“Ở đây, này Mahànàma, Thánh đệ tử tùy niệm Như Lai, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, tâm không bị sân chi phối, tâm không bị si chi phối; trong khi ấy, tâm vị ấy được chánh trực, nhờ dựa vào Như Lai. Và này Mahànàma, một vị Thánh đệ tử, với tâm chánh trực, liền được nghĩa tín thọ, được pháp tín thọ, được hân hoan liên hệ đến pháp. Người ấy có hân hoan nên hỷ sanh. Người có hỷ, nên thân được khinh an. Với thân khinh an, người ấy có cảm giác lạc thọ. Người có lạc thọ, tâm được định tỉnh”. “Này Mahànàma, về vị Thánh đệ tử này, được nói như sau: “Với mọi người không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với mọi người não hại, vị ấy không não hại. Nhập được pháp lưu, vị ấy tu tập niệm Phật là vậy”. (Kinh Tăng Chi tập 3 trang 16) (263) |
Muốn tu Tứ Bất Hoại Tịnh thì phải tu Định Vô Lậu, tu Định Vô Lậu tức là thể hiện pháp môn Tứ Niệm Xứ, thể hiện Tứ Niệm Xứ tức là trên thân, thọ tâm và pháp mà tu tập, sống và làm việc giống như thân, thọ, tâm, pháp của đức Phật; nhưng muốn tu tập cho được tốt thì các bạn phải tùy theo đặc tướng thân, thọ, tâm và pháp của các bạn mà niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng và niệm Giới được triển khai mạnh, quét sạch tất cả các lậu hoặc, diệt ngã, xả tâm, ly dục, ly ác pháp.
Tu như vậy gọi là tu Định Vô Lậu câu hữu (kết hợp) với pháp Tứ Bất Hoại Tịnh, tức là tu Định Vô Lậu thân, thọ, tâm và pháp để sống và làm đúng như đức Phật đang sống và đang hành. Đúng như pháp mà đức Phật đã dạy không được làm sai lời dạy của pháp. Đúng như đời sống chúng Thánh Tăng đang sống đang hành và đúng như giới luật đã dạy không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào cả.
Tứ Bất Hoại Tịnh là bốn pháp hay là bốn đối tượng gương hạnh thanh tịnh của Đạo Phật, để làm bốn chỗ chúng ta lấy thân, thọ, (264) tâm và pháp của mình nương theo đó giữ gìn tu tập sống đúng đời sống giải thoát của bốn chỗ này, khiến cho thân tâm chúng ta thanh tịnh, nên đức Phật gọi pháp môn này là Tứ Bất Hoại Tịnh.
Tứ Bất Hoại Tịnh có nghĩa là bốn pháp tu tập giúp cho thân tâm thanh tịnh, thân tâm thanh tịnh tức là sự giải thoát của Đạo Phật, sự giải thoát của Đạo Phật có nghĩa là tâm ly dục ly ác pháp, tâm ly dục ly ác pháp có nghĩa là không làm khổ mình, khổ người, không làm khổ mình, khổ người là một đạo đức nhân bản của Đạo Phật, một đạo đức tuyệt vời biến cảnh thế gian này thành cảnh Cực Lạc, Thiên Đàng.
Trong kinh sách Nguyên Thủy đức Phật dạy tu Tứ Bất Hoại Tịnh là có bốn cách niệm:
a) Niệm Phật như thế nào? (265)
Các kinh sách Đại Thừa và các nhà học giả Phật giáo dạy niệm Phật là niệm danh hiệu Phật như:
-
Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni hay Nam Mô Ứng Cúng Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
b) Niệm Pháp như thế nào?
Kinh sách Đại thừa dạy niệm Pháp là tụng kinh, tụng chú, v.v..
c) Niệm Tăng như thế nào?
Kinh sách Đại thừa dạy niệm Tăng là cúng dường trai tăng y áo, thực phẩm, tiền bạc và tứ sự.
d) Niệm Giới như thế nào?
Kinh sách Đại Thừa dạy niệm Giới là mỗi tháng tụng giới hai ngày vào ngày 14 và ngày 30.
Cho nên, hiện giờ trong các chùa theo tưởng giải của các nhà học giả Phật giáo Đại Thừa dạy Tăng Ni và các cư sĩ niệm Phật rất ồn náo, niệm tất cả những danh hiệu của chư Phật mà các nhà học giả tưởng tượng ra vô số tên Phật. Thậm chí, như bộ Tây Du Ký của Ngô (266) Thừa Ân tưởng tượng viết theo kiểu tiểu thuyết bốn thấy trò Tam Tạng thỉnh kinh Đông Độ, đó là những nhân vật giả tưởng, không có thật, thế mà bộ kinh Hồng Danh sám hối lại ghi những nhân vật đó vào để chư Tăng, những ngày 14 và ngày 30 mỗi tháng đều niệm và lạy hồng danh chư Phật đó, để xin sám hối cho tiêu tội. Trong kinh sám hối Hồng Danh có cái tên Đấu Chiến Thắng Phật. Đấu Chiến Thắng Phật tức là Tôn Hành Giả, Tôn Hành Giả còn có tên là Tề Thiên Đại Thánh. Tề Thiên Đại Thánh là một loài khỉ đột, nhà tiểu thuyết tưởng tượng ra chứ không có thật, thế mà các Tổ Sư Đại Thừa xem đó là có thật nên biên soạn kinh Sám Hối Hồng Danh ghi tên thầy trò Đường Tăng vào để bắt Tăng, Ni và nam nữ cư sĩ niệm Hồng danh các vị ấy và lạy mòn đầu gối. Thật là buồn cười cho quý Tăng, Ni và cư sĩ u mê ngu si bị lừa đảo mà không hay biết bị lừa đảo.
Niệm Phật như kiểu này dù có niệm muôn ngàn kiếp thì thân tâm cũng không bao giờ thanh tịnh, một bằng chứng hiển nhiên mà ai cũng thấy, quý thầy và quý Phật tử trong các chùa quanh năm suốt tháng không có ngày nào mà không tụng kinh niệm Phật, nhưng chúng (267) ta xét lại xem số tu sĩ và cư sĩ hiện giờ tụng kinh niệm Phật thân tâm có thanh tịnh hay không? Hay tâm còn tham, sân, si như các người khác. Như vậy, gọi là niệm Phật thân tâm được thanh tịnh, thân tâm thanh tịnh chỗ nào? Đó là tưởng giải của các nhà học giả dạy sai ý Phật, nên người đời sau tu mà không có kết quả, biến cảnh chùa nơi tu hành thanh tịnh thành chỗ cúng tế, niệm danh hiệu Phật. Khi tụng kinh niệm Phật thì chuông, trống, mõ làm inh ỏi ồn náo, tụng kinh như ca hát ý ê, ý à … giọng cao giọng thấp, trầm bổng nghe như hát bộ. Kinh sách Đại Thừa biến dần Tứ Bất Hoại Tịnh thành pháp môn tụng niệm, nói cách khác là biến thành ca nhạc Phật giáo, để ru hồn tín đồ vào thế giới siêu hình mê tín, gây tinh thần tiêu cực, tựa nương vào thế giới tưởng, khiến cho Phật giáo mất hết ý nghĩa tự lực giải thoát, cho nên tín đồ hiện giờ nghe vị Thầy nào tụng niệm ê a giọng cao, giọng thấp thì rất thích, nghe như nghe âm nhạc thế gian và còn thích hơn vì thỏa mãn được tình cảm thân thương của mình đối với những người thân đã khuất.
Từ cái hiểu sai, dẫn đến sự tu sai, khiến cho Phật giáo suy thoái không còn người tu (268) chứng đạo, chỉ còn là vọng ngữ huyền thoại nói láo chuyền nhau.
Niệm người ta hiểu nghĩa của nó là lặp đi lặp lại một câu kinh, một danh hiệu Phật bằng ý không lời hoặc phát ra lời nói, họ còn hiểu sai hơn nữa là nhờ câu niệm Phật để ức chế tâm không vọng tưởng như trong kinh Di Đà dạy: “…Thất nhựt nhất tâm bất loạn chuyên trì danh hiệu A Di Đà Phật, dữ chư Thánh chúng hiện tại kỳ tiền”, có nghĩa là niệm Phật A Di Đà từ một ngày cho đến bảy ngày, tâm không loạn tức là không có vọng tưởng thì thấy Phật Di Đà và Thánh Chúng hiện ra trước mặt, báo cho biết trước khi lâm chung, đức Phật và Thánh Chúng sẽ phóng hào quang rước về cõi Cực Lạc Tây Phương. Hiểu như vậy, nên Thầy Tổ nào cũng có một xâu chuỗi, lúc nào cũng lần chuỗi niệm Phật.
Từ chỗ hiểu sai Tứ Bất Hoại Tịnh các nhà học giả Đại Thừa và Thiền Đông Độ đã biến thành một pháp môn ức chế tâm, pháp môn ức chế tâm chẳng giúp cho người tu giải quyết được gì cả mà còn thêm bịnh.
Niệm trong Tứ Bất Hoại Tịnh có nghĩa là tư duy, quán xét, suy ngẫm về thân, thọ, tâm và pháp của đức Phật, sống như thế nào mà (269) tâm hồn thanh thản an lạc giải thoát, cho nên niệm có nghĩa là tâm tâm niệm niệm về đời sống của đức Phật, Ngài sống như thế nào mà tâm không phóng dật? Ngài sống như thế nào mà không làm khổ mình, khổ người?
Khi mà tâm niệm của chúng ta như vậy khiến cho tâm chúng ta đặt lòng tin trọn vẹn ở đức Phật, do đó, đức Phật sống như thế nào thì chúng ta sẽ cố gắng sống như thế nấy, đức Phật làm như thế nào thì chúng ta sẽ cố gắng làm như thế nấy. Sống và làm đúng như Phật thì tâm chúng ta thanh tịnh, không còn phóng dật tức là tâm ly dục ly ác pháp, tâm ly dục ly ác pháp tức là tâm giải thoát hay nói một cách khác hơn là làm chủ cuộc sống, tâm bất động trước các pháp, như vậy, mới gọi là niệm Phật thân tâm bất hoại tịnh.
Đây là một bài kinh dạy cách thức niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng và niệm Giới rõ ràng, chỉ vì các nhà Đại Thừa chẳng chịu nghiên cứu kinh sách Nguyên Thủy, tự kiến giải rồi dạy niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng và niệm Giới theo tưởng giải, khiến cho người tu tập ức chế tâm thành bệnh. Niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc đâu không thấy mà chỉ thấy bệnh đau quá hiểm nghèo. Hòa Thượng (270) Thiền Tâm là người xương minh pháp môn Tịnh Độ chuyên ròng niệm Phật, không biết Ngài niệm Phật ức chế tâm như thế nào mà trước khi chết Ngài đã ói ra máu, chúng tôi cũng có một người đệ tử cũng tu ức chế tâm để tịnh chỉ hơi thở cũng khạc ra máu đống đống. Muốn niệm Phật cho đúng thì chúng ta nên lắng nghe đức Phật dạy niệm Phật: “Ở đây, này Mahànàma, Thánh đệ tử tùy niệm Như Lai, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, tâm không bị sân chi phối, tâm không bị si chi phối; trong khi ấy, tâm vị ấy được chánh trực, nhờ dựa vào Như Lai”. Đoạn kinh trên đây, đức Phật đã xác định cách thức niệm Phật rất rõ ràng “Tuỳ niệm Như Lai” có nghĩa là tâm Như Lai không tham, không sân, không si thì người sống (niệm Phật) như Phật không nên để tham, sân, si chi phối. Khi tâm không bị tham, sân, si chi phối thì tâm được chánh trực. Danh từ “chánh trực” ở đây, chúng ta phải hiểu nghĩa cho rõ ràng. Chánh trực có nghĩa là tâm ngay thẳng, tâm ngay thẳng tức là tâm thanh thản, an lạc và vô sự là Tâm không phóng dật.
Chúng ta hãy lắng tai nghe tiếp đức Phật dạy: “Và này Mahànàma, một vị Thánh đệ (271) tử, với tâm chánh trực, liền được nghĩa tín thọ, được pháp tín thọ, được hân hoan liên hệ đến pháp. Người ấy có hân hoan nên hỷ sanh. Người có hỷ, nên thân được khinh an. Với thân khinh an, người ấy có cảm giác lạc thọ. Người có lạc thọ, tâm được định tỉnh”.
Đoạn kinh trên đây, đã xác định cho chúng ta thấy kết quả cách thức sống như Phật sẽ hiện ra những trạng thái gì?
Khi sống như Phật, tâm được thanh thản, an lạc và vô sự thì liền có một niềm tin nơi đức Phật khởi lên trong ta, vì thế kinh xác định trạng thái đó bằng những danh từ ngắn gọn: “liền được nghĩa tín thọ” nhưng rất đầy đủ ý nghĩa cho những ai thực hiện đúng lời dạy này, còn những người sống không đúng như Phật thì chẳng hưởng được những kết quả này. Vì thế, Phật dạy: “Pháp ta không có thời gian đến để mà thấy”.
Khi trong ta có trạng thái lòng tin Phật khởi lên, nếu ai có thực hiện được mới biết trạng thái này, một trạng thái tuyệt vời của người có lòng tin như thật. Còn bây giờ, chúng ta chưa có trạng thái này, nói tin Phật chứ (272) chúng ta chưa có tin như thật. Khi nhận được cảm thọ lòng tin này thì ngay đó tâm hân hoan thích thú pháp niệm Phật. Vậy hân hoan thích thú pháp niệm Phật là gì? Nghĩa là chúng ta luôn luôn thích sống như Phật, có nghĩa là tâm không còn ham muốn một vật gì hết, ngay cả chuyện ăn uống cũng không còn ham muốn ăn uống gì cả. Tâm sân cũng vậy, không còn một pháp ác nào tác động vào thân tâm, làm ta không thể nổi sân được và si cũng vậy lúc bây giờ không còn ham thích lười biếng ưa ngủ nghỉ, có nghĩa là trong trạng thái tín thọ không còn hôn trầm, thuỳ miên, vô ký nữa mà rất siêng năng sống như Phật. Cho nên, đoạn kinh dạy: “Được hân hoan liên hệ đến pháp”. Cụm danh từ này có nghĩa là vui mừng thích thú sống như Phật.
Khi trong tâm có trạng thái thích sống như Phật thì một trạng thái khác hiện lên, đó là trạng thái niềm vui mừng khởi lên trong ta như kinh dạy: “Người ấy có hân hoan nên hỷ sanh”. Niềm vui mừng hiện rõ trong ta thì cơ thể ta an lạc và nhẹ nhàng như không còn trọng lượng, bước đi rất thoải mái, thân không còn đau nhức hay mệt mỏi gì cả, một trạng thái của thân an lạc vô cùng, nên kinh dạy: “Người (273) có hỷ, nên thân được khinh an”. Đúng vậy, người có niềm vui thì thân được nhẹ nhàng an lạc. Khi thân được nhẹ nhàng an lạc thì toàn bộ thân tâm có được một cảm giác thọ lạc một cách kỳ lạ mà không thể nói ra được, vì không có danh từ nào để diễn tả, chỉ có người nào tu tập đến những trạng thái này mới cảm nhận được như người uống nước nóng lạnh tự biết, không thể người ngoài cuộc biết được. Đoạn kinh đã xác định rõ ràng: “Với thân khinh an, người ấy có cảm giác lạc thọ”. Trong trạng thái lạc thọ này, hành giả mới xác định được tâm định tỉnh. Từ lâu, mọi người ai cũng nói tâm định tỉnh, nhưng chưa ai biết được trạng thái tâm định tỉnh như thế nào? Trải qua bao nhiêu trạng thái mới thấy được tâm định tỉnh. Với tâm định tỉnh này, các bạn sẽ nhập thiền định không có khó khăn, không có mệt nhọc. Tu tập được tâm định tỉnh không phải dễ đâu các bạn ạ!
Sống như Phật, cuối cùng chúng ta mới có được trạng thái tâm định tỉnh như trong kinh dạy: “Người có lạc thọ, tâm được định tỉnh”. Nếu tâm bạn chưa có lạc thọ thì không bao giờ bạn có được tâm định tỉnh. (274)
Sau khi được tâm định tỉnh thì các bạn mới có một cuộc sống bình thản trước mọi ác pháp và mọi cảm thọ; chừng đó chúng ta mới không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh như thật; chừng đó tâm chúng ta mới bất động thật sự trước các ác pháp và các cảm thọ. Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Này Mahànàma, về vị Thánh đệ tử này, được nói như sau: “Với mọi người không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với mọi người não hại, vị ấy không não hại. Nhập được pháp lưu, vị ấy tu tập niệm Phật là vậy”. (Kinh Tăng Chi tập 3 trang 16).
Đến đây, các bạn đã thấy rõ phương pháp niệm Phật của Phật giáo Nguyên Thuỷ không giống phương pháp niệm Phật của kinh sách Đại Thừa. Niệm Phật của kinh sách Đại Thừa là phương pháp niệm Phật ức chế tâm nhằm chế ngự vọng tưởng “Thất nhựt nhất tâm bất loạn…”. Đó là một phương pháp niệm Phật của ngoại đạo, chúng ta tu theo Phật thì hãy ném bỏ nó vì đó là phương pháp tu tập sai. Xin các bạn cần lưu ý để tránh sự lừa đảo của ngoại đạo.
Trên đây là một trong những bài kinh đã xác định đức Phật dạy niệm Phật rõ ràng, (275)“Dựa vào Như Lai” có nghĩa là sống giống như Như Lai thì đó là niệm Phật đúng nghĩa. “Dựa vào Như Lai” còn có nghĩa là tất cả oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín, ăn, uống, mặc y, mang bát, v.v.. đều có mặt Như Lai đang theo mình từng bước, từng việc làm, từng oai nghi tế hạnh.
Người niệm Phật luôn luôn lúc nào cũng thấy Phật ở bên mình nên cẩn thận phòng hộ sáu căn, giữ gìn nghiêm chỉnh không dám lơ đễnh, lúc nào cũng cảnh giác đề phòng. Do tu tập như nên tâm thanh tịnh, tỉnh giác trong chánh niệm. Nhờ đó, mà tâm được định tỉnh. Tâm được định tỉnh thì tâm nhu nhuyễn, dễ sử dụng nên nhập các định không có khó khăn, không có mệt nhọc như trong kinh Phật đã dạy.
Niệm Pháp theo kiểu các nhà học giả Đại Thừa dạy: “Nam Mô Pháp”, tức là tụng kinh, tụng chú. Trong các chùa hiện nay, ngày bốn thời tụng niệm: Tối tụng kinh cầu an, cầu siêu; khuya công phu tụng chú Thủ Lăng Nghiêm cúng nước; trưa cúng cơm chim đại bàng; Chiều (276) công phu thí thực gạo muối cúng cô hồn tụng kinh Mông Sơn. Niệm Pháp như vậy, dù cho có niệm đến 1.000 năm, 1.000.000 năm, thân tâm của quý vị cũng không thanh tịnh.
Niệm Pháp theo kinh Nguyên Thủy dạy, có nghĩa là phải tư duy suy nghĩ những pháp mà đức Phật đã dạy như: Tứ Bất Hoại Tịnh, Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ, Tứ Như Ý Túc, v.v.. cách thức sống và tu tập như thế nào rồi theo đó sống và tu tập cho đúng pháp như vậy gọi là niệm Pháp.
Ví dụ: đức Phật dạy: “Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp”, theo lời dạy này, ngày ngày tâm tâm niệm niệm luôn luôn cảnh giác giữ gìn và ngăn ngừa các pháp ác, nếu lỡ có các pháp ác nào sanh ra thì mau mau tìm cách diệt nó, không được để trong tâm kéo dài sự khổ đau giận hờn phiền toái bất toại nguyện, khiến cho tâm thanh thản an lạc nhẹ nhàng thoải mái yên ổn, đó chính là chúng ta niệm Pháp, niệm Pháp như vậy mới có kết quả giải thoát ngay liền, khiến cho tâm thanh tịnh nên gọi là niệm Pháp thân, tâm bất hoại tịnh.
Pháp của đức Phật có 37 phẩm trợ đạo, chúng ta nên chọn trong 37 phẩm trợ đạo này (277) với một pháp môn nào phù hợp với đặc tướng của mình, rồi lấy đó thực hành áp dụng vào cuộc sống hằng ngày, để xây dựng cho mình có một đạo đức làm người mà không làm khổ mình, khổ người, đây là niệm pháp bất hoại tịnh.
Đây, chúng ta hãy lắng nghe một đoạn kinh mà đức Phật đã dạy niệm Pháp: “Lại nữa này Mahànàma, Thánh đệ tử tùy niệm Pháp: “Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được những bậc trí tự mình giác hiểu!”.
Đoạn kinh trên đây đức Phật khéo nhắc nhở chúng ta phải nghiên cứu kỹ “giáo pháp phải thiết thực hiện tại” nghĩa là giáo pháp không có mơ hồ trừu tượng, không có ảo tưởng mê tín, không có nói chuyện trên trời dưới đất, thế giới siêu hình, linh hồn ma quỉ thần thánh, không nói chuyện thần thông pháp thuật bày trò lừa đảo, v.v..
“Không có thời gian, đến để mà thấy”, có nghĩa là Pháp của Phật không phải tu nhiều đời nhiều kiếp như kinh sách Đại thừa (278) dạy: “Tu phải nhiều đời nhiều kiếp, tu vô lượng kiếp”. Lời dạy ấy là lời nói sai. Pháp của Phật là đạo đức làm người, nếu chúng ta không sống như pháp thì không đạo đức. Không đạo đức là sống trong các ác pháp. Sống trong các ác pháp là khổ đau, là không giải thoát. Cho nên, pháp không có thời gian, hễ nếu ai sống đúng như pháp thì có giải thoát ngay liền. Cho nên, đức Phật dạy: “Đến để mà thấy”.
Pháp của Phật rất thực tế như vậy. Cho nên, ai sống được như pháp là niệm Pháp, chứ không phải niệm pháp là tụng kinh, xin các bạn lưu ý cho. Sống như pháp của Phật sẽ đưa chúng ta từ loài động vật chuyển thành con người, từ con người chuyển thành Thánh nhân “Có khả năng hướng thượng”.
Thưa các bạn! Khi chúng ta sống đúng như pháp thì tâm tham, sân, si không chi phối được ta, nên hoàn toàn thân tâm ta được giải thoát. Vậy chúng ta hãy lắng nghe Phật dạy niệm Pháp: “Này Mahànàma, trong khi vị Thánh đệ tử tùy niệm Pháp, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, không bị sân chi phối, không bị si chi phối”. Đúng vậy, chúng ta sống đúng như pháp đã dạy thì tâm (279) tham, sân, si không còn tác động được nên thân tâm được thanh thản an lạc và vô sự. Thân tâm được thanh thản, an lạc và vô sự mà trong kinh dạy tâm vị ấy được chánh trực: “Trong khi ấy tâm vị ấy được chánh trực, nhờ dựa vào Pháp”.
Khi tâm được thanh thản, an lạc và vô sự thì lòng tin đối với chánh pháp của Phật mới được đầy đủ trọn vẹn: “Và này Mahànàma, Thánh đệ tử với tâm chánh trực, được nghĩa tín thọ”.
Khi lòng tin chánh pháp được hiện tiền thì tâm ta hân hoan rất thích thú ưa pháp muốn tu mãi, muốn không rời pháp. Do đó, đức Phật xác định: “Được pháp tín thọ, được hân hoan liên hệ đến pháp”.
Khi tinh tấn siêng năng ôm pháp tu tập thì niềm vui trong ta sinh khởi: “Người có hân hoan nên hỷ sanh”.
Khi niềm vui trong ta sinh khởi thì cảm giác toàn thân nhẹ nhàng an lạc, nên đoạn kinh xác định: “Người có hỷ nên thân được khinh an”.
Khi cảm giác toàn thân nhẹ nhàng an lạc thì thân tâm có một trạng thái lạc thọ tuyệt (280) vời, đến đây người nào có tu tập mới cảm nhận được: “Với thân khinh an, vị ấy cảm giác lạc thọ”.
Khi chúng ta cảm giác thân tâm lạc thọ đầy đủ thì tâm lúc nào cũng không phóng dật, luôn luôn bất động định tỉnh. Chúng ta nghe Phật dạy: “Với tâm định tỉnh nhu nhuyễn, dễ sử dụng”. Đây là tâm định tỉnh mà trên con đường tu tập từng giờ, từng phút mà chúng ta mới thấy được: “Người có lạc thọ, tâm được định tỉnh”.
Để kết luận phương pháp niệm pháp chỗ tâm bất động chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Này Mahànàma, về vị Thánh đệ tử này được nói như sau: “Với mọi người không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với mọi người có não hại, vị ấy sống không não hại. Nhập được pháp lưu, đó là vị ấy tu tập niệm Pháp”. (Kinh Tăng Chi tập 3 trang 18).
Nếu theo kinh sách của các nhà học giả Đại Thừa dạy: “Nam Mô Tăng” và cứ như vậy mà niệm thì dù có tu trăm muôn ngàn kiếp thì (281) thân tâm này cũng chẳng thanh tịnh. Nam Mô Tăng như vậy là một pháp ức chế tâm, khiến cho tâm bị dồn nén tham, sân, si, mạn, nghi, càng tu thì tâm này càng tham, sân, si dữ tợn khi gặp chướng ngại pháp.
Nam mô Tăng theo nghĩa của kinh sách Đại Thừa dạy là trai tăng cúng dường y áo, thực phẩm, thuốc thang, giường nằm, nhà ở, tứ sự, v.v.. nhờ cúng dường như vậy, nên thọ được phước báu hữu lậu vô lượng. Điều này không đúng với đường lối tu tập của Đạo Phật, đó là lối niệm Tăng của Đại Thừa, không đúng chánh pháp của Phật.
Theo kinh sách Nguyên Thủy, muốn tu pháp niệm Tăng cho đúng thì trước tiên phải chọn những vị Tăng nghiêm trì giới luật. Những vị Tăng nghiêm trì Giới luật là những vị sống thiểu dục tri túc, ba y một bát, sống không có chùa to Phật lớn, sống xa lìa những vật chất tiện nghi đầy đủ, sống không có ăn mặc sang đẹp, sống thường đi xin từng miếng mà ăn, sống không cất giữ tiền bạc của cải tài sản, thường lấy gốc cây làm giường nằm, sống ngày một bữa, không có ăn uống phi thời.
Chọn được những vị Tăng như vậy, chúng ta tôn kính những bậc này và xin họ làm Thầy. (282) Từ đây, chúng ta có ngọn đuốc soi đường, hằng ngày ta quan sát tư duy qua gương Thánh hạnh đạo đức của họ và chúng ta tập sống như họ, để biết nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng, để biết đẩy lui các chướng ngại pháp trong tâm, để biết thương yêu hòa hợp với mọi người, để biết chịu phần thiệt về mình, luôn luôn bắt chước các đức hạnh của chúng Tăng, sống theo gương Thánh đức của chúng Tăng. Chính những vị Tăng này là thân giáo đang dạy chúng ta tu tập bằng những bài pháp không lời, họ là những người tu chứng. Ngược lại, những vị Tăng phá giới, phạm giới, bẻ vụn giới thì chúng ta xem họ như những tu sĩ Bà La Môn không đáng cho chúng ta cung kính và cúng dường.
Tư duy quán xét những đức hạnh sống của chúng Thánh Tăng để lấy đó làm gương sống tu tập ly dục ly ác pháp, đó mới chính là chúng ta niệm Tăng. Niệm Tăng như vậy, có ích lợi cho mình, cho người rất lớn, sẽ không làm khổ mình, khổ người; niệm Tăng như vậy thân tâm mới thanh tịnh; niệm Tăng như vậy mới gọi là niệm Tăng Bất Hoại Tịnh.
Đây là lời đức Phật dạy chúng ta cách thức niệm Tăng: “Lại nữa này Mahànàma, Thánh đệ tử tùy niệm Tăng: “Diệu hạnh là (283) chúng đệ tử Thế Tôn. Trực hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Ứng lý hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Chánh hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám vị. Chúng đệ tử Thế Tôn này đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chấp tay, là vô thượng phước điền ở đời”.
Đoạn kinh này đức Phật nêu ra rất rõ các hạnh của vị Thánh Tăng để chúng ta lấy đó làm gương mà sống theo cho đúng. “Diệu hạnh, Trực hạnh, Ứng lý hạnh, Chánh hạnh”. Muốn biết rõ các hạnh này thì chúng ta nên hiểu từng hạnh một.
Vậy diệu hạnh nghĩa là gì? Diệu hạnh là những oai nghi tế hạnh của một tu sĩ đều được dạy trong bộ giới luật đức Thánh hạnh của Phật. Xin các bạn hãy đọc bộ sách Văn Hoá Truyền Thống từ tập 1, 2, 3, 4, 5… thì sẽ rõ. Diệu hạnh là những hành động ngăn ác diệt ác pháp, sinh thiện tăng trưởng thiện pháp của Tứ Chánh cần; là những hành động từ, bi, hỷ, xả của Tứ vô Lượng Tâm.
Vậy Trực hạnh nghĩa là gì? Trực hạnh là những hành động trực tiếp làm chủ bốn sự đau khổ trên thân, thọ tâm và pháp có nghĩa làm làm chủ sinh, già, bệnh, chết chấm dứt luân hồi. Trực hạnh chính là những hành động Tứ Thánh Định, Tứ Như Ý Túc và Tam Minh.
Vậy Ứng lý hạnh nghĩa là gì? Ứng lý hạnh là hành động sống hằng ngày tương ứng đúng lý với hành động của Phật, của Pháp, của chúng Thánh Tăng và của Giới Luật, đó là những hành động sống Tứ Bất Hoại Tịnh.
Vậy Chánh hạnh nghĩa là gì? Chánh hạnh là những hành động sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Chánh hạnh tức là tâm thanh thản, an lạc và vô sự.
Tóm lại, một người tu tập pháp môn Tứ Bất Hoại Tịnh sẽ có đủ bốn hạnh trên đây. Người có đủ bốn hạnh trên là người toàn thiện, là người làm chủ nhân quả, là người vượt ra khỏi không gian vũ trụ, là người không còn bị chi phối bởi qui luật của nhân quả.
Khi chúng ta niệm Tăng đúng pháp như vậy thì tâm không bị tham, sân, si chi phối, do (285) đó tâm được thanh thản, an lạc và vô sự như đức Phật đã dạy: “Này Mahànàma, trong khi Thánh đệ tử tùy niệm chúng Tăng, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, không bị sân chi phối, không bị si chi phối, trong khi ấy tâm vị ấy được chánh trực, nhờ dựa vào tùy niệm chúng Tăng”.
Khi tâm được thanh thản, an lạc và vô sự thì tất cả những trạng thái tín thọ, vui mừng, hoan hỷ, khinh an, lạc thọ và định tỉnh lần lượt xuất hiện đầy đủ. Khi sống đúng niệm chúng Thánh Tăng như vậy thì sự tu tập giải thoát đâu phải là sự khó khăn. Phải không các bạn?
Chúng ta hãy lắng nghe cho kỹ những lời Phật dạy: “Và này Mahànàma, một vị Thánh đệ tử, với tâm chánh trực, được nghĩa tín thọ, được pháp tín thọ, được hân hoan liên hệ đến chúng Tăng. Người có hân hoan nên hỷ sanh. Người có hỷ nên thân được khinh an. Với thân khinh an, vị ấy cảm giác lạc thọ. Người có lạc thọ tâm được định tỉnh”.
Khi sống đúng như chúng Thánh Tăng thì tâm chúng ta bất động trước các ác pháp và các (286) cảm thọ tức là tâm chúng ta ly dục ly ác pháp hoàn toàn nhập vào dòng Thánh như kinh dạy: “Này Mahànàma, về vị Thánh đệ tử này, được nói như sau: “Với mọi người không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với mọi người có não hại, vị ấy sống không não hại. Nhập được pháp lưu, đó là vị ấy tu tập niệm chúng Tăng”. (Kinh Tăng Chi tập 3 trang 19).
Niệm Giới như thế nào? Các nhà Đại Thừa dạy niệm giới, cứ mỗi nửa tháng một kỳ tụng giới vào ngày 14 hoặc ngày 30. Họ tập trung nhau lại tụng giới. Đó là cách thức của họ niệm giới của Đại Thừa. Niệm giới như vậy, dù họ niệm một triệu kiếp cũng không nghiêm trì được giới luật, cũng không thanh tịnh được thân tâm, chỉ là một hình thức lừa đảo tín đồ, xem như mình có giữ giới.
Họ đâu biết rằng Giới luật là hành động sống đạo đức của một vị Thánh Tăng, nếu họ tụng giới luật suông như vậy thì không có ý nghĩa và lợi ích gì cả, đó chỉ là hình thức che đậy cho sự phá giới của họ. (287)
Cho nên, hầu hết các thầy Đại Thừa niệm Giới như vậy đều sống phá giới, phạm giới, bẻ vụn giới hết không còn một giới nào là họ không vi phạm.
Các nhà Đại Thừa hiểu không đúng pháp môn Tứ Bất Hoại Tịnh nên thực hành sai, do thực hành sai mà thân tâm ô nhiễm không thanh tịnh, cuối cùng tu Tứ Bất Hoại Tịnh mà thành Tứ Hoại Tịnh, không có giải thoát chút nào. Vậy niệm Giới như thế nào cho đúng?
Muốn niệm Giới cho đúng thì phải học giới luật cho thông suốt. Khi Giới luật đã học thông suốt thì chúng ta quán xét và tư duy những đức hạnh nào của giới dạy về đạo đức làm người và những giới luật nào dạy về giới đức làm Thánh. Chúng ta đã hiểu rõ các đức hạnh của giới xong, thì từ đó hằng ngày chúng ta quyết tâm phải sống cho đúng những đạo đức làm người và làm Thánh, nhờ có quán sát và tư duy theo từng hành động thân miệng ý của mình như vậy, nên sống đúng giới luật nghiêm túc, do sống đúng giới luật nghiêm túc nên thân tâm thanh tịnh ly dục ly ác pháp, từ đó thân tâm không hoại sự thanh tịnh.
Người tư duy quán sát và sống đúng giới luật như vậy nên gọi là niệm Giới Bất Hoại (288) Tịnh, niệm như vậy mới gọi là niệm giới, chứ không phải niệm giới theo kiểu các nhà Đại Thừa tụng một bài giới là xong, niệm Giới như vậy, gọi là niệm giới Đại Thừa, chứ không phải niệm Giới Bất Hoại Tịnh.
Đây chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy niệm Giới: “Lại nữa này Mahànàma, Thánh đệ tử tùy niệm các giới của mình: “Giới không bị bẻ vụn, không bị sứt mẻ, không bị vết chấm, không bị uế tạp, đưa đến giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến thiền định”.
Đoạn kinh này các bạn có nghe lời Phật dạy chăng? Giới không bị bẻ vụn, không bị sứt mẻ, không bị vết chấm, không bị uế tạp, lời dạy này giúp cho chúng ta xét thấy từng giới một của Phật xem coi có giới nào bị ai bẻ vụn, làm sứt mẻ, làm cho có vết chấm, làm cho uế tạp giới thì chúng ta không chấp nhận những loại giới này.
Ví dụ: giới không ăn phi thời thì các Tổ sau này làm thành vết chấm là ăn ngọ. Bẻ vụn: chư Thiên ăn sáng; Phật ăn giờ ngọ; chúng sanh ăn sau giờ ngọ; ngạ quỷ ăn đêm. Làm uế tạp sáng ăn, trưa ăn, chiều ăn hoặc không ăn sáng, chiều thì lại uống sữa bột đường, v.v.. Các (289) Nhà Đại Thừa do Giới bị bẻ vụn, bị sứt mẻ, bị vết chấm, bị uế tạp nên tâm bị tham, sân, si chi phối, vì vậy nên thích sống trong chùa to Phật lớn, mỗi ngôi chùa cất hằng tỷ bạc, xe hơi tủ lạnh, máy điều hòa không khí, tivi, điện thoại di động, v.v..
Ngược lại, niệm đúng như lời Phật dạy trong kinh Nguyên Thủy thì tâm không tham, sân, si chi phối thì lúc nào cũng thanh thản, an lạc và vô sự như đoạn kinh dưới đây Phật dạy: “Này Mahànàma, trong khi Thánh đệ tử tùy niệm Giới, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, không bị sân chi phối, không bị si chi phối, trong khi ấy, tâm vị ấy được chánh trực, nhờ dựa vào Giới”.
Khi niệm giới đúng pháp như giới thì tâm bất động, thanh thản, an lạc vô sự. Tâm bất động, thanh thản, an lạc vô sự thì các trạng thái giải thoát sẽ xuất hiện đầy đủ như: tín thọ, hân hoan, hỷ lạc, khinh an, lạc thọ và định tỉnh. Đây chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Và này Mahànàma, một Thánh đệ tử, với tâm chánh trực, được nghĩa tín thọ, được pháp tín thọ, được hân hoan liên hệ đến giới pháp. Người có hân hoan nên hỷ sanh. Người có hỷ, nên thân được khinh (290) an. Với thân khinh an, vị ấy cảm giác lạc thọ. Người có lạc thọ, tâm được định tỉnh”.
Khi tâm định tỉnh nhu nhuyễn, dễ sử dụng thì chúng ta đã nhập vào dòng Thánh không bao giờ còn trở lui về thế tục nữa: “Này Mahànàma, về vị Thánh đệ tử này, được nói như sau: “Với mọi người không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với mọi người có não hại, vị ấy sống không não hại. Nhập được pháp lưu, đó là vị ấy tu tập niệm Giới”. (Kinh Tăng Chi tập 3 trang 19).
Đây là một trong những bài kinh để xác chứng lời đức Phật dạy như vậy, mà các Tổ dám cả gan dạy sai, khiến cho người đời sau tu tập sai lạc, đó là các Tổ dạy sai pháp của đức Phật, còn những pháp các Tổ bịa đặt ra cũng đều gán cho là đức Phật thuyết. Bởi vậy, từ 25 thế kỷ nay người ta tu theo Đạo Phật chứ kỳ thật là người ta tu theo Đạo của các Tổ, cho nên hằng triệu vạn người tu hành mà chẳng có ai làm chủ sanh, già, bịnh, chết và chấm dứt luân hồi.
Các bạn nên nhớ, nếu các bạn quyết tâm tu hành tìm cầu sự giải thoát của Đạo Phật, thì chỉ cần tu Tứ Bất Hoại Tịnh là các bạn cũng đã thành tựu viên mãn con đường tu tập có nghĩa (291) là các bạn sẽ làm chủ bốn sự khổ đau của kiếp người: sanh, già, bịnh, chết và chấm dứt luân hồi, thì cần gì các bạn phải tu các pháp môn khác.
Còn chúng tôi nói tu Tứ Bất Hoại Tịnh câu hữu với Định Vô Lậu là vì các bạn nên tư duy, quán xét, suy ngẫm về Phật, Pháp, Tăng và Giới để các bạn thực hiện sống cho đúng như Phật như Pháp, như chúng Thánh Tăng và như giới luật đã dạy, để không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào, đó là cách thức quét sạch lậu hoặc trong các bạn nên mới gọi là câu hữu với Định Vô Lậu, chứ kỳ thực các bạn không có tu Định Vô Lậu mà tu Tứ Bất Hoại Tịnh.
Tóm lại, một người quyết tâm tu hành để tìm cầu sự giải thoát thì chỉ cần tu Tứ Bất Hoại Tịnh thì cũng đủ sự giải thoát rồi, đâu cần gì phải tu nhiều thứ cho mệt.
Ví dụ: mình quyết sống như Phật thì khi gặp chướng ngại pháp trong tâm, chúng ta nhất định không sân, không phiền não, không đau khổ, sống và làm y như Phật thì ngay đó thân tâm thanh tịnh hay nói cách khác là tâm bất động trước các pháp. Tu hành chỉ có như vậy mà thôi, thế mà chẳng ai làm được cả. (292)
Pháp môn Tứ Bất Hoại Tịnh là một pháp môn tuyệt vời, nếu một người quyết tử tu tập thì sẽ có kết quả ngay liền, không còn phải chờ đợi kéo dài từ năm này đến tháng kia hoặc năm khác. Để kết luận bài pháp này bằng lời dạy của đức Phật: “Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được những bậc trí tự mình giác hiểu!”. (293)