ. Tu tập Tứ Niệm Xứ là phải phân biệt cho rõ từng cái tâm niệm của chúng ta trong đầu nè, chứ không phải là cái gì hết. Mà rõ được thì tu không sai, mà không rõ được là tu sai. Có như vậy thôi.

Cho nên trước khi tu Tứ Niệm Xứ, người ta trang bị cho mình. Các con biết cái lớp Chánh Niệm của Phật là Tứ Niệm Xứ chứ gì? Người ta trang bị cho mình là sáu cái lớp tu ở đầu tiên từ Chánh Kiến, Chánh Tư Duy cho đến Chánh Niệm. Mấy con biết sáu cái lớp tu mới tới cái Chánh Niệm, tới Tứ Niệm Xứ.

Trong Chánh Tinh Tấn là cái Tứ Chánh Cần, thì người ta đã trang bị cho mình đủ các cái pháp ngăn ác, diệt ác ở trên Tứ Chánh Cần. Cho nên “ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện” là Tứ Chánh Cần mà. Tứ Chánh Cần nó là Chánh Tinh Tấn, cái lớp Chánh Tinh Tấn. Ở cái lớp đó, người ta sẽ dạy cho mình Tứ Chánh Cần. Còn tới Chánh Niệm ấy, thì người ta dạy cho Tứ Niệm Xứ. Cho nên nó rành.

Các con từ học cái lớp Chánh Kiến, người ta dạy các con Tứ Bất Hoại Tịnh trong cái lớp Chánh Kiến. Rồi còn Chánh Tư Duy thì người ta dạy cho các con cái Định Vô Lậu để mà con ở trên đó con tư duy. Cho nên khi mà con tới Chánh Niệm là Tứ Niệm Xứ, con rành không có sót một cái niệm vọng tưởng gì của con mà lọt vào con mắt nó được đâu.

Còn bây giờ, các con có cái chương trình giáo dục cái kiểu này đâu. Cho nên bây giờ, ngay vô mấy con tu Tứ Niệm Xứ, nó lộn xộn ở trong đó quá trời. Từng niệm mấy con chưa có rành nó đó. Cho nên khi mà các con có những cái trường, con có tám lớp học đàng hoàng rồi thì Thầy nói rất là nhẹ nhàng, hướng dẫn mấy con rất nhẹ nhàng. Tới cái lớp nào ra lớp nấy nó rõ ràng. Đâu ra bài vở nấy, không có còn sai chỗ nào.

Tu vô, Thầy nói mười người đạt chứng quả A La Hán mười người, không có trật. Nhưng bây giờ mình tu rất là vất vả. Bởi vì cái chương trình nó chưa có. Cho nên bây giờ vô đây, mấy con cái căn bản mà của các lớp mà Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ đó nó chưa có. Cho nên mình vô cái mình tu Tứ Niệm Xứ rồi. Ờ, mình tu Tứ Niệm Xứ thì thật sự ra nó lớp thứ bảy của nó rồi. Mà bây giờ mình tu Tứ Niệm Xứ thì từng cái niệm này phải hướng dẫn mấy con Thầy cũng vất vả. Cho nên mấy con phải thân cận Thầy, chứ xa Thầy không được.

Còn cái kia, thí dụ như vô lớp Chánh Kiến, người ta dạy cho mấy con học cái gì gì đó, thì cái lớp Chánh Kiến là cái lớp căn bản, cái lớp đầu tiên nó dễ. Cho nên người ta dạy, nó đâu cần cái chuyện đó đâu. Người ta dạy cái gì thì các con mới nhìn thấy các pháp như thế nào, các con học những cái gì, giới luật học cái gì, người ta dạy mấy con làu hết những cái này rồi. Rồi mấy con tu tập những cái gì gì, người ta dạy cho mấy con cái đó hết. Đó thành ra nó dễ. Còn bây giờ, bây giờ mấy con mới là những người mà tu ngang xương nè. Nói mấy con, kêu là tu nhảy lớp.

Tu sinh Pháp Ngộ: Nhảy lớp nên Thầy mới vất vả.

Trưởng lão: Nhảy lớp đó, cho nên cái ông thầy mà dạy, mà kêu là dạy trò nhảy lớp để thi đó, cái ông thầy đó cực.

Tu sinh Pháp Ngộ: Con bạch Thầy! Một điều nữa, bạch Thầy, là khi mình giữ tâm thanh thản, an lạc, vô sự, tức là một cái trạng thái của tâm hả, bạch Thầy?

Trưởng lão: Trạng thái của tâm.

Tu sinh Pháp Ngộ: Dạ, nó nằm trên bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp?

Trưởng lão: Bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp. Đó, đúng đó.

Tu sinh Pháp Ngộ: Đó là mình giữ được tâm?

(14:35) Trưởng lão: Nó là giữ được tâm. Mà nó ở một cái chỗ nào không thì nó trật. Bởi vì nói Tứ Niệm Xứ chứ phải nói Nhất Niệm Xứ sao? Nó tứ mà, chứ có phải nó nhất sao? Mà mình ở có một chỗ thì trật. Con hiểu không? Con nhớ. Cho nên vì vậy mà luôn luôn cái tâm mình, luôn luôn nó phải ở trên bốn chỗ đó. Mà nó trụ một chỗ nào đó thì tác ý: “Thanh thản, an lạc, vô sự. Không phải bám hơi thở được.” Mình biết là cái tật nó hay vô hơi thở thôi, chứ không có chỗ nào hết.

Thì bắt đầu cho nó quan sát, nó giữ bốn cửa thành của nó. Chứ để không nó giữ có một cửa à. Thành ra con quan sát vậy. Rồi lâu ngày dần rồi nó tự nhiên tự bất động, tự thanh thản của nó. Khi mà nó được rồi thì nó dễ lắm.

Tu sinh Pháp Ngộ: Nó quen.

Trưởng lão: Nó quen rồi. Còn bây giờ nó chưa quen. Nó chạy bên đây, nó chạy bên ni, nó chạy bên đây, nó lăng xăng. Rồi mình khi mình quán cũng vậy. Thay vì người ta nhìn quán cái nó tổng quát, nó chung. Còn cái quán của mình bây giờ đó, thân thì quán thân thôi, chứ quán tâm không được, tôi làm không kịp. Có phải không mấy con? Một lượt mấy con thân, thọ, tâm, pháp một lượt, mấy con làm không kịp đâu. Mà cái cảm nhận của nó đó, thì các con cảm nhận, con thấy cảm nhận luôn cả bốn cái này được. Nhưng mà nó rõ ràng thì mấy con làm chưa có được.

Cho nên phải nhìn cái thân, rồi nhìn cái tâm, rồi nhìn cái thọ, rồi nhìn cái pháp. Nó nhìn từng phần thì mấy con nhìn được. Con hiểu chưa? Còn cái kia, các con nhìn một chung thì các con lờ mờ. Cái sức tỉnh của các con nó kém đến vậy đó. Con hiểu chưa? Mà người ta bảo tĩnh giác, cho nên mình tập. Một thời gian sau nó thuần rồi, nó nhìn một cái là nó cảm nhận bốn cái chỗ của nó liền.

Cho nên Tứ Niệm Xứ không thể tách rìa ra từng cái Niệm Xứ mà tu được, bởi vì nó là một cái chùm của nó rồi. Cho nên có nhiều người lấy Thân Niệm Xứ mà tu, có nhiều người lấy Thọ Niệm Xứ mà tu, hay lấy Tâm Niệm Xứ mà tu. Tu riêng vậy không có được. Cái này là phải tu chung. Bởi Tứ Niệm Xứ mà ai mà cắt từng phần ra được mà tu. Vì vậy mấy người đó sai, không có đúng. Tu như vậy nó cũng có giải thoát, nhưng mà giải thoát như vậy nó không có đúng cách.

Ở trên một cái khối, Tứ Niệm Xứ của nó là một cái khối. Thân, thọ, tâm nó là một cái khối của thân của chúng ta rồi. Cắt cái tâm của chúng ta ra đấy mà tu, rồi còn mấy cái kia bỏ hay sao? Cho nên nó sai, mấy con. Tại người ta không hiểu. Có bao giờ ông Phật dạy, bảo: “Ờ, bây giờ mình tu cái Tâm Niệm Xứ đi, hay hoặc là tu cái Thân Niệm Xứ.” Đức Phật đâu có dạy mình rời rạc như vậy. Mà dạy mình trên Tứ Niệm Xứ thì ông kết luôn quán thân, rồi quán thọ, quán tâm, rồi quán pháp. Có phải không? Liên tục à.

Thấy cái bài pháp đó thì con thấy kết hợp bốn cái chỗ của nó quán, quán, quán, quán. Vậy mà khi mình quán một cái là mình nhìn một cái, là mình làm sao mà tổng quát, thấy hết bốn cái một lượt. Còn bây giờ thì mình phải quán từng cái, từng cái, từng cái. Con hiểu chưa?

Sau một thời gian thấm nhuần rồi, mấy con nhìn nó một cái là bốn cái này con thấy rõ quá. Đó là nó hòa nhập, tức là nó nhập vô rồi. Còn bây giờ mấy con chưa nhập thì mấy con phải chịu lần lượt quán từng phần, từng chỗ một.

Tu sinh Pháp Ngộ: Dạ, bạch Thầy, nếu mình quán như vậy thì nó bị sơ suất không à Thầy? Nó trên bốn cái chỗ cửa thành, nó bị sơ. Mình quán cái này thì cái khác, ác pháp chiếm. Mà quán cái kia lại ác pháp nó chiếm.

Trưởng lão: Nó chiếm.

Tu sinh Pháp Ngộ: Dạ, mình dù có quán được hai cái nhưng mà hai cái nó luôn ác pháp chiếm.

Trưởng lão: Cũng chiếm.

Tu sinh Pháp Ngộ: Mà nó chiếm mạnh quá rồi, nó dắt mình đi.

Trưởng lão: Vậy đấy!

Tu sinh Pháp Ngộ: Dạ, giờ nó chiếm vô cửa thành luôn rồi. Bây giờ, mình chịu thua rồi. Thì đầu hàng, thế là mình thua.

Trưởng lão: Thua.

Tu sinh Pháp Ngộ: Cho nên mình phải tập.

Trưởng lão: Tập. Mình đi.

Tu sinh Pháp Ngộ: Tập trên bốn cái thân, thọ, tâm, pháp.

Trưởng lão: Coi như bây giờ thằng lính này, con mắt nó nhìn tổng quát chung vậy, nó nhìn chung không kịp, buộc lòng nó phải chạy đi vòng vòng nó coi.

Tu sinh Pháp Ngộ: Chạy cực quá mà Thầy.

Trưởng lão: Rất cực. Mới đầu đó nó cực đó. Nhưng mà sau khi nó quen rồi, bắt đầu nó ngồi một chỗ chứ bốn cái cửa thành tao thấy mặt hết. Thằng nào lọt vô là biết liền. Phải không? Một cái nó nhìn là bốn cửa thành một lượt, nó thấy biết hết, không có chỗ nào mà sót. Tập rồi nó quen, mấy con.

Tu sinh Pháp Ngộ: Bây giờ, bạch Thầy! Thầy chỉ đi Thầy.

Trưởng lão: Rồi, bắt đầu bây giờ Thầy chỉ con.

Tu sinh Pháp Ngộ: Thầy chỉ dạy cho con đi.

3- TU TẬP CÁC LOẠI ĐỊNH CƠ BẢN

(18:15) Trưởng lão: À, con bây giờ con về con tập. Đầu tiên, con đi kinh hành hai mươi bước. Con đi tự nhiên, đừng có gò bó, đi tự nhiên. Con đừng có nhìn xuống dưới chân con mà tập trung quá căng. Mà, con nhìn xa xa ra chút. Con nhìn cỡ khoảng hai thước, nhìn ra trước vầy, rồi con đi. Phải không?

Rồi con đi hai mươi bước, rồi con đứng lại, con hít thở năm hơi thở. Rồi con mới bắt đầu con bước đi nữa. Rồi vài ba hôm nữa Thầy thấy con thuần thục được cái này, Thầy dạy thêm. Chớ đừng có tu nhiều. Tu nhiều nó không thuần thục. Tu một pháp, chuyên đi riêng một pháp đi thôi. Rồi, con cứ về.

Hễ mà tu, thí dụ như con đi ba mươi phút được rồi, con ngồi con xả nghỉ ba mươi phút, rồi lại tiếp tục tu cái pháp đó đi. Cứ như vậy, rồi Thầy sẽ kết hợp. Khi mà con đứng con hít thở được năm hơi thở rồi, mà cái thời gian tu chừng ba ngày, năm ngày, Thầy thấy được rồi. Thầy kiểm điểm lại coi cách thức con tu coi như thế nào, đi, coi đứng, rồi hít thở như thế nào.

Mình nhớ trước khi đi thì mình tác ý: “Tôi đi kinh hành, tôi biết tôi đi kinh hành.” Thì các con mới bước đi. Thì mình nhìn xa như vậy mà mình chú ý dưới bước chân đi, mình biết đi. Có vọng tưởng hay không vọng tưởng không cần thiết. Con hiểu không? Mà cũng không cần câu hữu với pháp nào hết. Cứ mình cố gắng mình nhớ để mình bước đi thôi. Rồi nó có vọng tưởng thì mình nhớ: “À, dẹp! Bước đi thôi.” Có vậy thôi.

Rồi tới khi con đứng lại, con hít thở năm hơi thở. Rồi, năm hơi thở rồi, thì khi mà đứng lại thì tác ý: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra.” Rồi con hít thở năm hơi thở. Rồi bắt đầu con dừng lại hơi thở thì con tác ý: “Tôi đi kinh hành, tôi biết tôi đi kinh hành.” Con tác ý trước khi mà con đi. Nghĩa là mình có cái ý thức dẫn cái hành động đó để mình tu tập. Cho nên mình tác ý rồi, mình bước đi hai mươi bước nữa, đứng lại. Đúng ba mươi phút, con nghỉ.

Trong khi tu mà có cái chuyện gì mà khó khăn thì con cứ bảy giờ con đến đây, con sẽ gặp Thầy. Hoặc là cần thiết lắm, có chuyện gì quá gấp thì con chạy vào phòng làm việc của Thầy ở chỗ đó, thì sẽ gặp Thầy. Rồi Thầy sẽ hướng dẫn, sẽ chỉ cho. Còn không có cần thiết thì cứ bảy giờ con sẽ đến đây gặp Thầy. Phải không?

Con nhớ tu một pháp chuyên đi. Rồi lần lượt Thầy dạy từng pháp, từng pháp. Mặc dù bây giờ con đã có tu tập rồi. Nhưng mà đừng! Theo Thầy dạy, căn bản nhất, cứ đi chậm chậm rồi bảo đảm chắc ăn. Phải không?

Tu sinh 1: Kính bạch Thầy! …​

Trưởng lão: Được, con cứ sử dụng bình thường. Con cứ mặc y phục bình thường, không có gì đâu. Thầy cho phép. Không có gì hết!

Rồi lần lượt, rồi Thầy sẽ dạy cái giới. Rồi Thầy cho con thọ những cái giới trở lại. Bởi vì mình thọ với những vị Thầy mà giới luật không nghiêm chỉnh, thì không bao giờ mình cái giới luật nghiêm chỉnh được. Còn khi mà Thầy đã truyền giới cho con rồi, với Thầy thì phải giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh. Thầy truyền rồi. Thầy sao thì con phải làm y như vậy, không được phạm giới. Con hiểu không?

Thì vậy nó mới có cái quyết định, cái niềm tin. À, Thầy không phạm giới mà tại sao mình lại phạm giới? Vì mình dở quá vậy. Phải làm sao cho giống Thầy mình. Có phải không? Thầy là cái trụ cột, cái gương để cho mấy con dựa vào. Cũng như đức Phật ngày xưa mà, cái chỗ của tất cả Tỳ kheo dựa mà. Phải không? Mà đức Phật mà phạm giới thì ai mà dựa, mà làm sao đủ cái gương hạnh? Còn Thầy bây giờ không phạm giới là cái chỗ cho mấy con dựa vào để giữ gìn giới. Mà giới nghiêm chỉnh thì các con sẽ ly dục, ly ác pháp. Các con hiểu chưa?

Cho nên vì vậy mà, sau khi đó, Thầy sẽ cho con thọ giới. Thầy dạy cho con giới luật rồi, bắt đầu Thầy cho con thọ giới. Thọ giới, mà một người mà giới luật nghiêm chỉnh thọ giới cho con thì con mới nghiêm chỉnh giới được. Con hiểu không? Đó, như vậy là Thầy sẽ trợ giúp cho con hoàn toàn thanh tịnh trong giới. À, rồi phải không? Cố gắng mà tu tập! Về ôm cái pháp đó. Riêng phần con tu vậy.

Còn sư Pháp Ngộ thì nhớ. Con tu cái pháp Tứ Niệm Xứ con. Còn tất cả những pháp khác thì con tu để mà giữ chân nó thôi. Chứ còn cái pháp Tứ Niệm Xứ này …​

(22:00) Tu sinh Pháp Ngộ: Dạ, tất cả những cái pháp, con cần phải tu những pháp gì, bạch Thầy?

Trưởng lão: À, coi như là con phải tập an trú trong hơi thở. “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành …​” Để khi mà có chướng ngại gì đó, con ôm pháp đó coi như ôm phao vượt biển đó, để mà đánh lui những cái chướng ngại ra. Phải không? Đó là …​

Với con tập về cái hơi thở thì con tập: “Quán tâm định tỉnh tôi biết tôi hít vô, quán tâm định tỉnh…​” Con tập cái pháp đó cho nhuần con. Khi nó có hôn trầm, mình ngồi tại chỗ mình tác ý một cái là nó định tỉnh trở lại hết, để mình khỏi mất công đi kinh hành. Ngồi đó mà phá cái hôn trầm, thùy miên.

Thì con tập cái “An tịnh thân hành”, rồi “An tịnh tâm hành”, với cái “Với tâm định tỉnh”, tức là “Quán tâm định tỉnh” đó. Ba cái đề mục của Định Niệm Hơi Thở này, con tập cho thấm nhuần.

Đó! Rồi còn cái pháp mà Thân Hành Niệm ấy thì con đi khoảng ba mươi phút thôi. Tức là tác ý từng hành động đứng lên ngồi xuống để kết hợp cho nó thành cỗ xe Thân Hành Niệm đó. Con tập cho nó quen, để sau khi mình thanh thản được rồi mà thấy nó chưa đủ Tứ Thần Túc, thì mình chỉ cần ôm cái pháp đó, thì mình đi chừng vài ba vòng thì Tứ Thần Túc nó hiện ra.

(23:03) Tu sinh Pháp Ngộ: Rồi Định Vô Lậu nữa?

Trưởng lão: À, Định Vô Lậu. Nếu mà con cần thì con tu cái Định Vô Lậu là tăng thêm cái tri kiến giải thoát cho mình. Còn nếu mà con thấy con đã thông suốt những Định Vô Lậu thì không cần, nếu mà có thấm nhuần.

Còn chưa thấm nhuần thì phải cái đề tài nào mình chưa thấm nhuần…​ Thí dụ như cái tâm dục hoặc là cái lòng từ của mình mà nó chưa có phát triển thì mình áp dụng để mình thấm nhuần được cái đó. Mình phát triển cái lòng từ, tâm từ bi đó con. Hoặc là phát triển cái thân bất tịnh để cho mình nhàm chán cái tâm dục, để xả nó con.

Đó, là cách thức đó mình, những cái Định Vô Lậu đó đó, những cái vô lậu đó đó, mình phải đưa cái đề tài ra mình quán. Một lần chưa đủ đâu, nhiều lần, nhiều lần, thấm nhuần nó để mà quét cái cái tâm đó ra. Nó nhờ thấm nhuần nó mới ra. Con hiểu không?

Một lần, bây giờ mình đặt cái đề tài đó, mình tu ba mươi phút đi, mình đưa cái đề tài thân bất tịnh đi. Mình quán một lần nó chưa thấm nhuần. Mà trong một giờ đó, ba mươi phút mình tu. Mà bây giờ mình quán mới có năm phút mà nó đã hết cái đề tài, mình quán bất tịnh nó hết rồi. Mình đặt trở lại, quán trở lại một lần nữa, quán trở lại một lần nữa, như học trò mà đọc bài mà đọc hoài chừng nào cho làu mới thôi đó. Các con hiểu không? Nhớ cái Định Vô Lậu là như vậy, là mình cứ quán đi quán lại hoài thì nó sẽ thấm nhuần. Và nó thấm nhuần đó là giải thoát đó. Phải bền chí mà thấm nhuần những cái pháp mà quán như vậy.

Còn thiếu sót một cái gì ở trên cái pháp mà quán, thí dụ như mình quán cái thân bất tịnh mà mình thấy như vậy đó. Sau khi mình muốn cho cái sự quán của mình nó nhiều hơn nữa, nó bất tịnh nhiều nữa, nó rõ ràng hơn nữa, cụ thể hơn nữa, thì mình đến nhờ Thầy để trợ duyên cho mình. Có những cái gì thiếu khuyết, mình trình lại cái chỗ mình quán coi như vậy nó đủ hay là còn thiếu. Nếu thiếu ấy, thì Thầy giúp thêm những cái ý thêm. À, bây giờ chỗ này nó chưa hết, chỗ này nó còn nữa, phải quán vậy vậy cho nó mới đủ. Thì con sẽ có được tăng thêm một cái số vốn tri kiến về sự quán bất tịnh. Con hiểu không?

Còn nếu mình thấy đủ thì mình cứ ôm đó, mình thấm nhuần. Bữa nay quán, ngày mai quán, trong cái đề tài này quán. Nhất là mình thấy cái tâm của mình nó vì cái đó nó nặng, vì cái nào nó nặng đó. Tâm sân mình nặng hay tâm si mình nặng thì mình cứ đưa cái đề tài quán hoài. Quán riết thấm nhuần, nó sẽ phá vỡ cái đó đi. Đó là cái Định Vô Lậu, nó làm cho lậu hoặc không còn.

Tu sinh Pháp Ngộ: Dạ. Vậy là con tu thêm ba cái?

Trưởng lão: Ba. Ba cái đề tài của Định Niệm Hơi Thở. Định Vô Lậu thì đưa ra một cái đề tài nào mà con thấy cái tâm chướng ngại của mình thì đưa đề tài đó quán nhiều lần. Con nhớ vậy. Còn Thân Hành Niệm thì tập ít thôi, ba mươi phút thôi. À, còn cái Tứ Niệm Xứ là tập nhiều. Rồi, nhớ rồi phải không?

Thọ Bát Quan Trai, với Thầy cho con một cái tập sách là Mười Giới Đức Thánh Sa Di, trong đó có hai mươi lăm pháp hành của sa di. Thầy sẽ cho con những cái tập sách đó để cho con có những cái sách …​

À, như vậy thì bây giờ đó, thì sư Pháp Ngộ, con thì bây giờ về lo tu rồi. Còn bây giờ là các con cư sĩ, Thầy sẽ dạy các con.

(26:01) Tu sinh 1: Kính thưa Thầy! …​

Trưởng lão: Được rồi, Thầy sẽ giúp cho cái phần này cho. Con yên tâm. Sau này những cái bài mấy con viết, khi Thầy duyệt Thầy thấy nó có ý nghĩa mà xây dựng lại Phật giáo, có nghĩa tốt để mà dựng lại những cái điều tốt cho Phật giáo thì Thầy sẽ đưa nó vào trong một cái tập Diễn Đàn Chơn Như.

Diễn Đàn Chơn Như, tức là nơi đó là do những cái bài viết của mấy con viết ra, để mấy con trao đổi, từ cái người ở địa phương này đến người địa phương kia đều là đọc nhau. Chúng ta sẽ thông cảm và hiểu biết trên con đường tu tập của chúng ta.

Nó có những cái khó khăn. Đối với Đại thừa, nó có những cái khó khăn. Cái sai của Đại thừa, chỗ này Đại thừa sai vậy, chỗ kia Đại thừa sai. Chúng ta đọc, chúng ta thông, chúng ta đã hiểu biết hết tất cả những cái sai đó. Đồng thời cũng rút tỉa những cái kinh nghiệm của mấy con viết ra để mà rút tỉa nhau, để mà chúng ta biết cách tu tập cho nó đến tốt. Để rồi Thầy sẽ dạy cho con.

Bây giờ, trong khi mà tu tập như vậy đó, thì con hiện giờ con về, con tập cho Thầy trong một phút thôi. Trong một phút về cái hơi thở: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra.” Con chỉ cần hít vô, thở ra trong một phút, rồi con nghỉ một phút, rồi con tập. Trong đó, con tập ba mươi phút.

Rồi con sẽ trình bày về hơi thở con có. Bởi vì Thầy thấy con có cái sức lực để mà dạy về hơi thở. Cho nên vì vậy mà con tập thở bình thường thôi. Con đừng thở chậm, cũng đừng có thở ngắn. Thở theo hơi thở bình thường, nhưng mà con tập chỉ một phút thôi, tập cho kỹ từng hơi thở.

“Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra.” rồi con hít vô, thở ra năm hơi thở, rồi con tác ý một lần, rồi con thở ra, thở vô lần nữa. Cứ như vậy cho đúng một phút rồi con nghỉ. Nghĩa là được bao nhiêu hơi thở, thì tới đó Thầy cho con nghỉ.

Thí dụ như mười hơi thở mà một phút thì con nghỉ, mười lăm hơi thở một phút con nghỉ, hoặc là mười ba hơi thở mà đúng một phút con cũng nghỉ nữa. Thay vì phải mười lăm hơi thở thì nó đúng là một phút, nhưng mà nếu mà đúng mười lăm mà nó lại thừa phút, thì mới có mười ba hơi thở, chưa tới mười lăm mà nó đã một phút rồi, thì con lấy số mười ba đó mà con sẽ tu. Mười ba hơi thở mà tu. Thí dụ ấy.

À, do đó con tu về cái hơi thở cho Thầy. Cái phần của con tu về hơi thở. Phải không? Đó, như vậy là con nhớ về tập chuyên nhất giùm Thầy cái hơi thở thôi. Và đồng thời nó có buồn ngủ thì con đi kinh hành, đi tới đi lui vậy cho Thầy. Rồi ngày mai gặp Thầy, Thầy sẽ dạy lại. Rồi, để trình bày lại cho Thầy biết cái tu tập nó như thế nào, cái kết quả nó ra sao, rồi Thầy sẽ chỉnh sửa lại con.

4- NƯƠNG THÂN HÀNH TRỊ BỆNH

(28:34) Trưởng lão: Còn riêng con thì con ngồi xếp bằng vầy. Phải không? À, con ngồi xuống đi. Con ngồi đi, đừng có ngồi vậy. Con ngồi xếp bằng như thế này, con. Con nhắc: “Đưa tay ra tôi biết tôi đưa tay ra.” thì con đưa ra. “Đưa tay vô tôi biết tôi đưa tay vô.” thì con đưa vô. “Đưa tay ra tôi biết tôi đưa tay ra.” thì con đưa ra. “Đưa tay vô tôi biết tôi đưa tay vô.” thì con đưa vô. Con nhớ không? Con tập như vậy thôi.

Rồi con tập ba mươi phút cứ đưa ra đưa vô vậy, nhắc. Cứ mỗi đưa ra đưa vô con nhắc, con tập trung trong đó. Rồi ngày mai Thầy kiểm điểm coi đưa ra, đưa vô vậy có vọng tưởng, có nghĩ ngợi gì trong đó không. Rồi Thầy sẽ xem, Thầy sẽ xác định cho. Phải không? Con nhớ tập đi.

Tu sinh 2: Con bắt đầu khởi tâm, khởi niệm làm thì đưa tay nào trước, tay phải trước hay tay trái trước?

Trưởng lão: À, tay nào mà hợp. Con làm mà con thấy nó thuận là con đưa nó trước.

Tu sinh 2: Tay nào trước cũng được?

Trưởng lão: Cũng được hết, nhưng mà nó thuận của con thì con cứ đưa.

Tu sinh 2: Với thời gian thì trước đây, con chưa ngộ thiền thì con chỉ làm với năm lần, tức là năm lần tác ý. Trong một lần tác ý là con thở năm hơi rồi tác ý làm năm lần như vậy, tức là năm lần tác ý tay trái, rồi lại năm lần tác ý tay phải, rồi lại trở lại.

Trưởng lão: Bây giờ con làm vậy quen chưa?

Tu sinh 2: Một tay như vậy thì con lại một lần tác ý là…​

Trưởng lão: Năm lần. Năm lần đưa ra đưa vô. Rồi.

Tu sinh 2: Nay hết bệnh đưa tay ra vô thì là đó là cơ hội tiện. Như vậy là con làm một lần tác ý như vậy thì lại thở năm hơi, nhẹ.

Trưởng lão: À, năm lần con đưa ra đưa vô vầy, phải không?

Tu sinh 2: Tay trái hết năm lần như vậy thì đến lượt chuyển sang tay phải. Như vậy là được, đúng chưa ạ?

Trưởng lão: Đúng. Con làm vậy được rồi. Bây giờ để rồi Thầy sẽ kiểm lại. Kiểm lại cái đó coi thử coi nó. Con sẽ…​ Ngày mai. Con bây giờ con tập đi.

Về cái vấn đề mà đưa tay ra vô vầy, ngày mai con sẽ ngồi con tập cái đó, Thầy sẽ xem coi như thế nào, Thầy chỉnh lại cho đàng hoàng. À, con làm đúng vậy phải không? Cứ tác ý một lần: “Đưa tay ra tôi biết tôi đưa tay ra, đưa tay vô tôi biết tôi đưa tay vô.” Rồi con đưa ra, đưa vô năm lần phải không? Rồi, bắt đầu bây giờ tay này cũng năm lần, tay này năm lần, phải không?

Rồi ngày mai rồi Thầy sẽ kiểm lại con thử coi cách thức tu đúng hay sai. Rồi lần lượt con đã tu có cái gì mà có căn bản rồi thì Thầy tiếp tục cái căn bản đó, Thầy đưa lên. Chứ không có bỏ cái căn bản đó. Con hiểu không? Bởi vì nó đã quen rồi mà Thầy thấy đúng là phải dạy con lên, chứ không phải là dạy ở chỗ đó. Hiểu không?

(31:55) Tu sinh 2: Dạ bạch Sư Ông cho con hỏi. Đây là mới về riêng một cái pháp là pháp trị bệnh hiện tại đây mà thôi. Chứ còn như người tu lâu thì như con trình bày …​ cái quá trình cũng có năm bảy tháng rồi. Cho nên con cũng có đọc được năm bảy tập sách. Thì trong đó cũng còn nhiều cái điểm mà được về đây thì con cũng …​

Đầu tiên là con đọc cái tập về Cẩm Nang, hành đúng theo cái chương trình bốn thời của Tu viện đề ra, một thời đó là có ba tiếng. Ngày đêm thì có bốn thời, thì trong bốn thời đó, thì con cũng hành tổng hợp theo đúng với thời khóa biểu ấy.

Sau một thời gian, gần đây thì là có hai tháng đây thì con mượn được một số sách giáo lý. Thì như con đọc cái Mừng Ngày Phật Đản của năm 2005, rồi mừng tập của Truyền Thống, thì con thấy có dạy thêm trong cái bài kinh của quyển, của Đức Ông dạy thì bài kinh đó có mười bảy điều thì con cũng thấy là căn bản. Ngay như là cái đầu tiên, cái bài thập thiện thì đi sâu vào là, cũng là nói chung là đi về là cùng một cái pháp là …​

Ba giới là dạy từ cái thân hành kiết sử và thân tham, sân, si với cái giới là cái danh từ đúng, nhưng mà nội dung là dạy từ cái, là mấy cái ở bên Đại thừa là tu theo hạnh con bò, con chó rồi là hạnh đứng hạnh ngồi ba năm đó. Rồi, cái nớ dễ.

Nhưng mà theo trong giáo lý của Đức Ông dạy thì khó khăn nhất là một cái giới, là thân tham, đầu tiên là khó bỏ. Mà muốn làm được cho mau thì là phải là …​ về pháp là cũng là kiên trì vào định là Tứ Niệm Xứ. Kiên trì thì mới giải quyết được, không thì…​ không phải là dễ. Không vì …​ thứ mười một ấy, thì là cũng là có nói tóm lại là phải hành Tứ Niệm Xứ cho nhiều. Đó, thân, thọ, tâm, pháp, bốn niệm đó là căn bản, chứ không phải là dễ. Như còn nếu mà hành ít ấy, thì Tứ Niệm Xứ với lại căn bản là phải đi Thân Hành Niệm.

Nhưng mà vì là nếu con đi, như đã trình bày với Đức Ông để sau khi nhiễm bệnh thần kinh, nhập viện vài tháng chưa khỏi. Cho nên là cái Thân Hành Niệm thì con đi lúc được, lúc không cũng như chuyện trời nắng, chuyện trời mưa thì đứng một chân lên này, nhón chân lên mà giở chân lên thì đứng không nổi. À, có những khi thì đi rất bình thường. Có những khi trời chuyển trời thì thần kinh là yếu thì nó…​

(34:18) Trưởng lão: Cho nên được rồi. Thầy đã biết rồi. Bây giờ Thầy dạy như vậy, là cái mục đích, đầu tiên Thầy biết rằng, Thầy kiểm điểm lại coi cái bàn tay có để đúng cách để mà đưa bệnh được không? Bởi vì Thầy biết cái bệnh của con rồi. Và đồng thời Thầy sẽ dạy cho con. Bởi vì tuổi già rồi, sức yếu, bệnh tật, không thể tu lung tung được. Con hiểu không?

Bắt đầu bây giờ Thầy mới dạy cái pháp cho con để giữ được cái tâm của con bất động, để cho con ở trên cái chỗ tâm bất động thôi. Còn khi mà cái thân nó bị bệnh là dùng cánh tay này. Mà chính con đã đang ở trong cái bệnh chứ chưa phải là hoàn toàn hết bệnh.

Cho nên Thầy muốn dạy cho con là tùy theo cái căn cơ con để con tu tập cái bàn tay của con đó, cái đưa ra, đưa vô để con đối trị cái bệnh của con sắp sửa…​ Khi mà tâm con đã giữ được thanh thản, an lạc, vô sự, thì thân con đang bệnh, chứ không phải là hết bệnh. Cho nên khi mà tâm thanh thản, an lạc, vô sự, con tác ý, con giữ được rồi thì con đưa tay ra, con mới thấy cái thân bệnh của con này nó sẽ đi theo đó mà nó ra, để trợ giúp cho con, cái thân nó trở về nó bình phục, nó bình an.

Rồi, con cũng từ ở trên cái pháp mà thanh thản, mà gọi là Tứ Niệm Xứ đó. Nhưng mà Tứ Niệm Xứ của cái người già nó không phải là Tứ Niệm Xứ của người trẻ. Con hiểu không? Nhưng mà người già, người trẻ, cái trạng thái đều giống nhau. Thanh thản, an lạc, vô sự, người nào cũng giống nhau. Nhưng mà cái người trẻ người ta còn tu những cái pháp này, pháp kia thêm để cho người ta đối trị những cái chướng ngại của thân người ta. Còn con thì bây giờ chỉ còn có cái bàn tay đưa ra, đưa vô thôi. Chứ con mà dạy hơi thở nữa thì chắc nó có rối loạn thêm. Con hiểu không?

Cho nên vì vậy đó, thì con hãy tu tập cái bàn tay đi. Rồi Thầy dạy một cái pháp nữa để con giữ được cái tâm thanh thản, an lạc, vô sự của con thôi. Con tu. Rồi kế đó Thầy sẽ dạy cho những cái giới gì mà con giữ. Bởi vì giới, con thấy mười bảy cái điều lợi ích của giới mà. Con đọc cái tập sách đó rồi mà.

Cho nên vì vậy mà Thầy phải dạy cho con giữ gìn những cái giới để nó chuyển cái nghiệp của cái thân con đang thọ bệnh. Cái giới nó mới là thiện pháp, nó chuyển ác pháp. Con hiểu không? Cho nên lần lượt, Thầy sẽ dạy cho con đầy đủ. Khi mà con trở về, con có pháp để mà đối trị.

Chứ bây giờ con đọc sách, con tập lung tung. Con bây giờ tuổi già mà tập cho hết những cái pháp này chắc con chết mất. Không có kịp! Hiểu chưa?

(36:40) Tu sinh 2: Bạch Thầy! Cũng vì chưa hiểu, gần được rồi hay là nếu xem…​ cái nào mà đọc mà thấy chọn lọc là con hành theo. Như ví dụ như trong những khi đi, đêm khuya, cái buổi khuya, sáng 2 giờ, 5 giờ sáng thì thường thường là bị cái hôn trầm. Thì con đọc ở trong giới hành đức hạnh sa di thì có cái câu pháp là Đức Ông dạy là hành đuổi sạch hôn trầm, thùy miên, vô ký thì con cũng hành. Nhưng mà có lúc được, mà có lúc vẫn không được …​

Trưởng lão: Không được. Con bị bệnh mà. Con hành theo kiểu mà người ta không bệnh thì đâu được con.

Tu sinh 2: Nhưng mà có những buổi thì là…​

Trưởng lão: Bởi vậy. Không được đâu. Khi mà nó không có thì con hành được. Cho nên Thầy không có dạy những cái điều kiện mà đối với cái cơ thể của con. Cái đặc tướng của con bây giờ là đặc tướng của người bệnh rồi. Đọc sách mà con tu lung tung thì không có được đâu. Để Thầy dạy cho. Hiểu không? Có Thầy mà.

Tu sinh 1: Mô Phật. Con bạch Thầy, như Thầy dạy cho con lúc nãy là con tu một phút sau đó con nghỉ mấy phút rồi con lại tu tiếp phải không Thầy?

Trưởng lão: Ờ, con cứ nghỉ rồi vài phút rồi con tu tiếp con. Cứ như vậy cho kỹ lưỡng hẳn hoi. Tu chuyên là một pháp là phải tu kỹ, đàng hoàng đó, đặng cho nó có chuyên môn, nó đi lên. Nhớ Thầy dạy rồi mấy con tu. Thầy coi từ đặc tướng của mọi người mà Thầy truyền cho cái pháp cho nó hợp. Mấy con tu cho nó kết quả nó nhanh, con. Hiểu không? Con về, con nhớ về con tu đi.

Tu sinh 1: Còn thắc mắc là để người ta, họ nghiên cứu thêm. Về tập cái đó rồi mai lên Thầy chỉ cho con…​

Trưởng lão: Lên rồi lần lượt Thầy dạy thêm con.

Tu sinh 3: (…​)

5- TU TẬP CĂN BẢN TỪNG PHÁP

(38:36) Trưởng lão: Rồi, con trình bày với Thầy, con. Bây giờ con xin Thầy cái pháp con tu phải không con?

Tu sinh 3: Dạ.

Trưởng lão: Ừ. Bây giờ thì đối với con thì bắt đầu, tuổi còn trẻ thì mấy con phải bắt đầu tu. Con tập đi kinh hành Chánh Niệm Tĩnh Giác.

Con đi bình thường, con tác ý: “Tôi đi kinh hành, tôi biết tôi đi kinh hành.” Rồi con đi tới, đi lui vậy đúng ba mươi phút. Con tập cho nó quen, đừng có mỏi chân con.

Và đồng thời con tập hơi thở: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra.” Con tập hít vô, thở ra.

Đi kinh hành Chánh Niệm Tĩnh Giác tức là con đi, con không có đứng lại hít thở nha. Hồi nãy Thầy dạy cho chú kia là đứng lại hít thở, còn riêng con thì tập đi kinh hành thôi. Con đi tới, đi lui, con chú ý con biết con đi dưới chân thôi.

Mà nó có niệm gì thì con nhắc. Tất cả những niệm, khi mà con thấy có cái niệm, con tác ý: “Tôi đi kinh hành, tôi biết tôi đi kinh hành.” Để nhắc cho nó trở về nó đi kinh hành, cho nó biết đi kinh hành thôi. Con cứ đi, rồi ngày mai con trình lại cái cách thức đi. Đi ba mươi phút thôi con. Có mỏi chân hay không mỏi chân, ngày mai con trình lại Thầy. Đi ba mươi phút rồi con nghỉ ba mươi phút.

Rồi con tu cái hơi thở, con. Con tu hơi thở, con tu kỹ, con. Con nhiếp từng năm hơi thở thôi. Từng năm hơi thở: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra.” Rồi con hít vô, thở ra, hít vô …​ Con tu cho kỹ từng hơi thở đó. Tu đừng có vọng tưởng xen vô đó, con. Con hiểu không?

Mà năm hơi thở thì con ngừng lại. Con ngừng lại con nghỉ. Thay vì con tu năm hơi thở thôi, rồi con nghỉ năm phút. Con nhìn, con có đồng hồ con nhìn đồng hồ năm phút, rồi con tập cho chuẩn con tu năm hơi thở. Rồi, ngày mai, con trình bày lại về vấn đề tu, để cho nó có căn bản.

Nghĩa là nhiếp phục trong năm hơi thở hoàn toàn rất kỹ, đừng có tu tập mà lấy có. Đừng nghĩ rằng năm hơi thở dễ, không phải dễ đâu. Cho nên tập rất kỹ con. Rồi ngày mai báo cho Thầy biết cái hơi thở con có rối loạn, có nó mệt, có gì không thì báo cho Thầy biết để sử dụng năm hơi thở thôi, rồi Thầy sẽ cho tăng lên. Phải không?

À, con tu đi kinh hành, hơi thở. À, hai cái đó thôi. Hễ khi mà con tu ba mươi phút, trong cái hơi thở thì mỗi lần vậy đó, con tu là có năm hơi thở rồi nghỉ năm phút. Chứ không có tu gì nữa, nghỉ, ngồi chơi. Có tâm niệm gì khởi nghĩ ấy, nó có khởi nghĩ này kia ấy, thì con tác ý dừng lại. Chừng chỗ này yên lặng, thanh tịnh, nó khởi nghĩ, buồn, nhớ hay lo lắng gì đó, con bảo: “Ở đây không có buồn, nhớ, lo lắng gì.” Con cứ tác ý vậy đó để cho tâm con nó bình thường.

(41:57) “Cuộc đời khổ lắm. Đừng có nghĩ ngợi gì lung tung. Hãy ráng mà tu tập. Hãy ráng mà giữ bình tĩnh.” Thì con nhắc con vậy rồi, con để chờ cho đến cái phút tới giờ phút mà con tu hơi thở thì con hít thở năm hơi thở. Rồi con xả nghỉ, con ngồi chơi.

Mà khi nó có buồn ngủ thì con đứng dậy con đi kinh hành như Thầy nói. Mà nó không có buồn ngủ, thì con ngồi lại. Nó có niệm gì thì con bảo: “Dừng đi. Đừng có nghĩ tầm bậy tầm bạ.” Con cứ tác ý như vậy đi. Để cho nó, trong cái thời gian mà con ngồi tu, con ngồi nghỉ, nó có những niệm, con nghĩ con đuổi nó. Còn hễ buồn ngủ, con đứng dậy, con đi kinh hành. Rồi hết cái giờ đó rồi, bắt đầu con tập đi kinh hành hết, đi hết ba mươi phút, đi hoài, đi con đi tới, đi lui, đi tới, đi lui. Nhưng mà con cứ nhớ, con tác ý: “Tôi đi kinh hành, tôi biết tôi đi kinh hành.”

Nếu mà điều kiện mà con thấy con đi như vậy mà sao loạn tưởng nhiều, tức là nó có niệm này, niệm kia khởi trong khi con đi đó, thì con nhớ con đếm. Con đi cứ mười bước vậy thì con tác ý: “Tôi đi kinh hành tôi biết tôi đi kinh hành.” Rồi con đếm một, hai, ba, bốn …​ theo bước đi, con. Con đếm. Đếm một, hai, ba, bốn tới mười, rồi con nói, tác ý: “Tôi đi kinh hành tôi biết tôi đi kinh hành.”

Còn nếu mà con đi, mà hoàn toàn mà con đi mà nó không niệm, thì con để vậy con đi không niệm. Còn nó có niệm, nó có vọng tưởng, nó khởi lên. Cứ đi chút nó có thì con mới đếm một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, mười. Rồi con dừng lại, con tác ý: “Tôi đi kinh hành, tôi biết tôi đi kinh hành.” Rồi con tiếp tục con đi mười bước nữa, rồi con đếm một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười. Phải không?

Đầu tiên con đi thử, con thấy nó không có niệm gì hết, thì con đi luôn. Còn nếu mà có niệm ấy, thì bắt đầu con tu trở lại cho nó kỹ. Nghĩa là con đi từ mười bước, rồi con tác ý một lần, rồi con đi. Cứ vậy rồi ngày mai sẽ trình lại Thầy.

Chứ đừng kết hợp hơi thở nha con. Bởi vì nếu mà khi mà con đọc sách thì con có kết hợp hơi thở. Thầy dạy đây theo đặc tướng của mỗi người để tập, nâng lên lần lượt, chứ không thể nào mà vội vàng mà được. Bởi vì tu phải có chất lượng, chứ không khéo nữa con tu nhiều mà nó không có chất lượng thì nó dậm chân tại chỗ.

Còn đã về đây, Thầy hướng dẫn rồi thì coi như là tu phải đạt được kết quả chất lượng đàng hoàng, không có tu chơi đâu. Tu thật sự. Tu là bỏ hết cuộc đời mấy con. Thầy nói không tu thì thôi, chứ mà tu theo đạo Phật là coi như mình bỏ cuộc đời. Con nhớ không? Con về con tập rồi ngày mai sẽ gặp lại Thầy.

Trưởng lão: Còn riêng con con. Rồi bắt đầu bây giờ con về con tu tập. Con nhớ cái, con tập cánh tay, con đưa ra đưa vô như hồi nãy Thầy dạy cho cụ đó, con. Bởi vì thân con có bệnh rồi. Con cố gắng con tập. Ừm, con tập.

Con nhớ rằng cô Huệ Ân, cô có cái mụn ruồi ở chỗ này. Mụn ruồi nó nổi lên nó đen mà nó bự vầy. Mà cô tác ý. Cứ cô ngồi tu cô tác ý, cô bảo: “Cái mụn ruồi này tiêu.” Rồi cô tu, cô đưa tay ra, tay vô hoặc cô hít thở, cô cứ tác ý. Chừng một vài ngày đó, cô gỡ vầy, nó văng mất cái mụt ruồi mất, con.

Pháp Phật nó hay vậy. Người ta đã có mụn ruồi mà lại tác ý, nó lại mất đó mấy con. Cái mặt bây giờ không có mụn ruồi, con. À, có nhiều người già đó, mấy con, nó nổi lên cái mụn gì đen đen, đen đen, nó làm cái mặt nó đen đen, xấu đó. Còn cái này, thật sự ra Thầy nói vậy, rồi cô cứ cô tu vậy mà cái mụn ruồi cô nói: “Sao hôm nay nó nhột nhột kỳ?” Cô gãi, cái sao nó sứt ra, cái mày ra, cái chỗ này giờ trắng ra, không còn cái mụn ruồi nữa.

Con thấy pháp Phật ghê gớm không? Chỉ có mình tin rồi mình làm vậy thôi, mình vô tình thôi, mà cuối cùng rồi sao nó lại tiêu mất à. Cho nên mấy con yên tâm đi, con. Trong cái vấn đề mấy con tu tập, mấy con nhớ tập cánh tay đi, mấy con. Con nhớ con tập vậy đó, con. Con ngồi xếp bằng lại: “Đưa tay ra, tôi biết tôi đưa tay ra…​” Khi nào mà con nhiếp được rồi thì Thầy dạy con đẩy lui các chướng ngại trên thân. (44:59)

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy